Phóng sự - Ký sự

Những dòng họ Jrai yêu chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa bao bộn bề khó khăn của cuộc sống, đồng bào Jrai ở huyện Ia Pa vẫn kiên định theo đuổi giấc mơ con chữ vì một tương lai tốt đẹp hơn. Điều đáng nói, sự hiếu học ấy còn được duy trì và phát huy qua nhiều thế hệ gắn với những cách làm hay để khuyến học, khuyến tài.
Coi trọng sự học vốn là truyền thống tốt đẹp của đồng bào Jrai ở vùng đất phía Đông Nam tỉnh. Nhiều năm qua, không ít dòng họ Jrai học tập tiêu biểu đã được chính quyền địa phương công nhận như: dòng họ Rmah ở xã Chư Mố, dòng họ Nay ở xã Ia Broăi, dòng họ Siu ở xã Ia Ma Rơn, dòng họ Ksor ở xã Ia Trok và Ia Tul…
Có tri thức mới “xua” được đói nghèo
Gần 11 giờ trưa, khi hồi trống trường vang lên rộn rã báo hiệu buổi học kết thúc cũng là lúc thầy Ksor Tuýt-giáo viên Trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái (xã Ia Tul) vui vẻ chào tạm biệt những học trò nhỏ của mình để trở về nhà. Hơn 25 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng, thầy Tuýt luôn nỗ lực đem ánh sáng tri thức truyền đạt cho đám trẻ nghèo ở buôn làng.
Ksor Tuýt là con thứ 4 trong một gia đình có 7 chị em ở buôn Biăh B, xã Ia Tul. Từ nhỏ, anh em Tuýt đã được người cha Kpă Ơi rèn cho ý thức và tinh thần học tập với một quan điểm rất rõ ràng và cực kỳ tiến bộ: Chỉ có tri thức mới “xua” được nghèo đói bủa vây để trở thành những con người có ích cho xã hội. Có thời điểm, trong nhà “đói cả tiền lẫn gạo”, ông Ơi vẫn tìm mọi cách xoay xở, quyết tâm cho các con ăn học đến nơi đến chốn. “Cha tôi không bao giờ chấp nhận chuyện con cái mình thất học. Hễ đứa nào có tư tưởng bỏ học là ông chấn chỉnh ngay. Ông chẳng ngại phạt chị em chúng tôi quỳ gối vì trốn học, cũng sẵn sàng đi vay mượn tiền khắp nơi chỉ để mua bộ quần áo mới thưởng cho chúng tôi khi đạt thành tích học tập cao. Dù phải ăn mì, ăn khoai nhưng chuyện học với gia đình tôi luôn được coi là một việc hệ trọng”-thầy Tuýt nhắc nhớ.
Con đường đến trường của anh em Ksor Tuýt cũng chẳng mấy dễ dàng. Cứ 4 giờ sáng, tất cả đã phải thức dậy để đi bộ ra bến đò sông Ba (vị trí cầu Bến Mộng bây giờ) chờ đò sang sông để kịp giờ lên lớp. Mùa nắng khó một thì mùa mưa vất vả mười vì đường lầy lội, nước sông dâng cao, chảy xiết. Ấy thế mà anh em Tuýt vẫn luôn cố gắng học hành chăm chỉ. Ngoài 4 chị em gái học hết lớp 5 và lớp 9 thì 3 người còn lại đều tốt nghiệp đại học rồi trở thành giáo viên. Riêng người anh trai Ksor Nhan từng giữ nhiều chức vụ cao tại các ban, ngành, đoàn thể của huyện Ia Pa và hiện là Chủ tịch Hội Nông dân huyện. 
Phát huy truyền thống hiếu học, thế hệ con cháu của gia đình cũng gặt hái được nhiều thành công trên con đường học vấn. Dòng họ Ksor cũng trở thành dòng họ học tập tiêu biểu được công nhận ở xã Ia Tul với 17 người có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học; tất cả con cháu trong độ tuổi đến trường đều đang theo học tại các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn. Còn ông Kpă Ơi mặc dù tuổi đã cao song vẫn tiếp tục dõi theo, động viên con cháu chăm chỉ học hành. 
 Một số thành viên trong dòng họ Ksor hiếu học ở xã Ia Tul (huyện Ia Pa). Ảnh: Hồng Thi
Một số thành viên trong dòng họ Ksor hiếu học ở xã Ia Tul (huyện Ia Pa). Ảnh: Hồng Thi
Rời Ia Tul, tôi tiếp tục hành trình đến với xã Chư Mố. Trên đường đi, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ia Pa Ksor Thất không quên “bật mí”: “Với phương châm cần gì học nấy, dòng họ Rmah đã thực hiện rất thành công mục tiêu chinh phục tri thức của mình. Đây là dòng họ học tập duy nhất của huyện được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ X”.
Cung đường đến buôn Apa Ama Lim rất đỗi yên bình với những cánh đồng lúa vừa gặt còn vương mùi thơm rơm rạ, những đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ hay đàn vịt ngụp lặn dưới dòng kênh. Tiếp nối khung cảnh đó là hàng trăm nếp nhà của đồng bào Jrai nằm san sát nhau. Ngôi nhà sàn bằng gỗ của gia đình bà Rmah H’Đoan (Trưởng họ Rmah) nằm ở giữa buôn với kết cấu 2 tầng nối nhau khá rộng rãi và thoáng mát. Nơi góc nhà, bà H’Đoan đang cẩn thận lau chùi và sắp xếp những tấm bằng khen, giấy khen vào một chiếc thùng giấy. “Thành tích học tập của mấy đứa nhỏ trong nhà và dòng họ Rmah của tôi đấy. Quý lắm!”-bà H’Đoan mỉm cười khoe.
Dòng họ Rmah của bà H’Đoan có 7 hộ với 57 khẩu. Cũng như ông Kpă Ơi, cha mẹ bà H’Đoan nhận thức được rằng nếu không có tri thức thì cho dù cố gắng lam lũ một nắng hai sương cũng chẳng thể đổi đời. Chỉ có làm chủ tri thức và biết cách vận dụng nó vào sản xuất cũng như cuộc sống thì mới có thể thoát khỏi cảnh khốn khó. Chị em bà vì thế được cha mẹ tạo điều kiện cho ăn học đến nơi đến chốn. “Là trưởng họ, tôi luôn tìm cách phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, khuyến khích con cháu biết yêu cái chữ. Để các con được đến trường, dù phải bán hết đàn bò của gia đình hay làm lụng cực khổ đến đâu, tôi cũng chẳng nề hà. Hiện nay, cả họ có 9 người tốt nghiệp THCS, 23 người tốt nghiệp THPT, 6 người có bằng trung cấp chuyên nghiệp, 5 người có bằng cao đẳng và 16 người có bằng đại học, 1 người học xong chương trình thạc sĩ. Tất cả đều có việc làm và thu nhập ổn định”-bà H’Đoan phấn khởi nói.
Bà Rmah H’Đoan (xã Chư Mố, huyện Ia Pa) tự hào với những thành tích học tập mà dòng họ mình đã đạt được. Ảnh: Hồng Thi
Bà Rmah H’Đoan (xã Chư Mố, huyện Ia Pa) tự hào với những thành tích học tập mà dòng họ mình đã đạt được. Ảnh: Hồng Thi
Góp phần khuyến học, khuyến tài
Không chỉ hiếu học, qua những cuộc chuyện trò, tôi được biết thêm rằng, những dòng họ Jrai nơi đây còn có nhiều cách làm sáng tạo để động viên tinh thần học tập của con cháu một cách thiết thực nhất. 
Cách đây 24 năm, ông Rmah Kmlă (con trai người chị cả của bà Rmah H’Đoan; hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh) là người đầu tiên của dòng họ Rmah ở Chư Mố đậu đại học. Để chúc mừng sự kiện này, cả dòng họ đã mổ heo lớn, bò to cúng Yàng báo tin vui và cầu mong việc học hành của chàng trai Kmlă “thuận buồm xuôi gió”. Các thành viên trong dòng họ còn dành dụm mỗi người một ít tiền cho Kmlă trang trải chi phí khi vào TP. Hồ Chí Minh học tập. Cũng từ đó, quỹ khuyến học của dòng họ Rmah chính thức ra đời với sự đóng góp tùy tâm của mỗi gia đình. Năm nào mùa màng bội thu, giá trị nguồn quỹ sẽ được nâng lên và ngược lại. 
“Nhờ sự hỗ trợ của mọi người trong dòng họ, tôi và các anh chị em có thêm điều kiện để yên tâm học hành. Sau khi ra trường và tìm được công việc ổn định, tôi cũng không ngừng đóng góp quỹ và tiếp tục nêu gương sáng để thế hệ sau noi theo”-ông Rmah Kmlă tâm sự.
Đặc biệt, sau một thời gian sinh hoạt chung với Chi hội Khuyến học buôn Apa Ama Lim, năm 2013, dòng họ Rmah đã xin phép Hội Khuyến học xã Chư Mố thành lập Chi hội Khuyến học của dòng họ mình. Đây là 1 trong 4 chi hội khuyến học dòng họ trên địa bàn huyện Ia Pa. “Để quản lý và điều hành hoạt động của Chi hội, chúng tôi đã cử ra chi hội trưởng và người giữ quỹ. Các hội viên thống nhất đóng góp 200.000 đồng/hộ/tháng. Nguồn kinh phí này tuy không nhiều nhưng đã góp phần giúp các thành viên khó khăn trong dòng họ có điều kiện học tập”-bà H’Đoan cho hay.
Ngoài việc tích cực học tập, làm chủ tri thức, dòng họ Rmah còn nhắc nhở nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, chăm lo phát triển kinh tế và giáo dục con cháu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ năm 2016 đến nay, các gia đình trong dòng họ Rmah đều được UBND xã Chư Mố công nhận là gia đình học tập.
Tương tự, dòng họ Ksor ở xã Ia Tul cũng chủ động xây dựng nguồn quỹ khuyến học của riêng mình. Thầy Ksor Tuýt cho biết: “Mỗi năm, từng gia đình trong họ sẽ đóng góp khoảng 500.000 đồng để làm quỹ. Trong các đợt sinh hoạt cuối năm, Trưởng họ sẽ đánh giá, tuyên dương những cháu đạt học sinh khá, giỏi với mức thưởng 200.000 đồng/người; ai đậu đại học được thưởng 500.000 đồng. Chúng tôi cũng có giấy khen riêng của dòng họ để khích lệ tinh thần học tập của con cháu. Hoạt động này được dòng họ Ksor duy trì từ năm 2005 đến tận bây giờ”.
Em Ksor H’Muar (bìa phải, xã Ia Tul) mong muốn tiếp nối truyền thống của gia đình, trở thành một giáo viên tiểu học. Ảnh: Hồng Thi
Em Ksor H’Muar (bìa phải, xã Ia Tul) mong muốn tiếp nối truyền thống của gia đình, trở thành một giáo viên tiểu học. Ảnh: Hồng Thi
Mới đây, em Ksor H’Muar (cháu ngoại ông Kpă Ơi) vừa được dòng họ khen thưởng vì đạt 24,25 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước đó, 12 năm liền, H’Muar đều nhận được sự khích lệ từ phía dòng họ với thành tích học tập khá, giỏi. “Sự ghi nhận của dòng họ là động lực để em không ngừng cố gắng. Em mong mình sẽ bước chân được vào giảng đường của Trường Đại học Sư phạm Huế để tiếp nối truyền thống của gia đình, trở thành một giáo viên tiểu học. Dòng họ Ksor chính là niềm tự hào của em”-H’Muar bày tỏ.
Ông Ksor Thất-Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ia Pa: “Những năm qua, phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng... ở địa phương không ngừng được đẩy mạnh và tạo được sự chuyển biến tích cực. Toàn huyện có 23/256 dòng họ được công nhận “dòng họ học tập”, đa số là dòng họ dân tộc Jrai. Hàng năm, 60% số gia đình đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình học tập được công nhận. Quỹ khuyến học của các dòng họ được xây dựng, duy trì và ngày càng tăng. Nhận thức của đông đảo nhân dân về tầm quan trọng của việc học được nâng lên; số con em theo học tại các trường cao đẳng, đại học ngày càng nhiều. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con vì thế cũng từng bước được cải thiện đáng kể”.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm