Những tháng năm đẹp đẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi đến thăm gia đình Thầy thuốc Ưu tú Đinh Minh Chánh-nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai vào một ngày đầu xuân nắng đẹp. Trong ngôi nhà nhỏ (số 18 Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku), ông ngồi nhắc nhớ về khoảng thời gian gần 10 năm tuổi trẻ sống và chiến đấu giữa núi rừng Gia Lai. Và ông gọi đó là những tháng năm đẹp đẽ.

Bác sĩ Đinh Minh Chánh. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Bác sĩ Đinh Minh Chánh kể: Cuối năm 1954, khi mới 14 tuổi, đang học lớp 3, ông cùng cha (ông Đinh Nghĩa-nguyên Phó ty Canh nông tỉnh Quảng Ngãi) rời xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) lên tàu thủy tập kết ra Bắc. Khi đó, ông không hề nghĩ cuộc chia tay mẹ và 3 người em lại dằng dặc đến vậy.

Ra miền Bắc, ông học phổ thông tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Năm 1961, ông trở thành sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Tốt nghiệp chuyên khoa Ngoại-Sản năm 1966, ông có khoảng nửa năm làm việc tại một bệnh viện dã chiến ở Hà Đông.

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện leo đèo, lội suối, kéo dài 3 tháng trên núi rừng Hòa Bình, ông cùng đồng đội được lệnh hành quân vào Nam. Chuyến đi bộ từ Quảng Bình ngày ấy là thử thách đầu tiên đối với chàng trai 26 tuổi luôn háo hức được trở về quê hương miền Nam như ông.

Theo bước chân giao liên, mỗi người được phát 2 bộ quần áo mỏng, 20 kg gạo và 20 phong lương khô. Đoàn công tác gồm 21 cán bộ y tế và văn nghệ sĩ ấy khi đến địa phận tỉnh Quảng Nam thì cạn lương thực. Từ đó, mỗi ngày mỗi người chỉ còn được cấp 1 lon gạo từ các trạm dọc đường.

Bác sĩ Chánh hồi nhớ: Vào đến Khu 5, nhiều bạn học cùng khóa với ông như bác sĩ Đặng Thùy Trâm được phân về đồng bằng. Ông nhận nhiệm vụ tại Ban Dân y Gia Lai. Năm 1968, ông phụ trách bệnh xá dã chiến của tỉnh ở vùng Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa). Sau đó, ông làm Trưởng Bệnh xá tỉnh.

Gia Lai ngày đó là chiến trường ác liệt. Đói cơm lạt muối, sốt rét ác tính, đạn bom, thú dữ… luôn đe dọa mạng sống con người. Trong hoàn cảnh ấy, khó khăn mà những người làm công tác y tế phải đối mặt càng nhiều gấp bội. Tuy vậy, anh em thương nhau lắm, coi nhau như ruột thịt, đỡ đần nhau từng li từng tí.

Bác sĩ Đinh Minh Chánh (người cầm cưa) và các đồng nghiệp trong 1 ca phẫu thuật ở chiến trường, năm 1968. (ảnh tư liệu do N.Q.T sưu tầm).

Theo bác sĩ Chánh, trong chiến tranh, nếu không sáng tạo, linh hoạt và cả… chút mạo hiểm nữa thì không thể tồn tại. Bốn bề rừng núi, trên trời là bom đạn, dưới đất là thám báo, biệt kích, thiếu thuốc men và trang-thiết bị, nhưng cán bộ y tế vẫn phải cứu người bằng mọi giá.

Bây giờ, phòng và y cụ chưa tiệt trùng thì không ai dám cầm dao. Tuy nhiên, ngày đó, đa số mổ dưới hầm hào, lán trại. Mổ ban ngày, trên đầu che tấm vải dù để lấy ánh sáng; còn mổ đêm thì dùng ánh sáng đèn pin. Có thể có chút thuốc tê, còn thuốc gây mê thì thiếu hẳn. Vậy mà, ta vẫn phải mổ xẻ, thậm chí dùng cả dụng cụ cơ khí để cưa chân người đã bị hoại tử.

Bẹ chuối có thể thay vải khi băng bó; tre, gỗ dùng làm nẹp cùng với dây rừng; mật và sáp ong đều có thể chữa bỏng. Để cứu đồng đội, nhiều anh chị em đã phải lấy nước dừa non pha kháng sinh truyền cho thương binh. Mà dừa non cũng hiếm lắm, phải xuống đồng bằng mua mới có, nên tìm được thuốc ấy cả là một công trình.

Ông Chánh không quên chuyện đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Đó là lần bị nước cuốn trôi đến mấy trăm mét, được một cành cây đổ ngang sông giữ lại. Lần ông bị trực thăng đuổi, liền liều mình ôm khúc cây giữa rẫy mà lăn, may sao địch không thấy. Lại có lần, đạn pháo địch rơi trúng ngay chiếc võng ông mới vừa rời đi giây lát trong một hang đá… Gian khổ, ác liệt, có cả những đồng đội đầu hàng địch nhưng ông vẫn không hề nản chí. Một năm sau ngày vào chiến trường, ông được kết nạp Đảng.

Sau một đỗi trầm ngâm, bác sĩ Đinh Minh Chánh chia sẻ rằng, ông thấy tiếc vì phải chạy giặc nhiều lần nên đã không còn giữ được cuốn nhật ký ghi chép từ thời sinh viên ở Hà Nội và suốt dọc đường đi bộ vào Nam. Bù lại, hồi đầu năm 1974, ông gặp được tình yêu của mình. Đó là người đồng nghiệp cùng quê Quảng Ngãi-y sĩ Phan Thị Xuân Lan. Cuối năm 1974, giữa những dãy bàn ghế kết bằng cây le, dưới sự chủ hôn của bác sĩ Võ Duy Tài và sự chứng kiến của các cán bộ, bệnh nhân, đám cưới của chú rể 34 tuổi cùng cô dâu 26 tuổi đã diễn ra đầm ấm trong rừng Kbang.

Tôi hỏi ông: “Cưới xong rồi thì sao ạ?”. “Chẳng sao cả. Vẫn ở nhà tập thể với anh chị em cơ quan, nên tuy là vợ chồng đấy nhưng võng ai người ấy ngủ thôi”-bác sĩ Chánh cười sảng khoái. Rồi ông nói thêm: “Thời ấy nó thế, vui vẻ, nhẹ nhàng và đẹp đẽ...”.


NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm