Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Những người mê thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Chao ôi văn chương, nó là cái gì chứ!”. Tôi đã nghe không biết bao người cảm thán câu ấy. Quả thật là khó ai nói cho rành rẽ “nó là cái gì” mà khiến bao người-như các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã đành, những con người thật bình thường cũng nuôi mộng vì nó, đắm mê vì nó…        
T.S. học sau tôi một khóa đại học. Là con liệt sĩ nên trong lúc chúng tôi vẫn đang loay hoay tìm việc làm thì anh đã được bố trí công việc ở Nhà văn hóa trung tâm một tỉnh miền Trung. Thời ấy, phương tiện liên lạc cầm tay chưa có. Vì vậy, hơn chục năm sau, tôi mới biết chỗ anh để đến thăm… Đang lớ ngớ chưa biết hỏi ai trước cái sân sau vắng tanh, mọc đầy cỏ dại, tôi bỗng thấy một bà cụ lọm khọm tụt từng nấc xuống chiếc cầu thang thẳng đứng. Chạy vội đến đỡ rồi hỏi thăm, hóa ra cụ là mẹ của T.S. Nước mắt lưng tròng, cụ than thở với tôi những nỗi niềm về thằng con vô tâm vô tính… Chắp nối những lời than vãn đứt quãng của cụ, tôi mới hay, anh đã lấy vợ và có 2 con. Vợ anh là cô giáo mầm non của xã. Thời ấy, giáo viên mầm non chưa được biên chế nhà nước, lương tháng hợp tác xã trả bằng thóc. Một nách 2 con, chồng đã chẳng giúp được gì, lâu lâu mới đáo về nhà thì hững hờ như khách, cô bực mình tuyên bố ly thân.
Trưa hôm đó, tôi đáo khắp các quán đông người mong gặp được anh nhưng chẳng thấy. Cuối cùng thì tôi phải tìm đến nhà một người bạn khác để hỏi thăm. Với vẻ bùi ngùi pha chút thương hại, anh đã kể cho tôi nghe những nông nổi vì thơ của bạn. Chuyện rằng hồi mới chia tách tỉnh, anh cũng được cấp một lô đất ở vị trí “vàng”. Ấy thế nhưng chỉ được một thời gian thì anh mang bán. Số tiền ấy trước hết anh dùng để in thơ. Anh đã ra 3 tập thơ nhưng tiền thì “một đi không trở lại” bởi chỉ có biếu và cho. Số còn lại anh dùng để đãi đằng những người chịu… nghe anh đọc thơ.
Mê thơ đến mụ người như T.S. chẳng phải là một. H.V. là giáo viên THCS. Anh đã dạy học ở Gia Lai hơn 10 năm. Thế nhưng đến cuối thời bao cấp, cuộc sống đang sắp sửa sáng lên thì bỗng dưng anh xin nghỉ việc về quê. Gia đình anh vốn có một tiệm sửa xe máy khá đông khách. Thời kỳ đầu, anh rất để tâm vào việc làm ăn. Nhưng được mấy năm thì bỗng máu làm thơ nổi lên, vậy là anh tuyên bố cạch việc thợ để làm thơ… Một chiều trời đã nhập nhoạng, chẳng biết hỏi thăm ai, anh cũng tìm được nhà tôi. Phanh kít chiếc xe máy lấm lem bùn đất, anh lôi trong túi ra một tệp giấy: “Tặng cậu tập thơ đầu tay của tôi”. Rồi chưa kịp để tôi ngạc nhiên, anh tiếp một câu xanh rờn: “Cậu thông cảm, tôi chưa kịp in. Nhưng không hề gì, thơ hay đâu cứ phải in thành sách”. Thấy nguy cơ bị thuyết trình, tôi gần như lôi anh vào nhà rồi loay hoay kiếm cái đãi bạn. Thức ăn tiếp đầy bát nhưng suốt buổi anh chẳng ăn gì, chỉ uống và… đọc thơ.
 “Cuộc sống chỉ cần hoa hồng và thơ ca”. Nghe “tuyên ngôn” này cũng đủ biết đó là một con người mê thơ không kém. Ông là V.S. Tôi quen ông khi ông đã nghỉ hưu đâu được dăm năm. Nhà rất nghèo bởi ông làm nghề dạy học thời bao cấp, vợ làm nông lại thêm một đàn con 5 đứa lít nhít. Chắc là ông đã nuôi mộng văn chương từ lâu bởi bấy giờ tôi đã thấy một chồng bản thảo dày cộp viết trên thứ giấy nứa vàng khè. Ông kể bắt đầu là viết tiểu thuyết. Viết xong, ông gửi cho một nhà văn ở Hà Nội xưa dạy học với mình nhờ xem giúp. Rất thẳng thắn, nhà văn khuyên ông nên bỏ văn đi. Vậy là ông quay sang làm thơ. Thơ ông làm đủ thể loại: Đường luật, lục bát, tự do… suýt soát cả trăm bài. Hỏi thời gian đâu mà sáng tác được nhiều thế, ông tỉnh bơ: “Thì tớ chỉ có mỗi việc làm thơ thôi mà. Ruộng vườn, tớ chỉ cần vạch kế hoạch cho vợ con là xong. Khi tớ đã làm thơ, cả nhà không ai được quấy”. Ông cũng đã đi khắp các tòa soạn báo cùng với chiếc túi xách sứt quai, căng nứt bản thảo. Thế nhưng, vẫn chưa có một bài thơ nào được đăng...
*
*    *
Nếu nói văn chương là lĩnh vực sáng tạo nghiệt ngã thì thơ có lẽ nghiệt ngã hàng đầu. Có người cả đời sống chết vì thơ, xuất bản cả chục tập thơ mà chẳng ai nhớ nổi một bài, thậm chí chỉ vài câu. Ngược lại, có người chỉ với một bài thơ mà trở nên nổi tiếng. Thế nên cũng chẳng có gì là lạ khi không chỉ đôi người, hàng trăm người mê thơ nhưng “nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”. Xưa, nhà thơ Tản Đà từng cảm thán: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” nhưng cái rẻ thời ấy xem ra còn hơn chán vạn bây giờ, khi mỗi bài thơ có khi chỉ bằng… vài ly cà phê. Thơ được in trên báo đã vậy, thơ tự bỏ tiền in, mang đi tặng có khi cũng còn… khó. Tôi nhớ một thống kê ở đâu đó rằng, mỗi năm cả nước có đến cả ngàn tập thơ xuất bản. Có những thời điểm, người ta đã dùng những từ “lạm phát”, “loạn” để nói về thơ. Thế nhưng, bất chấp tất cả thì thơ, người làm thơ và các nhà thơ vẫn không ngừng được sinh ra. Và trong số họ, không hiếm những người vẫn tiếp bước một cách vô tư con đường những người mê thơ đã kể. Đó mới là điều kỳ diệu của thơ. Phải chăng như người xưa từng đúc kết: “Đời thịnh thì thơ thịnh”? Vậy thì thêm một nhà thơ, một người làm thơ cũng là việc rất nên mừng!
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm