Những kết quả ấn tượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), TP. Pleiku đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, gồm 29 thành viên, do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Tiếp đến, 3 tổ giúp việc của các phòng, ban xuống các xã để giúp Ban Chỉ đạo xã rà soát, đánh giá, lập đề án xây dựng NTM theo 19 tiêu chí. Đối với cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, Ban Giám sát; tại các thôn, làng thành lập Ban Phát triển xây dựng nông thôn mới, nhóm khảo sát thực trạng nông thôn... theo đúng yêu cầu đề ra.

Năm 2011, có 9/9 xã đã hoàn thành quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết giai đoạn 2011-2020. Các đồ án quy hoạch của các xã đều được các ngành liên quan của tỉnh, cơ quan chuyên môn của thành phố và người dân góp ý trước khi UBND thành phố ra quyết định phê duyệt. Đồng thời, đồ án quy hoạch được các xã công bố rộng rãi cho nhân dân được biết tại các hội nghị quân dân chính, công khai tại trụ sở HĐND-UBND các xã, hội trường các thôn, làng; tổ chức cắm mốc, kịp thời triển khai sớm quy hoạch, do đó chất lượng công tác quy hoạch về cơ bản đáp ứng được yêu cầu, phù hợp với các quy hoạch được phê duyệt và nguyện vọng của người dân. Cùng với đó, thành phố ban hành đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020 kèm theo kế hoạch, lộ trình thực hiện, đảm bảo về chất lượng, không chạy theo thành tích, mọi vấn đề nêu lên đều được người dân quyết định.
 

Làm đường giao thông nông thôn.                                          Ảnh: T.T
Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: T.T

Các chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng NTM được triển khai, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tạo điều kiện cho cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu rõ hơn về mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương về xây dựng NTM. Từ nhận thức, đông đảo người dân đã tự giác di dời, bàn giao mặt bằng, đóng góp công sức và kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn, hội trường thôn, làng; điện chiếu sáng, nước sạch được đảm bảo cho người dân; vệ sinh ngõ xóm từng bước được cải thiện rõ nét... tại địa bàn dân cư đã phát huy các phong trào quần chúng để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị từ thành phố đến cơ sở làm tốt công tác vận động, huy động các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể và cá nhân tham gia đóng góp trí tuệ và vật chất thực hiện NTM.

Sau 3 năm triển khai thực hiện, thành phố đã huy động và đầu tư 516,9 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình 10,8 tỷ đồng (bao gồm ngân sách trung ương 4 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 4,6 tỷ đồng, ngân sách thành phố đầu tư 1,9 tỷ đồng và ngân sách xã 300 triệu đồng), vốn đầu tư từ nguồn lồng ghép 127,9 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư 59,2 tỷ đồng, vốn tín dụng 34,2 tỷ đồng, vốn do nhân dân đóng góp 284,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung xây dựng một số mô hình trong sản xuất nông nghiệp như: hỗ trợ doanh nghiệp Hương Đất sản xuất rau an toàn tại xã An Phú, hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản ở xã An Phú và Biển Hồ với trên 40 hộ tham gia; dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Tân Sơn”. Bên cạnh đó, thành phố còn hỗ trợ nông dân phát triển mô hình cá chình, cá rô đầu vuông, mô hình ICM trên cây hồ tiêu tại xã Gào; mô hình chuyển giao kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp sinh sản; mô hình dê lai Bách Thảo tại xã Ia Kênh...

Sau 3 năm xây dựng NTM, thành phố đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (An Phú, Diên Phú và Biển Hồ); 2 xã (Trà Đa, Chư Hdrông) dự kiến hoàn thành 19 tiêu chí NTM cuối năm 2014 và 4 xã còn lại đạt trên 12 tiêu chí.

Thanh Thúy

Có thể bạn quan tâm