Phóng sự - Ký sự

Những ngôi chợ ngoại sôi động bậc nhất Sài Gòn bỗng mang vẻ ảm đạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những con phố, ngôi chợ ngoại xưa nay sôi động bậc nhất Sài Gòn với giá thuê gian hàng cao ngất ngưởng giờ bỗng mang vẻ trầm uất, ảm đạm của những tháng ngày buồn của dịch COVID-19.
Phố Mã Lai trở nên đìu hiu khi không còn du khách, nhiều hàng quán chuyên phục vụ người nước ngoài đã tạm đóng cửa - Ảnh: NGỌC HIỂN
Từ cửa bắc có thể nhìn xuyên một đường thẳng sâu hun hút qua phía cửa nam của chợ Bến Thành bởi người đi chợ thưa thớt. Cả một khu chợ Mã Lai đa sắc màu với hàng chục hàng quán đã đóng cửa im lìm nửa năm qua. Khu chợ Nga trước luôn sầm uất, nhộn nhịp với từng tốp khách vào ra giờ đìu hiu chợ chiều...
Chợ nằm "nhớ" khách ngoại
Cứ mỗi chiều, một vị khách cao to lại ghé siêu thị ở chợ Nga nằm trên đường Võ Văn Kiệt (Q.1) hỏi "có hàng chưa?". Thứ mà vị khách này hỏi thăm chẳng phải là cao lương mỹ vị ở xứ sở Bạch Dương mà đơn thuần chỉ là mỡ muối. Ông là thầy giáo Nga đang sinh sống trên đất Việt.
Sau gần cả chục ngày mới có món mỡ muối đi riêng qua máy bay vận tải, vị giáo viên Nga bèn mua một lúc 3kg rồi lại sợ khan hàng nên mua tiếp thêm 2kg... để dành. Song đó chỉ là một trong số những vị khách nước ngoài hiếm hoi còn lui tới khu chợ này. Giờ khách đến chợ Nga chỉ chủ yếu là người Việt.
Mở siêu thị Nga ở khu chợ ngoại này đã hơn chục năm, bà chủ Nguyễn Thị Khánh Vân cho biết nếu như trước đây khách đến chợ đông đúc mười phần thì giờ chỉ còn chừng hai phần. Khu chợ chủ yếu phục vụ du khách châu Âu, châu Á thì nay chỉ còn số lượng người Việt ít ỏi tới lui mua sắm. Lượng hàng hóa bán ra tại khu chợ từ đó cũng èo uột. Riêng với siêu thị của bà Vân, dù vẫn cầm cự do lượng khách Việt hoặc khách Nga sống ở VN duy trì mua sắm song số lượng hàng hóa bán ra giảm trong khi nhiều đặc sản Nga lại khan hàng.
Bà Vân cho biết trước đây hàng về liên tục theo các chuyến bay, giờ các hãng hàng không đóng băng, máy bay chuyên chở hàng cũng ít. Do đó, chi phí vận chuyển hàng cũng tăng lên gấp bội nhưng lại chỉ chuyển được một số loại hàng như cá khô Astrakhan, mỡ muối, trứng cá đen, xúc xích, thịt xông khói... mà thời gian hàng về cũng lâu hơn.
Theo bà Vân, do hàng phải vận chuyển lâu nên cách thức đóng gói, bảo quản hàng cũng cầu kỳ hơn, như phải bỏ đá khô để các sản phẩm đông lạnh của xứ sở tuyết trắng này về xứ nhiệt đới vẫn tươi ngon. "Nhiều người từng sống ở Nga, ăn đồ Nga quen rồi, thiếu là nhớ ngay nên họ hối hàng liên tục. Tôi cũng ráng bằng mọi cách để có hàng về bán, chứ vắng lâu khách cũng nhớ món Nga" - bà Vân nói.
Riêng với những gian hàng bán áo quần ở khu chợ Nga này, việc mở cửa mỗi ngày chỉ để cầm cự, tạo sinh khí cho ngôi chợ chờ ngày phục hồi chứ bán buôn chẳng được là bao. Mở cửa hàng từ ngày thành lập chợ đến nay, bà Hồng Huệ cho biết chưa bao giờ bà "nhớ khách, nhớ bạn hàng" như những ngày này. Chợ vắng khách, bà Huệ đành cho các nhân viên tạm nghỉ về quê, chỉ để người thân trong gia đình phụ bán. Điều làm cho bà cảm động là những bạn hàng Nga vẫn ân cần nhắn tin, gọi điện hỏi han sức khỏe như người thân ở xa gia đình trong những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn ra.
Đúng 30 năm bán hàng cho người Nga, từ khi khởi sự kinh doanh ở Thương xá Tax (Q.1) cho đến khi "cắm cọc" ở chợ Nga này, bà Huệ đã có nhiều bạn hàng "tóc vàng". Có những cụ ông, cụ bà lọm khọm sang VN mua hàng về Nga bán lại. "Bạn hàng muốn sang VN lắm. Ở đây họ vừa đi lấy hàng, vừa nghỉ ngơi trốn xứ lạnh nên ai cũng cầu cho hết dịch để sang xứ nóng này" - bà Huệ nói.

Khách hàng mua sắm các loại hàng hóa nhập khẩu từ Nga ở một siêu thị trong khu chợ Nga (Q.1) - Ảnh: NGỌC HIỂN
Phố vắng, chuyển sang bán online
Những ngày này, cả con phố Mã Lai trên đường Nguyễn An Ninh (Q.1) sôi động một thời nay chỉ còn duy nhất cửa hàng thời trang đạo Hồi Wy&Rine mở cửa. Cả nửa năm trời không có khách, anh Fraris (người Chăm) mở cửa chỉ để "chốt đơn" hàng online và đóng gói hàng hóa, xuất hàng sang Malaysia bằng đường hàng không.
Trước đây, cả con phố này sầm uất nào là hàng ăn, thời trang, spa, quà lưu niệm... cho người đạo Hồi. Song giờ nhiều cửa tiệm không chịu nổi chi phí mặt bằng "đất vàng quận nhất" đã đành sang quán, trả mặt bằng. Theo anh Fraris, chi phí thuê mặt bằng ở đây đã ngót nghét cả trăm triệu đồng mỗi tháng nên dù phố vắng khách, tiệm này vẫn phải đẩy mạnh bán hàng online cho khách Mã Lai để bù đắp phần nào chi phí.
Gần chục năm kinh doanh ở con phố này, anh Fraris cho biết trước đây kinh doanh rất "sướng" khi khách du lịch lẫn mối quen luôn mua hàng ào ào. Anh Fraris cho biết ở Malaysia cũng không thiếu các mặt hàng tương tự song hàng Việt có nhiều lợi thế là vải tốt hơn, giá cả phải chăng nên nhiều người mua về bán sỉ hoặc bán hàng online. Dù bán sang tận bên Malaysia với chỉ vài bộ hay vài chục, vài trăm bộ, anh Fraris vẫn "chốt đơn" gửi máy bay sang cho khách bởi "có còn hơn không".
Còn với anh Nhân Minh (chủ cửa hàng thời trang), chưa bao giờ chứng kiến con đường kinh doanh sôi động giữa trung tâm TP này lại "buồn rười rượi" như bây giờ. Mỗi buổi chiều, anh Minh đặt chiếc ghế ngồi hút thuốc trước cửa hàng chờ cho qua ngày đoạn tháng khi cửa hàng anh từ đầu dịch đến nay đã liên tục đóng cửa. "Chẳng có mống khách nào thì mở ra thêm lỗ, lại phải đóng thêm thuế má nên thôi ai cũng quyết định đóng cửa ngủ đông, chờ cho hết dịch rồi tính tiếp" - anh Minh ngáp vặt, nói.
Ở khu chợ Campuchia trên đường Hồ Thị Kỷ (Q.10) chuyên bán những món lạp xưởng, khô cá lóc, khô cá tra Biển Hồ những ngày này cũng trở nên khan hiếm hàng. Hơn ba thập niên bán hàng Campuchia, bà Ngô Thị Thanh Mai (chủ quầy Tư Xê) cho biết giờ khách cũng vắng mà hàng cũng thiếu. Trước hàng về mỗi ngày, giờ xe cộ ít chạy xuyên biên giới nên cả tuần mới có một chuyến hàng về. Có khi hàng theo ghe về đường sông nước, bà Mai phải xuống bến đò nhận hàng.
Theo bà Mai, khách mua những mặt hàng này chủ yếu là Việt kiều ở Mỹ, Úc, Pháp và cả người gốc Campuchia đã định cư nước ngoài lâu năm. Mùa dịch này dù hàng gửi đi nước ngoài rất khó khăn, nhiều gia đình ở nước ngoài vẫn chấp nhận chịu phí cao để gửi cho được các đặc sản này sang các nước.
"Giờ nhiều lúc cũng phải lấy hàng Việt bù đắp tạm thời trong lúc khan hàng. Thế nhưng nhiều người sành ăn họ không chịu, cũng đòi cho được hàng Campuchia. Thôi mình cũng ráng chờ cho qua dịch lấy lại hàng như ban đầu. Thế nhưng tui cũng chưa biết lúc nào tình hình mới trở lại được như ngày xưa..." - bà Mai nói.
Buồn hiu chợ Bến Thành
Ngót nghét 30 năm bán vải ở chợ Bến Thành, bà Đặng Thị Lệ Thu kể rằng giờ đây có thể đứng cửa bên này mà nhìn thẳng sang được cửa bên kia của ngôi chợ. Đây là một điều cực kỳ hiếm khi xảy ra bởi ngôi chợ có vị thế đặc biệt này xưa nay luôn nườm nượp khách.
Bởi dịch COVID-19, tình hình kinh doanh của bà Thu đã rơi vào tình trạng lỗ suốt các tháng 5, 6, 7 vừa qua. Duy chỉ có tháng 8, bà Thu cho biết còn "đỡ đỡ", không lỗ. Theo bà Thu, có những ngày chỉ có 1, 2 khách mua hàng, cả tuần số lượng khách mua chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chợ Bến Thành vắng vẻ những ngày này khi thiếu vắng khách du lịch nước ngoài - Ảnh: N.HIỂN
Do tình hình bán buôn ế ẩm, rất nhiều quầy chuyên bán hàng cho khách Tây đã đóng cửa, nhân viên phải đi chạy Grab hoặc bán cà phê, thậm chí là bán tháo hàng hóa, chấp nhận mất cọc để trả lại quầy bởi không thể tiếp tục ôm chi phí mặt bằng cao. "Có ngày được 2, 3 khách là đắt hàng rồi, tôi cũng rầu lắm nhưng không thể đóng tiệm được. Mình phải mở ra để có dòng vốn lưu thông, kiếm chút lời chứ mỗi ngày riêng các chi phí cũng đã 2 triệu đồng rồi" - bà Thu kể.
Theo ban quản lý chợ Bến Thành, khu chợ này có 1.400 tiểu thương kinh doanh nhưng hiện có đến 50% số sạp đã tạm thời đóng cửa, những sạp đóng cửa gần như chủ yếu dựa vào lượng du khách nước ngoài.
NGỌC HIỂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm