(GLO)- “Những người nuôi ong thu sản phẩm chính là mật, sau đó những sản phẩm như: phấn hoa, sữa ong chúa, sáp ong… cũng giúp cho người nuôi ong tăng thêm thu nhập”-anh Bùi Viết Lộc (406 đường Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku), người có thâm niên hơn 20 năm nuôi ong ở Gia Lai, cho biết.
Công dụng của mật ong thì nhiều người đã biết, song những sản phẩm khác từ ong tạo nên đem lại giá trị bổ dưỡng không nhỏ cho con người thì ít người đã biết. Anh Bùi Viết Lộc, kể: Để thu được phấn hoa, vào mùa hoa cà phê nở, ở mỗi cửa ra vào của đàn ong, người nuôi ong đặt một cái gạt bằng nắp hoặc một miếng nhựa lưới có 100 lỗ ô lăng để ong ra vào. Khi ong đi hút mật, hai chân ong kẹp hai hạt phấn bay về trước tổ thì sẽ bị gạt lại 2 hạt phấn đó (rơi xuống máng ở dưới thùng ong). Sau khi thu được lượng phấn hoa kha khá, người nuôi ong sẽ đem phơi khô bán ra thị trường. Theo nghiên cứu, phấn hoa chữa bệnh biếng ăn, gầy yếu suy nhược, bồi dưỡng cơ thể, nâng cao tình trạng thể chất, tăng cường sinh lực, trí lực cho người lao động chân tay và trí óc; tăng cường sức đề kháng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư.
Ảnh: Đinh Yến |
Trong khi đó, để lấy được sữa ong chúa thì cần phải có sự can thiệp của con người mới lấy được. Công việc này đòi hỏi một quy trình tuân thủ nghiêm ngặt dựa trên tập tính bản năng tự nhiên của loài ong. Theo đó, nụ ong chúa là nơi chứa thức ăn dành cho ong chúa được ong thợ tiết ra, thức ăn này tạm gọi là sữa ong chúa. Vì nụ ong chúa tự nhiên rất ít nên không thể có được sữa ong chúa nhiều phục vụ cho nhu cầu con người, chính vì vậy người nuôi đã tạo ra “nụ chúa giả” (được làm từ chính sáp tổ ong không khác gì nụ ong chúa thật) khiến ong thợ bị đánh lừa và tiết sữa để nuôi ấu trùng ong chúa. Ong thợ càng tiết dịch sữa bao nhiêu thì con người càng lấy bấy nhiêu. Tuy nhiên, sữa ong chúa ở Gia Lai chưa khai thác được vì đòi hỏi kỹ thuật cao và phụ thuộc rất nhiều thời tiết. Hiện nay, sữa ong chúa chỉ được sản xuất nhiều ở Lâm Đồng.
Sáp ong được con ong tạo ra với mục đích là xây tổ. Khi vào vụ, thời tiết nắng ấm, hoa nhiều là mùa đàn ong sinh sản tốt, đàn ong phát triển mạnh nên trong đàn đã đông đúc không còn nơi ở, những con ong này tự xây lưỡi mèo lên trên nắp của thùng ong, vừa để sinh đẻ vừa để đổ mật. Từ đó, người nuôi ong cắt sắp lưỡi mèo, ép mật, còn lại cái xác đem đun nóng lên, xác sáp lưỡi mèo chảy ra thành nước, sau đó đổ ra thau, chậu để 24 giờ sáp mèo nguội sẽ đông đặc lại gọi là sáp ong. Sáp này dễ làm nên hầu như người nuôi ong nào ở Gia Lai cũng làm ra được sản phẩm này.
Sáp ong loại 1 được xuất khẩu, dùng vào làm dược phẩm của ngành y tế, còn sáp ong loại 2, 3 được dùng để làm đông cứng, như làm đèn cầy, son môi, mỹ phẩm, dầu con hổ sao vàng…
Trong dân gian những sản phẩm từ ong còn dùng làm nhiều bài thuốc gia truyền để chữa bệnh. Qua trao đổi với chị Nguyễn Thị Thảo-chủ cơ sở mật ong thiên nhiên Vinh Thảo (168-Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku), được biết: Mật ong nghệ đen là gia vị nhưng cũng là vị thuốc quý. Dân gian coi nghệ là vị thuốc có tác dụng hàn gắn vết thương không để lại sẹo; điều trị bệnh đau dạ dày, tá tràng, an thần, làm lành vết loét dạ dày. Chanh ngâm mật ong trị bệnh ho có đờm cho bé… Tuy nhiên, tất cả các sản phẩm nêu trên ở Gia Lai hầu như chưa có cơ sở nào sản xuất mà chủ yếu nhập từ các tỉnh Đak Lak, Lâm Đồng về kinh doanh. Bởi người nuôi ong ở Gia Lai chưa biết tận dụng khai thác hết những sản phẩm từ ong mang lại. Có nhiều nguyên nhân, song phần lớn là những người nuôi ong ở tỉnh ta còn khó khăn về vốn, chưa có hệ thống xuất khẩu, nên người nuôi ong chủ yếu là lấy mật để xuất khẩu mà thôi.
Khi đặt vấn đề khó khăn này, ông Đặng Quốc Hưng-Giám đốc Xí nghiệp Ong Gia Lai (Công ty cổ phần Ong Trung ương), cho biết: Phần lớn là do cơ chế quản lý của Nhà nước, hơn nữa, Xí nghiệp có nhiệm vụ thu mua các sản phẩm làm ra từ ong của những người nuôi ong. Người nuôi ong ở các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung đang là khách hàng của đơn vị. Bởi vậy, những người nuôi ong khi có nhu cầu hỗ trợ về kỹ thuật nuôi ong, bán sản phẩm thì đến với Xí nghiệp. Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng của Xí nghiệp nữa là duy trì, phát triển, giữ nguồn ong quốc gia. Bên cạnh đó, để nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên của Xí nghiệp, hiện Xí nghiệp có 800 đàn ong giống, khi hết thời gian nhân đàn, Xí nghiệp chuyển đàn ong đi khai thác mật. Vì giá trị mật ong và các phẩm vật từ ong tạo nên mang lại giá trị kinh tế cao cũng như giúp chữa trị và bồi bổ cho con người, thời gian tới, Xí nghiệp sẽ đưa ra thị trường một số sản phẩm làm từ mật ong, như: mật ong hoa nhãn, hoa cà phê, mật ong ngâm chanh…
Đinh Yến