Thời sự - Bình luận

Những tiếng nói vu vơ, lạc lõng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2019 đến nay, dịch Covid-19 đã gây nhiều thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và nguồn lực của loài người trên “hành tinh xanh”. Xác định mức độ nguy hiểm của đại dịch, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã tập trung mọi nguồn lực để phòng-chống với phương châm “Chống dịch như chống giặc”. Nhờ đó, trong một thời gian khá dài, dịch Covid-19 đã được ngăn chặn có hiệu quả, kinh tế-xã hội của đất nước phát triển ổn định, an sinh xã hội được chăm lo, tính mạng và sức khỏe của người dân được bảo vệ. Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là một trong những quốc gia khá thành công trong phòng-chống dịch Covid-19.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. (Ảnh nguồn: NLĐO)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. (Ảnh nguồn: NLĐO)

Tuy nhiên, thời gian gần đây, dịch Covid-19 với biến thể nguy hiểm tiếp tục hoành hành tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch thứ tư, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách đúng đắn nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Khi dịch bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài chung tay phòng-chống đại dịch Covid-19. Cùng với đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng-chống dịch tại các địa phương. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ quyền quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định để đáp ứng phòng-chống dịch Covid-19.

Không chỉ tập trung các giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm “tiếp sức” cộng đồng doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Hiện nay, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đang dần đi vào cuộc sống.

Đáp lại lời kêu gọi và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, đồng bào cả nước đã đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Minh chứng rõ ràng nhất là hàng chục ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cá nhân quyên góp ủng hộ Quỹ vắc xin và công tác phòng-chống dịch Covid-19. Riêng tại Gia Lai, sau khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng-chống dịch bệnh Covid-19”, hàng ngàn tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp cho Quỹ vắc xin và công tác phòng-chống dịch trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, hàng chục ngàn phần quà gồm dụng cụ y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm được người dân quyên góp gửi đến tuyến đầu chống dịch. Chia sẻ khó khăn với người dân vùng dịch, những ngày qua, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm được người dân Gia Lai gửi vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận hơn cả là đại đa số người dân đều tự giác thực hiện các quy định về phòng-chống dịch, đặc biệt là thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Như vậy có thể khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội là một khối thống nhất trong việc đề ra chủ trương, chính sách cũng như các giải pháp trong công tác phòng-chống dịch Covid-19. Và, những chủ trương, chính sách đúng đắn ấy đã nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Ấy vậy mà, trên không gian mạng, một số tổ chức phản động lưu vong móc nối, câu kết với các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước sử dụng những thông tin giả để ra sức tuyên truyền, xuyên tạc về quan điểm, chủ trương, chính sách, giải pháp và kết quả phòng-chống dịch của Việt Nam. Lĩnh vực mà chúng thường lợi dụng để “gây nhiễu”, chống phá là chính sách về vắc xin; chủ trương giãn cách xã hội; công tác cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19; việc triển khai gói hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch… Do nhận thức lệch lạc và thiếu hiểu biết thực tế nên không ít “anh hùng bàn phím” vô công rỗi nghề đã vội “té nước theo mưa”, hóng hớt thông tin giả mạo, rồi chia sẻ, bình luận, thậm chí bôi nhọ các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia phòng-chống dịch bệnh. Tại Gia Lai, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý không ít cá nhân liên quan đến hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng công tác phòng-chống dịch Covid-19.

Rõ ràng, trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn để đẩy lùi dịch bệnh với quyết tâm chính trị cao nhất thì những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch trở nên vu vơ, lạc lõng. Tuy thế, mỗi người dân vẫn cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không để chúng lợi dụng tình hình dịch bệnh để chống phá Đảng và Nhà nước ta.

 

 DUY LÊ
 

Có thể bạn quan tâm