Những người sinh ra trong thời khắc lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sinh ra vào thời điểm nước nhà vừa thống nhất, nhiều người được bố mẹ đặt cho cái tên mang đậm dấu ấn lịch sử như: Thống Nhất, Hòa Bình... Suốt 46 năm qua, họ không ngừng trưởng thành và tích cực góp sức vào công cuộc đổi mới của đất nước.
 


Danh xưng “đặc biệt”

Đêm 29-4-1975, hơn 1 tháng sau ngày giải phóng tỉnh Gia Lai, bầu không khí vẫn vô cùng tĩnh lặng. Trong căn nhà nhỏ ở đường Sư Vạn Hạnh (thị xã Pleiku), bà Lê Thị Kỷ bất ngờ chuyển dạ. Ông Lê Ngà vội vàng đưa vợ vào bệnh viện.

Bác sĩ thăm khám rồi bảo bà Kỷ nằm dưỡng sức chờ vượt cạn. Ông Ngà vừa chăm vợ, vừa tranh thủ theo dõi tin tức về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử qua chiếc radio nhỏ. Cả 2 sự kiện diễn ra song song vào thời điểm ấy khiến lòng ông hồi hộp, nôn nao.

Anh Lê Thống Nhất (phường Ia Kring, TP. Pleiku) luôn tự hào về tên gọi và ngày chào đời đặc biệt của mình. Ảnh: Mộc Trà


Rạng sáng 30-4, cậu con trai cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui của đại gia đình. Trưa cùng ngày, niềm vui như được nhân lên gấp bội khi tin lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập được truyền tới toàn dân. Chính phủ Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong mạch cảm xúc trào dâng, vợ chồng ông Ngà quyết định đặt tên cho con trai là Lê Thống Nhất để ghi nhớ sự kiện lịch sử trọng đại này.

Anh Nhất bày tỏ: “Theo lời kể của ba mẹ tôi, dù thời điểm đó tỉnh ta đã được giải phóng, mọi hoạt động đều trở lại bình thường nhưng ông bà vẫn nơm nớp lo lắng, sợ quê hương bị tái chiếm. Vì vậy, cả nhà luôn dõi theo tin tức về cuộc chiến. Không ngờ, ngày tôi được sinh ra cũng là ngày nước nhà được thống nhất như chính cái tên ý nghĩa mà ba mẹ đã chọn đặt cho tôi”.

Tại huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ), ngày 20-9-1975, một bé gái đáng yêu cũng đã lọt lòng mẹ. Người cha lúc bấy giờ đang công tác tại Nông trường Chè Bàu Cạn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) gửi nỗi nhớ thương từ phương xa đến con gái với cái tên Nguyễn Thị Hòa Bình.

“Lớn lên trong cảnh chiến tranh, giống như bao người cùng thời, hòa bình luôn là khát vọng cháy bỏng trong lòng ba mẹ tôi. Vì vậy, khi tôi may mắn được sinh ra vào thời điểm nước nhà đã lặng im tiếng súng, ba tôi đặt tên con là Hòa Bình. Không chỉ nhằm ghi dấu sự kiện lịch sử của đất nước, thông qua tên gọi này, ông ấy còn muốn nhắn nhủ với tôi phải biết trân quý giá trị của hòa bình và đi đâu cũng nhớ về nguồn cội. Bởi lẽ, tên của tôi còn xuất phát từ việc ghép từ Hòa trong Hạ Hòa quê mẹ với từ Bình trong Thăng Bình (Quảng Nam) của quê ba”-chị Bình chia sẻ.

Góp hoa thơm cho đời

Chào đời trong thời điểm đặc biệt, anh Lê Thống Nhất trải qua tuổi thơ đầy vất vả khi cả nước phải gồng mình khắc phục hậu quả chiến tranh. Tuy nhiên, gia đình luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để anh đến trường học tập. Bản thân anh Nhất cũng không ngừng phấn đấu, quyết không phụ lòng mẹ cha.

Sau khi học THPT, anh thi đỗ vào Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp đại học, anh làm việc tại một doanh nghiệp ở Sài thành đến năm 2003 thì quyết định trở về Pleiku và tham gia công tác Đoàn tại phường Ia Kring. Cũng trong quá trình này, anh bén duyên với nghề dẫn chương trình, rồi sau đó chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện từ năm 2015 đến nay.

Anh Lê Thống Nhất bàn giao 1.000 chiếc mũ ngăn giọt bắn cho Tỉnh Đoàn để phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà


Những năm qua, cái tên Lê Thống Nhất ở Phố núi lại được nhiều người biết đến qua công tác thiện nguyện. Với chiếc xe bán tải cũ kỹ, bao năm qua, anh thầm lặng chia sẻ khó khăn với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa hay những mảnh đời kém may mắn. Nhờ sự kết nối của anh với các tổ chức thiện nguyện trong cả nước, không ít ngôi nhà tình thương, phòng học, cầu dân sinh, giếng khoan... đã được xây dựng tại vùng khó.

Ngoài ra, anh còn phối hợp với các thành viên Hội Xe bán tải từ thiện thường xuyên gom rau hỗ trợ từ các tiểu thương ở chợ đêm Pleiku chở đến cho các mái ấm tình thương, bếp ăn từ thiện và một số nơi cưu mang trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Nhà anh cũng luôn có sẵn vài tấn quần áo cũ để tặng người dân vùng sâu, vùng xa trong mỗi chuyến thiện nguyện.

Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vừa qua, anh Nhất cùng những người đồng hành của mình đã không ngại xông pha, tích cực tham gia phòng-chống dịch. Bên cạnh nhu yếu phẩm, anh Nhất còn huy động được 300 bộ quần áo bảo hộ, hàng ngàn chai dung dịch rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, mũ ngăn giọt bắn... kịp thời hỗ trợ cho lực lượng nơi tuyến đầu và người dân vùng dịch.

“Thiện nguyện đến với tôi như một cái duyên, đem lại cho bản thân nhiều niềm vui và hạnh phúc. Những việc tôi làm chẳng lớn lao gì, chỉ mong sao mình có thể góp một phần nhỏ bé để chia sẻ với những phận đời bất hạnh hay cộng đồng còn gian khó, tạo cho họ niềm tin và động lực tiếp tục vươn lên”-anh Nhất tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Hòa Bình (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) đã chọn gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” trên quê hương thứ hai. Ảnh: Mộc Trà


Còn với chị Hòa Bình, Gia Lai đã trở thành quê hương thứ 2 kể từ ngày gia đình đoàn tụ vào năm 1976. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, năm 1994, chị về công tác tại Trường Mẫu giáo Bàu Cạn (nay là Trường Mẫu giáo Hương Trà, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Giai đoạn 2015-2020, chị được điều động giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Dương (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông). Sau đó, chị về lại Trường Mẫu giáo Hương Trà cho đến nay.

“Tôi chọn nghề giáo viên mầm non chỉ đơn giản vì yêu trẻ nhỏ, thích hát múa, kể chuyện và cùng học, cùng chơi với các con. Tuy khá vất vả, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận với lựa chọn của mình. Bản thân tôi cũng không ngừng trau dồi kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo tâm thế “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” cho trẻ và sự an tâm nơi phụ huynh”-chị Bình bày tỏ.

 

MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm