Báo xuân

Những "phượt thủ" đất Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn một chuyến du lịch, “phượt” đối với họ đã trở thành niềm đam mê, khát khao mãnh liệt về sự tự do, khám phá đặc biệt là một thử thách cho tuổi thanh xuân của mình.

Bài test cho tuổi trẻ

Ở cái tuổi đôi mươi, khi những chàng trai, cô gái vẫn tràn đầy năng lượng, sự nhiệt huyết nhưng lại thiếu đi sự từng trải, gió sương bụi đường thì “phượt” rõ ràng là một lời giải. Nhiều bạn trẻ thế hệ 9x đã chọn cho mình loại hình du lịch đặc biệt ấy để quăng mình vào những thử thách theo kiểu “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Nguyễn Tiến Hưng (25 tuổi), sinh ra và lớn lên tại Gia Lai, hiện đang làm việc tại Hà Nội là một mẫu người như thế. Hưng chưa bao giờ nhận mình là người của “chủ nghĩa xê dịch” cho đến một ngày, anh bỗng nhận ra cuộc sống của mình có vẻ hơi…phẳng lặng quá. Hưng kể: “Khi vừa tốt nghiệp đại học ở Hà Nội rồi đi làm, công việc có chút trở ngại nhưng khoảng một năm sau, khi mọi thứ đã vào guồng rồi thì bất chợt mình lại muốn tạo ra một chướng ngại, một thử thách nào đấy để vượt qua”.

 

Nguyễn Tiến Hưng tại đất mũi Cà Mau.

Thử thách tự tạo của chàng trai ấy là hành trình xuyên Việt bằng xe máy. Tất cả bạn bè, gia đình đều giật mình trước dự định này của Hưng. Anh nghĩ, những anh chàng “Tây ba lô” kia còn không biết một câu tiếng Việt bẻ đôi nhưng vẫn có thể đến những bản làng xa xôi của nước Việt, còn mình thì tại sao không?! Thế rồi, Hưng viết đơn xin nghỉ phép một tháng, lấy 6 triệu đồng tiền lương tháng mới nhận, gói gọn đồ đạc vào trong chiếc ba lô, chất lên chiếc xe Future cũ kỹ và đi. Với chàng thanh niên chưa bao giờ trải mình trên xe máy qua những chặng đường dài, Hưng đành phải làm bạn thiết bị định vị chỉ đường GPS trên điện thoại rồi tự dằn mình rằng: “Cứ đi là sẽ đến”.

Cong với cô gái 24 tuổi Lê Thị Tâm (TP. Pleiku)-người vừa tốt nghiệp Cao đẳng chuyên ngành Anh văn, từ lâu đã ấp ủ ước mơ được đi đó đây để khám phá thế giới, khám phá bản thân để biết rằng giới hạn nào mình có thể vượt qua. Rồi cơ hội đã đến khi một cặp vợ chồng trẻ người Slovakia đến Việt Nam du lịch theo kiểu phượt và cần đến một hướng dẫn viên du lịch riêng. Cô vợ ấy là người Slovakia gốc Việt và là họ hàng của Tâm. Với vốn tiếng Anh của mình, Tâm sẵn sàng nhận lời vào vị trí ấy để cùng hai vị khách rong ruổi suốt một tháng trời ngang dọc Việt Nam, Lào, Campuchia.

 

Lê Thị Tâm tại Angkor Thom.

Tìm thấy chính mình

Với những người mà ý tưởng đi phượt nảy ra bất chợt như Nguyễn Tiến Hưng thì anh cũng hoàn toàn bất ngờ khi tìm thấy chính mình sau chuyến đi hơn 4.000 km. Chàng trai vốn mang vỏ bọc “công tử” thậm chí đã phải vượt qua những thử thách mang trong mình ý nghĩa của cả sự sinh tử. Ấy là chặng đường mà GPS đã “phản chủ” khi chỉ dẫn một con đường tắt từ TP. Buôn Ma Thuột đi TP. Đà Lạt gần hơn rất nhiều so với con đường chính. Suốt chặng đường từ Bắc chí Nam GPS chưa dẫn sai lần nào nên anh tin tưởng tuyệt đối vào con đường đất nho nhỏ ấy. Nhưng anh nào ngờ đó lại là lần đầu tiên anh phải đối mặt với sự hiểm nguy. Đi được khoảng 10 km từ quốc lộ rẽ vào, Hưng gặp phải trở ngại đầu tiên khi buộc phải để xe máy lên một chiếc bè bằng tre của người dân tự chế rồi dùng tay đu cáp treo kéo bè qua sông. Càng đi, con đường mòn ấy càng tiến sâu vào trong rừng và dần thu hẹp lại. Có những nơi Hưng phải dừng lại bẻ cây dọn đường bởi con đường không ai đi cây cỏ mọc um tùm.  

Rồi trời mưa, đường trơn trượt, nhiều đoạn chỉ vừa một bánh xe, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, chỉ cần một cú trượt thôi sẽ không ai dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra. Trời mưa tầm tã, mất sóng điện thoại, GPS trở nên vô dụng giữa rừng thẳm hun hút, xăng gần cạn bình, không một bóng người… mọi thứ đều chống lại Hưng. Đến nỗi khi thấy tro của một đám cháy, anh bỗng bừng lên bởi đó là tín hiệu của con người. Và rồi, ngôi làng giữa rừng sâu hiện ra khiến Hưng thở phào. Cũng chính những người ở ngôi làng này đã giúp anh cùng chiếc xe vượt qua những con dốc trơn trượt khi bánh xe cứ quay tròn trên nền đất như bôi mỡ. Xuất phát từ 13 giờ đến 20 giờ Hưng cũng vượt qua được chặng đường như “địa ngục trần gian” ấy để đến mảnh đất ngàn hoa Đà Lạt và tiếp tục cuộc hành trình về đất mũi Cà Mau.

 

Ruộng bậc thang tại Tây Bắc.

Sau chuyến đi dài 1 tháng 5 ngày ấy, Hưng thừa nhận nó thực sự đã thay đổi cuộc đời mình. Anh nhận ra rằng, dù thử thách có lớn đến đâu thì tất cả chỉ là ở cách nghĩ, cứ cố gắng, nỗ lực hết mình rồi sẽ vượt qua.

Ngay cả với tôi, tác giả của bài viết này-người vừa kết thúc chuyến hành trình gần 1.400 km bằng xe máy từ Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai về Gia Lai trong gần 20 ngày thì đó rõ ràng là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi đã được sống đúng đam mê “bay nhảy” với slogan “Cuộc đời là những chuyến đi” của mình. Để rồi tôi lại tràn đầy năng lượng để trở lại công việc hàng ngày, tích lũy thêm rất nhiều vốn sống mà chỉ những chuyến đi, những va vấp mới mang lại. Và hơn cả, đi, để biết đất nước mình đẹp biết nhường nào, biết rằng tình yêu Tổ quốc luôn hừng hực trong tim hồng…

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm