Những hiệu ứng tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016, Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao số đối tượng được hưởng lợi và hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro xảy ra. Từ đó, một trong những kế hoạch trọng tâm được Ban tiếp tục quan tâm triển khai là Hợp phần II-Phát triển sinh kế bền vững.

Nếu như năm 2015, ở Hợp phần II, chỉ có 68 nhóm cải thiện sinh kế (LEG) được triển khai với trên 2.000 hộ hưởng lợi, thì năm 2016, dự án đã thực hiện 143 nhóm cải thiện sinh kế với số người hưởng lợi nhiều gần gấp 3 lần. Các nhóm cải thiện sinh kế đều do người hưởng lợi tự nguyện đề xuất những cây trồng mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Ngoài những cây trồng như: bắp, lúa lai, mía… đã triển khai, năm 2016, những cây trồng mới được người hưởng lợi chọn thực hiện như: gừng, sa nhân, đậu xanh… bước đầu cũng cho hiệu quả. Riêng về vật nuôi, nếu áp dụng nuôi bò sinh sản thì suất đầu tư lớn và số hộ nghèo hưởng thụ không nhiều. Vì vậy, các địa phương đề nghị chọn những loại vật nuôi có giá trị nhỏ hơn như heo, dê, gà, vịt… để hỗ trợ hộ nghèo được nhiều thêm.

 

Các thành viên nhóm trồng đậu xanh thôn Bah Leng thu hoạch sản phẩm. Ảnh. Đ.Y
Các thành viên nhóm trồng đậu xanh thôn Bah Leng thu hoạch sản phẩm. Ảnh. Đ.Y

Tại tiểu phần 2 của Hợp phần II-Phát triển sinh kế bền vững, năm đầu tiên thực hiện nhóm sinh kế phát triển liên kết thị trường trồng gấc được thực hiện tại xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa). Anh Dương Văn Bắc-cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng xã Ia Ma Rơn, cho biết: “Đến thời điểm này, 3 nhóm LEG trồng gấc triển khai tại các thôn: Kim Năng 2, Ma San, Ma Rin 2 với 60 hộ trồng 7,5 ha đã triển khai. Các hộ tham gia hưởng lợi đã được dự án hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực trồng gấc. Dự án còn hỗ trợ giống gấc, phân bón, dây kẽm, cọc làm giàn cho bà con. Ngoài cán bộ của Ban thường xuyên có mặt tại các nhóm, cán bộ kỹ thuật của Công ty Gấc Tây Nguyên còn trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ bà con kỹ thuật dựng cột, làm giàn, xuống giống gấc. Đến nay, hầu hết thành viên của các nhóm đã biết cách làm giàn, cách chăm sóc gấc”.

Những tháng đầu năm 2016, dù phải đối mặt với điều kiện thời tiết nắng hạn nhưng với sự nỗ lực của các cán bộ Ban Phát triển xã, Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên các huyện Ia Pa, Krông Pa, Kông Chro, Kbang và Mang Yang, việc triển khai các nhóm cải thiện sinh kế ở 25 xã khó khăn vẫn được thực hiện hiệu quả. Trong đó phải kể đến nhóm đậu xanh được triển khai thành công tại thôn Bah Leng (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) đã cho thu hoạch, sản lượng cao hơn cả mong đợi. Ông Siu Tâm-Trưởng nhóm LEG đậu xanh thôn Bah Leng, cho biết: “Trước đây, bà con trong thôn đã biết trồng đậu xanh nhưng việc áp dụng kỹ thuật chưa có, cứ trồng được chăng hay chớ. Từ đầu năm 2016, dự án về hỗ trợ bà con kỹ thuật, từ khâu làm đất, chọn giống, cách trồng, chăm sóc, bón phân. Vì vậy, dù thời tiết nắng hạn gay gắt nhưng đậu xanh vẫn đạt năng suất cao hơn rất nhiều so với những vụ trước. Nếu 1 sào trồng đậu xanh trước đây chỉ thu được 90 kg thì năm nay thành viên tham gia nhóm thu đậu đạt năng suất trung bình trên 1,2 tạ”.

Về triển khai Hợp phần I-Phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn-làng, Hợp phần III-Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện, nâng cao năng lực, năm 2016, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai đã thực hiện 41 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ và vừa phục vụ dân sinh và 8 công trình vận hành bảo trì. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai, cho biết: Đến thời điểm này, những hợp phần của dự án triển khai đã và đang lan tỏa đến với người dân. Đối tượng hưởng lợi chính là người nghèo. Khi chúng ta tuyên truyền bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc” như dự án đang làm thì tôi tin chắc, dù sau này kết thúc dự án, người nghèo vẫn biết cách làm, đem lại hiệu quả năng suất cao. Hiệu quả của dự án mang lại đã rõ, người hưởng lợi đã từng bước thoát nghèo và tự mình có thể chăn nuôi, trồng trọt đạt kết quả tốt. Bên cạnh những kết quả đã đạt được của năm trước, các tiểu dự án sinh kế, các công trình giao thông đang dần góp phần nâng cao đời sống của người dân. Dự án sẽ bước đầu tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên tham gia. Bên cạnh đó, dự án đã gắn kết đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết, cùng tương trợ, giám sát và giảm rủi ro trong quá trình đổi mới cách làm, cách nghĩ từ những việc làm hỗ trợ cụ thể của dự án.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm