Phóng sự - Ký sự

Những mô hình làm nên hiệu quả chống dịch - Bài 1: Cách làm sáng tạo kéo giảm tỷ lệ tổn thất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đầu tháng 8-2021, Đảng bộ, chính quyền TPHCM xác định chuyển chiến lược phòng chống dịch Covid-19 khi đang ở những ngày khốc liệt nhất. “Việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn nữa”, thành phố xác định tập trung vào chiến lược chăm sóc F0 tại nhà, F0 trong cộng đồng và chiến lược điều trị.

Điều trị bệnh nhi mắc Covid-19 tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng
Điều trị bệnh nhi mắc Covid-19 tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng
LTS: TPHCM đã đi qua thời kỳ khốc liệt nhất của dịch Covid-19, kể từ ngày 23-1-2021, thời điểm bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thời điểm đó, Việt Nam và cả thế giới chưa thể hình dung được sức tàn phá của dịch này trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Chúng ta đã có thời điểm loay hoay, nhưng đã nhanh chóng khắc phục và kiên cường chiến đấu. Nhìn lại chặng đường gian khó đó sẽ thấy rõ những bài học kinh nghiệm đắt giá, những sáng tạo linh hoạt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong từng thời điểm khốc liệt nhất. Những mô hình chống dịch hiệu quả được xây dựng từ cơ sở cho đến những sáng tạo trong chăm sóc y tế, hay các mô hình chăm lo đời sống nhân dân, được vận hành đồng bộ, đã góp phần đưa thành phố đến ngày hôm nay - thời điểm sẵn sàng cho trạng thái “bình thường mới”.
Cùng nhìn lại những nét tích cực trong công tác chống dịch Covid-19 tại TPHCM trong loạt bài “Những mô hình làm nên hiệu quả chống dịch”.
Đầu tháng 8-2021, Đảng bộ, chính quyền TPHCM xác định chuyển chiến lược phòng chống dịch Covid-19 khi đang ở những ngày khốc liệt nhất. “Việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn nữa”, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM (khi đó chưa giữ chức Chủ tịch UBND TPHCM) phát biểu ngày 3-8 và nhấn mạnh, thành phố xác định tập trung vào 2 trụ cột. Đó là chiến lược chăm sóc F0 tại nhà, F0 trong cộng đồng và chiến lược điều trị.
Từ trạm y tế lưu động đến chăm sóc F0 trực tuyến
“Vâng, trạm y tế lưu động phường 14 xin nghe. Bà mệt à? Rồi, bây giờ thở đều nhé, mở cửa sổ ra cho thoáng nhé, chúng con đến ngay”. Thượng úy Trần Quang Đức, thành viên Tổ quân y, Trạm y tế lưu động phường 14 (quận Gò Vấp, TPHCM) nhanh chóng lấy túi đồ nghề, bình oxy, cùng tình nguyện viên dẫn đường đến nhà một bệnh nhân 73 tuổi.
Đó là bệnh nhân quen thuộc của tổ quân y. “Bà cụ lớn tuổi, tình trạng ổn định, nhưng ở một mình không ai chăm sóc. Mình đến đo huyết áp, SpO2 đều ổn cả. Vấn đề là tâm lý lo sợ. Tổ quân y có mặt, không chỉ để bà yên tâm mà nếu bất ngờ chuyển nặng, mình cũng xử lý kịp. Dù là F0 nào, gọi hỗ trợ sáng hay đêm, quân y cũng lên đường”, Thượng úy Trần Quang Đức khẳng định.
Cuối tháng 9, phường 14 (quận Gò Vấp) có 300 F0, trong đó 200 F0 điều trị tại nhà, còn lại ở khu tập trung của phường. Hai trạm y tế lưu động theo dõi và cấp phát túi thuốc thường xuyên cho 300 F0 trên. Đó là sự san sẻ ý nghĩa với y tế địa phương. “Hơn 3 tháng qua, tôi và nhân viên không về nhà. Lực lượng Học viện Quân y trước đây và Quân khu 3 hiện tại đã cùng gánh vác trọng trách chăm sóc F0 với chúng tôi, đặc biệt là khâu cấp cứu”, bác sĩ Lê Hữu Cường, Trạm trưởng Trạm y tế phường 14 (quận Gò Vấp) tâm sự.
Trong khi đó, mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” đã có những quả ngọt khi thí điểm tại quận 10 và quận 8. Người phụ trách mô hình này - PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, mô hình gồm Đội tư vấn và Đội cấp cứu ngoại viện. Đội tư vấn trực tuyến cho F0 hàng ngày, nâng đỡ tinh thần và phát hiện dấu hiệu chuyển nặng. Khi F0 chuyển nặng, nhân viên lập tức báo đội cấp cứu ngoại viện. Xe cấp cứu đưa F0 đến Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận 8 số 1 sơ cấp cứu, nếu nặng sẽ chuyển tuyến. Có thời điểm, quận 8 có đến 131 tổ tư vấn, mỗi tổ phụ trách 60 F0 từ xa.
“Cách làm này tăng tối đa sự tiếp cận của F0 tại nhà với dịch vụ y tế, nhân viên y tế”, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan nhận định. Mô hình được Bộ Y tế và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá rất cao, chỉ đạo phải nhân rộng.
Tính đến ngày 23-9, TPHCM đang theo dõi cho 32.744 F0 cách ly điều trị tại nhà. Ngày 11-10, con số này là 17.839. Hơn 500 trạm y tế lưu động; 312 tổ phản ứng nhanh, tổ chăm sóc Covid-19 cộng đồng; 1.500 chuyên gia trong mạng lưới bác sĩ tư vấn, đảm bảo F0 được quản lý và điều trị an toàn tại nhà... đã được thành lập. Sở Y tế cấp phát 150.000 túi thuốc A và B, Bộ Y tế cấp 16.000 túi thuốc C (thuốc kháng virus) và mua thêm 200.000 túi thuốc, sẵn sàng khi lượng F0 tăng cao, đồng thời giảm áp lực hiệu quả cho bệnh viện thuộc tầng 2 và 3.

Các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch được xuất viện
Các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch được xuất viện
Từ tháp 3 tầng đến bệnh viện đa tầng
Tháng 9-2021, TPHCM có 90 cơ sở điều trị, thu dung bệnh nhân Covid-19, theo mô hình tháp 3 tầng, điều trị cho trên 40.500 F0. Tầng 1 có 12 bệnh viện, tầng 2 có 68 bệnh viện, tầng 3 có 10 cơ sở (trong đó có 5 trung tâm - bệnh viện hồi sức thuộc Bộ Y tế). Tại tầng 3, có 3.268 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng. Nhờ phân tầng điều trị, nhân viên y tế được điều tiết, duy trì nguồn lực trong cuộc chiến trường kỳ.
Trong khi đó, Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình là một điểm nhấn khác biệt. Bệnh viện được thiết lập tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình, hoạt động từ ngày 18-8, tích hợp đủ 3 tầng trong mô hình tháp điều trị. Bệnh viện có 1.000 giường, với 50 giường hồi sức và 150 giường bệnh nặng. Trong đó, Trung tâm Y tế quận Tân Bình phụ trách tầng 1, Bệnh viện quận Tân Bình phụ trách tầng 2 và Bệnh viện Thống Nhất phụ trách tầng 3. Khi F0 ở tầng 1 trở nặng sẽ chuyển lên tầng cao hơn, ở ngay trong 1 bệnh viện. Nhanh chóng và an toàn.
Bác sĩ Đặng Quốc Nghiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Tân Bình, khẳng định: “Nếu như trước kia Trung tâm Y tế Tân Bình và Bệnh viện quận Tân Bình hay có ca mắc Covid-19 tử vong vì không kịp chuyển tuyến, thì nay đã hạn chế được tối đa”. Sau hơn một tháng áp dụng, tỷ lệ tử vong tại quận Tân Bình từ 5% còn gần 3%.
Trong khi đó, 68 bệnh viện tại tầng 2 luôn duy trì cơ chế trao đổi, hội chẩn thông suốt với 5 trung tâm - bệnh viện hồi sức (thuộc tầng 3). Nhờ đó, bệnh nhân được chuyển viện ngay khi vừa trở nặng, ê kíp hồi sức sẵn sàng tiếp nhận, mang lại cơ hội sống cao nhất cho bệnh nhân và bớt mất sức nhất cho nhân viên y tế.  ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định: “Việc phân tầng sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để nâng cao hiệu quả điều trị. Đơn cử như tầng 1 không nhất thiết phải có các hệ thống hỗ trợ hô hấp chuyên sâu. Còn tầng 3 sẽ trang bị đầy đủ ECMO, lọc máu… và đội ngũ y bác sĩ hồi sức tích cực”. Đặc biệt, nguồn oxy được đảm bảo, lắp đặt các bồn oxy cao áp tại bệnh viện dã chiến hay các hệ thống cung cấp oxy dòng cao… Oxy là mấu chốt khi điều trị bệnh nhân Covid-19.
Với hiệu quả từ chiến lược chăm sóc F0 tại nhà đến phân tầng điều trị, TPHCM đã bước đầu đạt được mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền thành phố cam kết trước nhân dân: Giảm số ca tử vong. Từ cuối tháng 9, con số tử vong giảm xuống dưới 200 ca mỗi ngày và liên tục đi xuống, chạm mốc 2 con số. Ngày 10-10, thành phố chỉ còn ghi nhận 73 ca tử vong vì Covid-19. Đồng thời, không xảy ra tình trạng F0 tử vong tại nhà, hoặc không được hỗ trợ y tế.
Hiện nay, số xuất viện từng ngày cao hơn hẳn số ca nhập viện, thậm chí là gấp đôi, chưa kể F0 khỏi bệnh tại nhà. Cần nhớ, vào cao điểm của dịch, thành phố liên tiếp ghi nhận 300 trường hợp tử vong mỗi ngày. Tùy từng thời điểm, chiến lược phòng chống dịch Covid-19 của thành phố có những điều chỉnh, nhưng xuyên suốt, là đặt tính mạng nhân dân lên trên hết và trước hết. Sự linh hoạt trong các biện pháp và thận trọng trước những quyết sách của lãnh đạo thành phố, đã hạn chế những tổn thất cho người dân và kìm hãm phần nào sự khốc liệt của dịch Covid-19.
Ngày 22-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bày tỏ sự xúc động với tinh thần quyết tâm trụ vững, đẩy lùi dịch bệnh của các y bác sĩ tuyến đầu tại tâm dịch TPHCM. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Có lẽ tới thời điểm này, chúng ta đã bắt đầu thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống. Để đạt được những kết quả đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, của ngành y tế nói chung và sự nỗ lực của các thầy thuốc trong các trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị ở tầng 2 là hết sức quan trọng”.
---------------------
Sở Y tế TPHCM đang xây dựng lộ trình chuyển đổi công năng các bệnh viện điều trị Covid-19 của quận, huyện về chức năng ban đầu, tức là chăm sóc sức khỏe người dân, tiếp nhận và điều trị những bệnh lý không phải Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, các bệnh viện phải đảm bảo một khu vực để tạm thời cách ly những trường hợp nghi ngờ, làm xét nghiệm tầm soát. Mỗi cơ sở có khoảng 10-20 giường và đầy đủ oxy để nếu có bệnh nhân nặng thì kịp thời sơ cứu rồi chuyển đến bệnh viện điều trị Covid-19.
GIAO LINH (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm