(GLO)- Dù đã có rất nhiều bài học cũng như cảnh báo của các phương tiện thông tin truyền thông về tác hại của đồ chơi Trung Quốc đối với trẻ em, song hiện nay, trên thị trường, đồ chơi Trung Quốc vẫn được bày bán tràn lan và các bậc phụ huynh vì lý do nào đó vẫn “rước” những thứ độc hại ấy về nhà.
Thời gian gần đây, một số đồ chơi được giới thiệu là máy kể chuyện thông minh xuất hiện khá phổ biến trên thị trường và thu hút các bậc phụ huynh cũng như con trẻ. Các máy kể chuyện thông minh này có hình thù khá ngộ nghĩnh, mô phỏng nhân vật hoạt hình Doraemon, chiếc máy tính bảng-Ipad, chú mèo Tom, con thỏ, quả táo… Trên mỗi chiếc máy đều có tích hợp một vài chức năng như: kể chuyện, phát nhạc, kiến thức, động vật, giao thông... và trong mỗi chức năng ấy cũng có 1-2 câu chuyện, bài hát. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là trong các máy kể chuyện được xem là “thông minh” ấy lại xuất hiện những câu chuyện có nội dung xuyên tạc và mang đầy tính bạo lực, kích động bạo lực.
Máy kể chuyện thông minh mô phỏng mèo máy Doraemon và mèo Tom. Ảnh: P.D |
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thủy (phường Hội Phú, TP. Pleiku), cách đây vài hôm, có người bạn từ xa ghé nhà chơi đã mua cho con trai chị (4 tuổi) một hộp đồ chơi là chiếc máy kể chuyện thông minh hình chú mèo máy Doraemon. Bé rất thích mà chị cũng tò mò khi nghe giới thiệu nên hai mẹ con bỏ pin vào nghe thử. Khi bấm vào chức năng kể chuyện, ngay câu chuyện giáo dục đầu tiên “Ếch và thỏ”, chị đã giật mình vì nội dung hoàn toàn xa lạ với những gì chị đã biết, hơn thế từ ngữ trong câu chuyện cũng không phù hợp với con trẻ.
Câu chuyện ngụ ngôn “Ếch và thỏ” theo đúng nguyên bản có tính giáo dục con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không nản chí, bởi trong cuộc sống còn có những con người kém may mắn hơn mình rất nhiều. Nhưng cũng vẫn câu chuyện ấy, qua lời kể của chiếc máy thông minh, nội dung đã bị xuyên tạc hoàn toàn. “…Chúng ta thà chết vì con người, vì lũ chó, vì đại bàng, và vì những con thú khác nữa. Thà chết! Thà chết quách một lần cho rồi. Hơn là sống mà sợ hãi và khổ sở. Ta đâm đầu xuống đất tự tử đi và chúng chạy ra hố để tự tử…”. Chị Thủy cảm thán: “Nếu các bậc phụ huynh mua về cho con chơi mà không nghe thử thì thật là tai hại”.
Tương tự, mục kể chuyện trong máy đồ chơi thông minh hình chú mèo Tom cũng chứa đựng những từ ngữ được xem là xuyên tạc so với bản gốc và cũng chứa đựng những chi tiết bạo lực như: “đập vỡ sọ chết tươi”, “quật chết tươi”, hay “xé xác”…
Theo một chủ cửa hàng bán đồ chơi trong Trung tâm Thương mại Pleiku, giá những chiếc máy kể chuyện này rẻ hơn nhiều so với nhiều món đồ chơi khác, chỉ có từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng giúp trẻ có thể vừa chơi, vừa học. Tuy nhiên, khi được hỏi về nội dung bên trong, hầu hết những người bán hàng đều lắc đầu vì chưa một lần nghe thử! Duy chỉ có một chủ cửa hàng trên đường Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku) cho biết: “Lúc trước, cửa hàng cũng có bán nhưng sau khi nghe báo chí nói nhiều về nội dung bên trong những chiếc máy này, chúng tôi cũng có nghe thử và từ đó không nhập hàng, không bán nữa!”.
Mặt khác, một số chủ cửa hàng bán đồ chơi luôn tỏ rõ thái độ khó chịu mỗi khi khách hàng yêu cầu được nghe thử nội dung. Các chủ cửa hàng đều cho rằng “chỉ cần bỏ pin vào thử máy có hoạt động tốt hay không là được, máy có vài chục ngàn đồng mà em đòi nghe thử sao được!”. Điều đó đã tạo ra tâm lý mua nhanh-bán vội, khiến cho người mua không có thời gian để lưu tâm đến chất lượng của các mặt hàng…
Rõ ràng, những chiếc máy kể chuyện được giới thiệu là đồ chơi thông minh, giúp trẻ vừa chơi-vừa học, song thực tế, chúng lại trở nên “hại não” ngay cả với người lớn. Điều đáng ngạc nhiên là dù các món đồ chơi này chứa đựng những nội dung xuyên tạc, mang đầy tính bạo lực nhưng đến nay vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường. Đã đến lúc các bậc phụ huynh cần nghiêm túc cân nhắc khi đầu tư những món đồ chơi để không gây ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ!
Phương Dung