Thời sự - Bình luận

Những lỗ hổng đấu giá đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Số lượng người tham gia đấu giá lên đến hàng ngàn; mức giá trúng thầu cao gấp năm, bảy, thậm chí cả chục lần so giá khởi điểm; rao bán - sang nhượng suất ngay khi phiên đấu giá đang diễn ra...

Những phiên đấu giá nhuốm màu thao túng ở Hà Nội đang cho thấy lỗ hổng cơ chế cần trám gấp để hạn chế tình trạng này.

Lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội nhận định có hiện tượng kích giá đất nền Hà Nội và đang tiến hành xác minh làm rõ. Câu hỏi đặt ra là, vì sao giới cò, đầu nậu, môi giới không chùn tay kích giá như vậy? Có lẽ vì chế tài liên quan đến việc này chưa đủ răn đe. Theo luật Đấu giá tài sản sửa đổi có hiệu lực 1.1.2025, người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc khiến kết quả bị hủy, sẽ không được tham gia đấu giá trong 6 tháng đến 5 năm.

Thế nhưng, quy định này chỉ áp dụng với doanh nghiệp khi tham gia đấu giá làm dự án đầu tư mà chưa có chế tài cụ thể với cá nhân trúng đấu giá, nhưng bỏ cọc. Đó là lỗ hổng đầu tiên. Luật mới cũng siết quy định với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất so với trước đây nhưng không ăn thua. Cụ thể, người tham gia hoặc trúng đấu giá sẽ bị xử lý kỷ luật, phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thông đồng, móc nối với đấu giá viên, đơn vị tổ chức đấu giá... nhằm dìm, nâng giá hay làm sai lệch kết quả. Nhưng nhìn từ 2 phiên đấu giá vừa rồi, các môi giới chỉ cần móc nối với nhau cùng kích, cùng đẩy cũng quá đủ đưa giá thật thành giá ảo rồi, chưa cần móc nối với đấu giá viên hay đơn vị tổ chức. Đó là kẽ hở thứ 2.

Thứ 3 là quy định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với những thửa đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo bảng giá đất. Nhưng bảng giá đất thì tới năm sau mới điều chỉnh theo giá thị trường nên còn khá thấp. Trong cái thấp đó, tiền đặt cọc để tham gia chỉ bằng 20% giá khởi điểm khiến người ta ồ ạt đăng ký tham gia.

Có thể thấy, đầu vào dễ (tiền đặt cọc thấp), đầu ra chế tài chưa đủ mạnh là nguyên nhân khiến các phiên đấu giá đất bị lũng đoạn bởi đủ các chiêu trò, chủ yếu của các môi giới bất động sản. Vậy thì để hạn chế, cứ siết chặt cả đầu vào và đầu ra, đặt cọc cao lên và xử phạt thật nghiêm minh, chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng này.

Một yếu tố không thể thiếu trong các cơn sốt đất, vốn chẳng mấy xa lạ với thị trường bất động sản bao năm nay, đó chính là tâm lý. Tâm lý chớp cơ hội kiếm món hời của giới cò; tâm lý sợ "mặt bằng giá mới" của không ít người dân... thậm chí tâm lý giá đấu cao là thành công của chính quyền địa phương.

Thế nhưng, thực tế cho thấy các phiên đấu giá với giá trúng thầu cao chót vót không phải là món hời vì rất nhiều người trong số đó đã bỏ cọc. Nhưng hệ lụy thì không dừng ở đó! Có nhiều nơi, rất khó để tái đấu giá trở lại vì bản thân cơ quan quản lý cũng e ngại. Giá cao thì không được mà giá thấp (so với giá trúng thầu bị đẩy lên chót vót ở phiên đấu trước đó) thì lại sợ làm "thất thoát tài sản nhà nước". Khu vực đó tự dưng bị "treo" một cách bất đắc dĩ. Đáng nói, người chịu trận cuối cùng chính là người dân. "Mặt bằng giá mới" mà họ lo sợ dù bị tát giá nhưng cứ treo ở đó, xuống không được, ảnh hưởng đến khả năng an cư của họ và tính cạnh tranh của môi trường đầu tư nói chung.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đang tiến hành đấu giá đất để tạo nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Nhưng nếu không nhanh chóng có giải pháp thì rất dễ rơi vào tình trạng náo loạn, kích giá như xảy ra ở Hà Nội. Giá trúng cao, lợi chưa thấy mà lo thì nhiều.

Theo Nguyên Khanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm