"Nhiều bạn bè tôi chọn ở lại thành phố lập nghiệp. Lúc còn đi học, tôi cũng tính sau này ra trường sẽ làm việc ở Sài Gòn. Nhưng nghĩ lại, sao mình không thử tận dụng đặc sản quê nhà để khởi nghiệp?".
Minh Thùy (thứ hai từ trái sang) cùng cộng sự trong một buổi chế tạo tinh dầu - Ảnh: NVCC |
Đó là suy nghĩ của cô gái trẻ Đoàn Ngọc Minh Thùy (30 tuổi) về chuyện lập nghiệp tại quê nhà ở thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Muốn làm gì đó cho quê mình
Là chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất tinh dầu từ phụ phẩm nông nghiệp, từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Thùy đã nhận thấy tiềm năng khai thác nông sản địa phương. Từ bỏ nhiều cơ hội làm việc hấp dẫn ở thành phố, Thùy kể sau khi tốt nghiệp, cô không trở về nhà liền mà ở lại trường hai năm để nghiên cứu, lên kế hoạch chuẩn bị cho bước ngoặt cuộc đời.
Ngày còn theo học tại ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cô sinh viên ngành sinh học đã có niềm đam mê với tinh dầu. Từ năm hai đại học, Thùy bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất tinh dầu các loại và nuôi dưỡng ước mơ sau này sẽ mở một cửa hàng nhỏ.
Trong thời gian nghiên cứu, Thùy tham gia một vài dự án sản xuất tinh dầu của nước ngoài như oải hương. Cô nhận ra tiềm năng của loại chất lỏng này, nhưng các đơn vị sản xuất trong nước còn ít.
"Hồi đó các cô chú ở quê hay hỏi tôi học ngành gì, tôi nói là học nghiên cứu tinh dầu và nhận được câu hỏi "tinh dầu là cái gì?". Khi ấy, tôi nghĩ mình cần làm chút gì đó để cải thiện kinh tế vùng biên giới này, đưa tinh dầu gần gũi hơn với người dân quê, nâng tầm dược liệu chăm sóc sức khỏe" - Thùy nhớ lại quyết định lập nghiệp của mình.
Lựa chọn sản xuất tinh dầu từ phụ phẩm nông nghiệp, trong một lần đến trang trại quýt hồng Lai Vung - trái cây đặc sản Đồng Tháp - Thùy thấy có đến một nửa số cây quýt khi thu hoạch bị tỉa bỏ bớt trái để dồn cho những trái có chất lượng tốt hơn.
Ý tưởng nảy ra, Thùy trao đổi với nông dân về chuyện thu mua những loại cây, trái non như sả, bạc hà, cam, quýt để sản xuất tinh dầu. "Việc này vừa giúp nông dân tăng giá trị sản xuất, không gây lãng phí, ô nhiễm môi trường khi chôn trái xuống đất, vừa tạo dựng thương hiệu tinh dầu mới cho Đồng Tháp" - Thùy cho biết.
Đến đầu năm 2017, Công ty TNHH tinh dầu Hương Đồng Tháp ra đời với vốn là tiền tiết kiệm riêng của Thùy. Nơi làm việc cũng chính là nhà, Thùy kể ban đầu công ty chỉ sản xuất vài loại tinh dầu "quê hương". Khi việc kinh doanh dần ổn định, cô bắt đầu nghiên cứu thêm nguyên liệu của một số vùng trong nước, nhưng cái chính vẫn là Đồng Tháp và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Với quy trình sản xuất kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, các nguyên liệu cam, quýt, nghệ, vỏ bưởi, lá tràm, sả chanh, gạo sen, lá hương thảo, lá bạc hà... được Thùy sàng lọc, rửa sạch rồi tiến hành trích ly bằng phương pháp "lôi cuốn" hơi nước.
Mỗi loại có đặc tính, cách xử lý và thời gian chưng cất riêng nên hiệu suất tinh dầu cũng khác nhau. Có loại Thùy để nguyên, loại thì xay, xắt hoặc băm nhuyễn. Chưng cất xong, nguyên liệu sẽ được nấu lên vài tiếng đồng hồ và đợi tới khi đạt được độ ổn định.
Mất 4 tháng cho quy trình từ lúc mua nguyên liệu đến khi sản phẩm "ra lò" là tinh dầu tinh khiết, loại bỏ hoàn toàn tạp chất.
"Mình phải làm sao tối ưu hóa để đạt hiệu quả và chất lượng tốt nhất" - Thùy nói.
Công đoạn thử mùi hương tinh dầu tại phòng thí nghiệm của Minh Thùy - Ảnh: DIỆU QUÍ |
Tâm huyết với "đứa con cưng"
Những chai tinh dầu của Thùy dao động từ 110.000 - 700.000 đồng tùy loại, trong đó đắt tiền nhất là các sản phẩm chiết xuất từ hoa sen. Theo Thùy, trung bình 1 tấn trái non cam, sả mới cho ra khoảng 1 lít tinh dầu nguyên chất, đóng gói được 100 lọ, mỗi lọ 10ml. Đối với sả và bạc hà, nguyên liệu cần dùng còn nhiều hơn.
Giá cả thu mua nguyên liệu tùy thời điểm và chất lượng, dao động từ 3.000 - 10.000 đồng/kg mỗi loại. Tinh dầu tràm gió, sả chanh, quýt, bưởi thường bán được nhiều nhất bởi mùi hương dễ chịu, công dụng tốt. Thùy cho biết trong mùa dịch, hàng bán chạy hơn bởi nó có ích cho sức khỏe.
Không tiết lộ con số cụ thể nhưng Thùy cho biết lợi nhuận đạt được tùy thời điểm, có tháng doanh thu không đạt chỉ tiêu, thỉnh thoảng huề vốn. Chẳng hạn vào mùa dịch dã thế này, hàng bán được nhưng chi phí sản xuất khá cao nên cũng ảnh hưởng 30 - 40% doanh thu. Còn vào mùa du lịch hoặc cuối năm thì hàng bán rất chạy, đạt mức chỉ tiêu đề ra.
Chia sẻ quan điểm kinh doanh, Thùy cho biết: "Tôi thường nghiên cứu thị trường, nhu cầu của khách hàng để tìm hướng đi mới cho công ty, chứ không ngồi yên chờ thời. Có những sản phẩm ra mắt nhưng bán chậm, tôi sẽ tìm hiểu nguyên nhân, xem nó chưa tốt chỗ nào và từ đó tìm cách khắc phục".
Tại cuộc thi dự án khởi nghiệp toàn quốc và các hội chợ, Thùy mang "đứa con cưng" của mình đến tham gia, vừa quảng bá sản phẩm vừa kết nối giao thương, dần dà sản phẩm cũng được biết đến nhiều hơn.
Cạnh tranh là động lực
"Việc khởi nghiệp ở quê hương đúng thời điểm, được tư vấn kỹ càng, chính quyền và gia đình ủng hộ tinh thần, hơn hết là tin vào chính mình đã giúp tôi có động lực theo đuổi mô hình này, dù khá chật vật để vượt qua những khó khăn ban đầu" - Thùy bộc bạch.
Khi công ty mới ra đời, các sản phẩm của Thùy bán được nhưng không chạy, mặt hàng không có nhiều sự lựa chọn. Thùy gặp trở ngại trong việc thu thập, tìm mua nguyên liệu tại nhiều địa phương trong tỉnh. Là doanh nhân trẻ nên việc học cách vận hành công ty, làm sao để nhanh chóng đưa thương hiệu đến với người dùng cũng là bài toán nan giải với cô gái lần đầu khởi nghiệp.
Thấy Thùy sản xuất tinh dầu từ phụ phẩm nông nghiệp, ban đầu một số người cũng bán tín bán nghi chất lượng. Nhưng tấm giấy chứng nhận kiểm nghiệm độ an toàn sản phẩm của Viện Pasteur đã loại bỏ được sự hoài nghi ấy.
"Thùy có sợ cạnh tranh không?" - tôi hỏi. Cô chủ trẻ mỉm cười đáp lại: "Lợi thế cạnh tranh của công ty tôi là xuất thân từ khoa học, luôn tạo ra sản phẩm mới đạt chất lượng nên không ngại cạnh tranh. Mình đã tạo ra sự khác biệt ngay từ ban đầu nên cứ theo kế hoạch mà đi thôi. Có nhiều đối thủ thì tất nhiên mình sẽ bị ảnh hưởng phần nào, nhưng tôi xem thử thách cũng là động lực để phát triển, từ đó mở ra cho mình con đường khác biệt hơn nữa.
Khó khăn ban đầu đã trải qua rồi, cũng lường được một vài rủi ro nên dù là doanh nghiệp nhỏ, tôi vẫn tự tin mình có thể mạnh dạn bước trên thương trường".
Chia sẻ mục tiêu dài hạn, Thùy cho biết sắp tới cô sẽ sản xuất thêm nhiều loại tinh dầu mới, mở rộng xưởng và hợp tác sản xuất. Thùy cũng ấp ủ bộ sưu tập các loại tinh dầu dùng trong nấu ăn, làm từ gia vị nổi tiếng của Việt Nam như tiêu, gừng, củ nén, mắc khén, hạt dổi...
"Khi khách đến Đồng Tháp chơi, muốn mua đặc sản đem về nhưng ngại việc xách nặng thì tinh dầu có thể giải quyết với chiếc lọ bé xíu mà vẫn mang theo mùi hương đặc trưng của nông sản xứ này" - cô chia sẻ.
70 Đó là số lượng các loại tinh dầu của công ty Minh Thùy đã sản xuất, có mặt tại hàng trăm cửa hàng tiện lợi, trung tâm chăm sóc sức khỏe... |
“Có một lần khách hàng đến chỗ tôi mua tinh dầu đem tặng người thân là một phụ nữ lớn tuổi sống ở Mỹ. Lúc đó, bác ấy tìm cách liên lạc với tôi nhưng không được, sau này được nói chuyện nên tôi mới biết là bác đã xa quê gần 30 năm nay. Khi mở chai tinh dầu và ngửi, bác ấy khóc rất nhiều. Mùi vị trái cây thân thuộc thuở xưa như đưa bác trở về vườn quýt hồng Lai Vung quê nhà, ký ức ùa về, và bác đã viết một status trên Facebook để chia sẻ cảm xúc” - đó là một trong những kỷ niệm mà Thùy nhớ nhất trong hành trình start-up của mình. |
Khách du lịch hết trồng lúa, nhặt trứng vịt rồi ngồi xe trâu dạo ruộng. Đó là hình ảnh ấn tượng khi đặt chân đến dự án của Hồ Ngọc Trâm - cô gái mới 23 tuổi, phục dựng lại Đồng Tháp Mười xưa... Kỳ tới: Về Đồng Tháp Mười xưa với cô gái 23 tuổi |
DIỆU QUÍ (TTO)