Phóng sự - Ký sự

Những hủ tục xưa vẫn đeo bám người Đan Lai vùng lõi Pù Mát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng trăm năm rồi nhưng tộc người Đan Lai tại vùng lõi của VQG Pù Mát vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ những thói quen, hủ tục xưa cũ. Chính bởi còn “vấn vương” với nếp sống hoang dã thời cha ông nên họ phải chịu nhiều thua thiệt trong cuộc sống thường ngày…
Cần xé rào
Trọng tâm Đề án 280 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2006 hướng đến việc di chuyển 146 hộ tại Khe Cồn, bản Búng của xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An) về ổn định cuộc sống tại 3 điểm TĐC, chỉ duy trì 30 hộ còn lại ở bản Cò Phạt. Dù vậy mọi thứ diễn ra không suôn sẻ, sau 12 năm tình hình nhìn chung hết sức… chông chênh.
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều kế hoạch, chủ trương sát sườn để tạo động lực thúc đẩy, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng vì nhiều nguyên do khác nhau hiệu quả không được như ý muốn. Công tác di dời quá chậm chạp, trong khi bà con vẫn mang nặng tư tưởng “trời sinh voi trời sinh cỏ” nên chẳng mấy chốc dân số tăng nhanh vùn vụt, hiện tại đã phát triển lên 227 hộ với gần 1.000 nhân khẩu.
 
Thiếu hụt đất sản xuất là điều đáng lưu tâm nhất
Trước kia tộc người Đan Lai tại vùng lõi VQG Pù Mát phải sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, họ sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Trong bộn bề lo toan, nan giải nhất vẫn là tình trạng thiếu hụt tư liệu sản xuất, hiện bài toán vẫn chưa có lời giải đáp.
Đến đây xin được nhắc qua gốc tích của tộc người huyền bí. Nhiều bậc cao niên kể rằng, thuở xa xưa trên vùng đất Hoa Quân thuộc huyện Thanh Chương có dòng họ La (hoặc Lê) sống chan hòa, quây quần bên nhau. Một ngày nọ, chúa đất Hoa Quân nổi tiếng tham lam, tàn ác cho gọi trưởng tộc họ La đến, yêu cầu trong vòng 1 tháng phải cống nạp cho hắn 1 chiếc thuyền liền mái chèo cùng 100 cây nứa bằng vàng, nếu không cả dòng họ sẽ phải gánh chịu kết cục thảm thương.
Lo sợ cái kết tàn khốc, con cháu họ La phân công nhau đi kiếm tìm nhưng đều vô vọng. Không còn lựa chọn nào khác, tất cả đi đến thống nhất “từ bỏ mảnh đất chôn rau cắt rốn”. Ngay trong đêm tối mịt mùng, già trẻ, gái trai, tất cả díu dắt nhau chạy trối chết về hướng thượng nguồn sông Giăng. Đêm đi ngày ngủ, hành trình kéo dài mải miết không thôi, đến một ngày kia khi đặt chân đến vùng núi cao, đèo sâu, xung quanh không một bóng người, dòng họ La quyết định an cư lạc nghiệp.
Cho đến nay không một ai biết đích xác người Đan Lai có mặt tại thượng nguồn Khe Khặng, nơi sâu tít trong miền xanh thẳm Pù Mát tự bao giờ, nhưng chắc chắn một điều nhiều thế hệ của tộc người huyền bí đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Cũng bởi yếu tố đặc thù, dân bản quanh năm chỉ biết đến săn bắn, hái lượm, mãi về sau mới tận dụng quỹ đất trồng thêm luống rau, nuôi thêm con trâu, còn bò để cải thiện sinh kế.
Tộc người Đan Lai quen rồi cuộc sống tự do tự tại, với họ còn rừng đồng nghĩa còn cái ăn cái mặc. Tuy nhiên mọi thứ đã hoàn toàn đổi khác kể từ khi VQG Pù Mát được thành lập (năm 2001), nhất là khi cơ quan chức năng phân định ranh giới, xác nhận trong tổng diện tích thuộc quyền quản lý của đơn vị có cả quỹ đất mà người Đan Lai sinh sống bấy lâu (?!)
Bỗng chốc lâm vào tình cảnh “ăn nhờ ở đậu” đã kéo theo muôn vàn hệ lụy đi kèm, tư liệu sản xuất vốn chẳng dư dả gì nay càng thắt lại vì lý do chồng chéo, điều này đã góp phần gia tăng thêm cả tấn áp lực.
Nhưng con số thống kê dù khô khan nhưng đủ sức lột tả hết bản chất của vấn đề. Qua rà soát, ngoài diện tích nương rẫy nằm tít trên cao thì toàn bản khe Búng chỉ có khoảng 10,5 ha đất ruộng, hộ nào khá có dăm trăm m2, bằng không chỉ lèo tèo những khoảnh vụn vặt, bỏ hoang thì không đành, canh tác thì chẳng bù công. Ấy thế mà tình hình tại Cò Phạt còn bi quan gấp bội, thật cám cảnh khi biết rằng toàn bộ đất ruộng ở bản này chưa đầy… 6 ha.
Trưởng bản Cò Phạt La Văn Tám không dấu diếm: “Toàn bản có 115 hộ, 100% đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống nhìn chung còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hộ có ruộng chỉ chiếm khoảng 60%, khi mưa thuận gió hòa thì đủ ăn, gặp thiên tai thì thiếu đói. Những gia đình thiếu đất sản xuất cùng cực hơn nhiều, phần đa phải chạy vạy sống qua ngày”.
 

Trưởng bản Cò Phạt La Văn Tám (áo sáng) băn khoăn

Trong bối cảnh người dân không muốn di dời, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hiện tại cũng như 30 năm, thậm chí 50 năm sau, nhất thiết phải tiến hành quy hoạch tổng thể. Trên tinh thần đó, thời gian qua một mặt UBND tỉnh Nghệ An tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai cải tạo những diện tích ven suối để bà con tận dụng canh tác, mặt khác thống nhất chủ trương cắt một phần đất của VQG để chuyển đổi thành đất sản xuất.
Đây là phương án mở, rất hợp lòng dân. Có điều tính khả thi đang bị đặt một dấu hỏi cực lớn, bởi chiếu theo Chỉ thị số 13-CT/TW về công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng thì lúc này “mọi hình thức chuyển đổi đều bị cấm”.  
Cám cảnh
227 hộ dân thuộc bản Búng và Cò Phạt chỉ mang 2 họ La và Lê, câu chuyện “ra ngõ chạm mặt người thân” là điều thường tình tại vùng lõi. Mối quan hệ dây mơ rễ má đã tác động tiêu cực đến công tác di dời TĐC suốt nhiều năm qua, khi cán bộ hỏi chuyện, bà con trả lời tỉnh queo: “Chúng tôi cùng chung huyết thống anh em, ở cùng ở, đi cùng đi”. Dân bản luôn tâm niệm, những thế hệ đi trước đã có công khai hoang, mở lối thì bậc con cháu phải có trách nhiệm tiếp bước, sinh ra lớn lên giữa chốn đại ngàn thì khi chết đi phải gắn liền với quê cha đất tổ, được hòa mình giữa cỏ cây mây ngàn.
Chủ quan là thế, sâu xa hơn phải thừa nhận bản chất tộc người Đan Lai “ngại” thay đổi. Qua hàng trăm năm rồi nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ những thói quen, hủ tục xưa cũ. Chính bởi còn “vấn vương” với nếp sống có phần hoang dã từ thời cha ông nên bản thân họ phải gánh chịu nhiều thua thiệt trong đời sống thường ngày.
 
Cuộc sống của người Đan Lai còn bộn bề gian khó
Tâm lý mặc cảm tự ti, ngại ngần trong tiếp xúc nên nhận thức và tư duy của người Đan Lai còn nhiều hạn chế nhất định. Kiến thức không được trang bị đủ đầy nên họ khó bắt kịp với nhịp sống hiện đại, bằng chứng nhiều trường hợp đã vỡ mộng chỉ sau khoảng thời gian ngắn nơi đất khách quê người. Điển hình là vụ việc liên quan đến 2 em La Thị Ngh. và Lê Thị M. (cùng SN 2004, đều trú tại bản Cò Phạt) vào năm 2017. Đang theo học tại trường cấp 3 Môn Sơn, bỗng dưng Ngh. và M. biệt tăm không rõ tung tích, sau khi vào cuộc điều tra, cơ quan Công an xác minh nạn nhân bị 2 đối tượng trú tại bản Mọi (xã Lục Dạ, huyện Con Cuông) lừa gạt rồi bán cho một người lạ mặt ở miền Nam. Bằng biện pháp nghiệp vụ, trinh sát phát hiện em Lê Thị M. đang bán cà phê ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, còn cháu La Thị Ngh. lao động tại vườn ươm xã N' Thol Hạ, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng…
Sau nhiều năm, chiều hướng suy thoái giống nòi vẫn là nội dung đáng lưu tâm. Không nặng tính “cục bộ” như trước, đã có những trường hợp tiến tới hôn nhân với người ngoài dòng tộc. Tuy nhiên con số trên rất nhỏ giọt, hiện tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn rất phổ biến, nạn tảo hôn cũng tương tự.
Thiếu đất, thiếu kiến thức, không nghề ngỗng, nhà đông miệng ăn nên vòng xoáy đói nghèo cứ thế đeo bám mãi không thôi. Nhưng “đói no là việc của giời”, bởi thế trên phân nửa gia đình tại bản Cò Phạt đều sinh con thứ 3, ngay cả cán bộ như ông Lê Văn Điệp cũng “tích cực” hưởng ứng phong trào “đẻ dày, đẻ nhiều”. thật khó tin khi biết rằng vị phó bản SN 1982 có đến 4 người con, ấy là còn chưa kể bà vợ đang bụng mang dạ chửa.
Đứng đầu danh sách phải nói đến vợ chồng La Văn Thìn (SN 1978), cặp đôi có với nhau tận 8 mặt con, không hiểu 10 con người xoay sở ra sao với chỉ vỏn vẹn chưa đầy 700m2 đất canh tác.
Rồi như gia đình La Văn Nê và La Thị Ngoan (mẹ Ngoan là chị ruột bố Nê). Cùng chung huyết thống nên con cái sinh ra còi cọc, đau ốm liên miên. Trong số 3 người con, cháu thứ 2 La Văn Tạo (SN 2008) bị suy dinh dưỡng nặng, riêng đôi chân cháu bị liệt từ bé. Vợ chồng không nghề không nghiệp kéo theo bộn bề nỗi lo toan, măng trên rừng chỉ cứu đói được 2 tháng trong năm, thời gian còn lại ai thuê gì làm đó, quần quật tối tăm mặt mũi mà nhiều bận cái bụng vẫn không no…
 
Hôn nhân cận huyết để lại hậu quả thấy rõ tại gia đình anh Nê, chị Ngoan
 
Cháu La Văn Tạo bị bại liệt từ bé, đi lại khó khăn

Ông Lương Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn khẳng định tất cả các hộ dân tại 2 bản Cò Phạt và bản Búng đều thuộc diện hộ nghèo, điều này một phần do trình độ dân trí còn hạn chế, mặt khác xuất phát từ việc thiếu hụt nghiêm trọng quỹ đất canh tác. Cùng với đó, vì ít có cơ hội giao lưu, giao thoa nên các hủ tục chưa được khắc phục triệt để, trong 5 năm trở lại đây toàn xã có 35 cặp hôn nhân cận huyết, riêng tộc người Đan Lai chiếm đến 20 cặp..

Việt Khánh (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm