Bạn đọc

Những nghị định bị… "lãng quên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giúp hình thành các thói quen tốt và cách ứng xử có văn hóa của người dân trong cuộc sống, tiến tới hình thành một xã hội văn minh, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều nghị định, văn bản quy định xử lý những hành vi vi phạm trong các lĩnh vực hành chính. Tuy nhiên, nhiều nghị định sau khi có hiệu lực đã nhanh chóng bị “lãng quên” vì người dân thiếu ý thức và các cơ quan chức năng hời hợt trong xử lý…
 

 Bất chấp những quy định của pháp luật, người dân vẫn vô tư lùa đàn bò đi ngang nhiên trên đường Lê Đại Hành. Ảnh: L.A
Bất chấp những quy định của pháp luật, người dân vẫn vô tư lùa đàn bò đi ngang nhiên trên đường Lê Đại Hành. Ảnh: L.A

Cách đây gần 3 năm, ngày 14-11-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế”. Tại Điều 23 Nghị định này quy định việc xử phạt đối với hành vi vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc lá. Theo đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng đối với một trong các hành vi như: hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá... Những người có quyền được phạt gồm: Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh; Thanh tra y tế… Nghị định này đã nhận được sự đồng thuận của hầu hết người dân vì tất cả đều hiểu tác hại của thuốc lá với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Thế nhưng, sau gần 3 năm có hiệu lực, hầu như mọi người đã “quên” nghị định này và nhiều người vẫn vô tư hút thuốc tại những nơi cấm như: bệnh viện, trường học, cơ quan… vì không thấy ai xử phạt.

Trước đó, để nâng cao ý thức trong công tác phòng cháy chữa cháy cho người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2012/NĐ-CP ngày 14-6-2012, quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Nghị định này quy định rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm; phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm. Thế nhưng, tại các cây xăng dầu trên địa bàn tỉnh, dù đã có bảng cấm nhưng tình trạng người dân sử dụng điện thoại di động khi vào đổ xăng vẫn xảy ra thường xuyên. Những hành vi như vậy cao lắm cũng chỉ nhận được sự nhắc nhở của các nhân viên cây xăng dầu có trách nhiệm, chứ chưa thấy cơ quan chức năng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 52.

Nhằm hạn chế tình trạng người dân chăn thả gia súc, gia cầm một cách tự do trên các tuyến đường gây mất an toàn giao thông và mất mỹ quan đô thị, Luật Giao thông Đường bộ có quy định về việc nghiêm cấm hành vi “thả rông súc vật trên đường bộ”. Các đối tượng vi phạm quy định này sẽ bị xử lý theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể, điểm b, khoản 2, Điều 10 quy định phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với hành vi: Để súc vật đi trên đường bộ, để súc vật đi qua đường không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trên hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thị… của tỉnh ta, tình trạng người dân để gia súc, gia cầm đi lại một cách tự do trên đường gây cản trở và mất an toàn giao thông vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện”. Việc xử lý những hành vi này chưa được cơ quan chức năng chú ý, nên người tham gia giao thông cũng đành phải chấp nhận “sống chung với lũ”.

Ngoài những nghị định trên, còn rất nhiều nghị định, quy định khác ngay sau khi ban hành đã nhanh chóng bị lãng quên. Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân còn thiếu ý thức chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác xử lý của cơ quan chức năng còn hời hợt.

Hạ Vy

Có thể bạn quan tâm