Phóng sự - Ký sự

Những lá thư vượt sóng ra DK1: 'Nơi biển đảo xa, chú có lạnh lắm không?'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những cánh thư của các em học sinh từ đất liền đã 'vượt sóng' để đến tay các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 đang ngày đêm canh giữ biển đảo của Tổ quốc.

Ngày 1.1, tôi cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân khởi hành đi thăm, chúc tết các nhà giàn DK1, các tàu trực, Trạm ra đa 590 và cơ quan dân chính đảng H.Côn Đảo nhân dịp tết 2025. Chuyến hải trình kéo dài 16 ngày (từ ngày 1 đến 16.1.2025).

Hơi ấm từ đất liền

Bên cạnh các mặt hàng, nhu yếu phẩm được chuẩn bị theo tiêu chuẩn tết của Bộ Quốc phòng như: heo, gà, nếp, lá dong, quất, mứt… còn có bưu thiếp, tranh vẽ, lá thư “vượt sóng” đến với đảo xa.

Những lá thư tuy mộc mạc nhưng chất chứa niềm yêu thương biển đảo, là món quà tinh thần vô giá mang theo lời động viên của các em học sinh đến các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ. Hơn 1.000 bức thư của học sinh Trường tiểu học An Bình (TP.HCM) và Trường THPT Hoàng Diệu (TP.Long Khánh, Đồng Nai).

Trên giấy kẻ ô vuông quen thuộc, từng dòng chữ chăm chút, nắn nót từ đôi bàn tay bé xíu. Các bức thư được trang trí tỉ mỉ bằng hình lá cờ Việt Nam, chiến sĩ hải quân đầy màu sắc. Lời lẽ ngắn gọn, giản dị nhưng chân thành, khiến người đọc không khỏi bồi hồi và xúc động.

Những bức thư được các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/9 trang trí lên cây mai, đào. ẢNH: UYỂN NHI

Em Đặng Ngọc Minh Khôi, học sinh Trường tiểu học An Bình viết: “Chú ơi! Nơi biển đảo xa xôi chú có lạnh lắm không? Chắc chú nhớ nhà lắm nhỉ? Con cảm ơn các chú đã vất vả gian lao, cho chúng con có cuộc sống bình yên. Các chú nhớ giữ gìn sức khỏe. Trời đang lạnh lắm, các chú nhớ mặc áo ấm vào nhé”.

Hướng về biển, đảo và thềm lục địa phía nam thiêng liêng của Tổ quốc, các em học sinh Trường THPT Hoàng Diệu cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đến các cán bộ, chiến sĩ và lấy đó làm động lực để phấn đấu trong học tập.

Chiến sĩ nhà giàn DK1 đọc thư được gửi đến từ đất liền. ẢNH: UYỂN NHI

Em Lưu Ngọc Kim Uyên viết: “Tuy chưa từng đến biển đảo xa xôi, nhưng cháu luôn nghĩ về các chú - những người đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng. Cháu biết rằng nơi các chú đang đóng quân, sóng gió rất khắc nghiệt và có lẽ nỗi nhớ nhà luôn canh cánh trong lòng. Nhưng vì nhiệm vụ và tình yêu đất nước, các chú vẫn kiên cường bám trụ. Cháu rất khâm phục và tự hào về tinh thần dũng cảm, sự hy sinh thầm lặng của các chú để giúp cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Cháu xin gửi lời chúc sức khỏe, bình an và tinh thần thép đến các chú…”.

Nguồn động viên lớn cho người lính nhà giàn DK1

Vượt 339 hải lý (hơn 627 km) đến nhà giàn DK1/9, những lá thư yêu thương được các chiến sĩ đọc to với nụ cười rạng rỡ. Ngoài ra, các bức thư được trang trí trên từng cành mai, đào.

Là người kết nối, mang những cánh thư từ đất liền đến hải đảo, thượng úy Phạm Văn Công, Chính trị viên tàu Trường Sa 21 xúc động tâm sự, việc đưa thư đến các đồng đội không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là sứ mệnh đặc biệt. Nếu có cơ hội lần sau, anh và đồng đội vẫn quyết tâm vượt sóng gió để đưa bằng được những bức thư của đồng bào đến với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1.

Các thành viên tổ xuồng tàu Trường Sa 21 vượt sóng đưa quà đến nhà giàn DK1. ẢNH: UYỂN NHI

Cầm lá thư trên tay, chăm chú đọc từng câu chữ của các em học sinh, thượng úy Phạm Văn Công nghẹn ngào: "Khi đọc, tôi trải qua nhiều cảm xúc khó tả. Các cháu rất dễ thương, ngây thơ với những câu chữ hồn nhiên nhưng đầy xúc động. Những lời cổ vũ trong thư mang cho chúng tôi nguồn sức mạnh tinh thần to lớn. Các cháu không chỉ gửi tình cảm đến riêng các chiến sĩ hải quân ở nhà giàn DK1 mà còn đến các đồng chí bộ đội đang công tác trên mọi miền Tổ quốc".

Nhà giàn DK1/9 hiên ngang giữa biển khơi. ẢNH: UYỂN NHI

Nhận được thư tay từ đất liền gửi đến, các chiến sĩ trẻ thực hiện nghĩa vụ tại nhà giàn DK1 được truyền lửa ý chí kiên cường và những khó khăn như được xoa dịu.

Anh Hồ Văn Phương (quê H.Nhơn Trạch, Đồng Nai), là chiến sĩ lần đầu tiên đón tết tại nhà giàn DK1/21 tâm sự rằng, khi vừa mới đến đây, ban đầu anh chưa quen với thời tiết, sóng, gió và nhớ gia đình. Nhưng vì Tổ quốc và có các cán bộ, đồng đội giúp đỡ anh đã quen dần và luôn sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Khi được hỏi về cảm xúc sau khi đọc thư, anh Phương nói rất vui và cảm động: “Đây là nguồn động lực to lớn và kịp thời để chúng tôi phấn đấu giữ vững chủ quyền vùng biển”.

Thượng tá Triệu Thanh Tùng, Phó tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân, thăm và chúc tết nhà giàn DK1/9, ngày 3.1. ẢNH: UYỂN NHI

Ngày 5.7.1989, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Chỉ thị số 180/CT về việc xây dựng Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (gọi tắt DK1) tại khu đá ngầm, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu). Suốt 35 năm qua, các nhà giàn DK1 như tượng đài thép đánh dấu chủ quyền biển đảo, thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.

Theo Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; các cán bộ, chiến sĩ DKI đang ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Theo Uyển Nhi (TNO)

Có thể bạn quan tâm