Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Những tờ lịch cuối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1. Những tờ lịch cuối cùng của năm đang hối hả rời block lịch. Nhìn cuốn lịch mỏng dần đi để gấp rút tiến nhanh về cái mốc… số 0 trong “vòng đời” của lịch, tự nhiên có chút bâng khuâng nghĩ ngợi.
Ngày nhỏ, tôi có cái thú giành giữ chân bóc lịch với các anh chị em mỗi sáng. Ngày qua đi đánh dấu bằng một tờ lịch tự tay ta bóc đi luôn kèm theo nỗi hưng phấn vì biết mình đã lớn thêm một chút. Con nít mong mau thành người lớn; khát vọng mười phần chính đáng (bởi lời chúc của người lớn dành cho trẻ con luôn là “ăn no chóng lớn”, không sai!). Vậy nên mỗi khi tờ lịch rơi xuống, block lịch mỏng đi một chút là mừng. Mừng được lớn thêm đã đành; nhưng còn có cả những niềm vui nho nhỏ khi được bóc tới những tờ lịch đỏ (chủ nhật hoặc các ngày lễ). Trẻ nhỏ đi học, đứa nào chẳng chăm chăm mong ngóng tới các ngày chủ nhật hoặc lễ Tết. Đó là những ngày được vui chơi thoải mái, không phải lo chuyện bài vở, lớp trường…
 Tranh minh họa.
Tranh minh họa.
2. Thời ấy chưa phổ biến lịch cuộn (4, 6 hoặc 12 tờ) in offset với nhiều tranh ảnh, màu sắc đẹp đẽ như bây giờ; chỉ thuần loại “lịch bản” gồm một bản carton cứng in ấn giản đơn, trên gắn block lịch dày. Nhà giàu chơi bản block to bự in giấy láng hạng sang. Nghèo hơn thì xài block trung, giấy má có phần hơi thô nhám. Tệ nhất là block tiểu, chỉ to cỡ bàn tay, hẩm sịt giấy rơm, in ấn lèm nhèm. Nhà tôi chuyên xài cái block tiểu ấy, đơn giản vì nó rẻ. Bản lịch thì mua (hay được tặng) một cái đâu từ đời một nghìn chín trăm… lâu lắc, cứ xài đi xài lại hàng bao năm, hết block này dán chồng lên block khác. “Có hư hao gì đâu, mua mới chi cho tốn tiền?”-mẹ lý luận gọn ơ, cấm có đường cãi. Nhà tôi khổ nên mẹ chi tiêu hà tiện hết mức. Không sao, có lịch để bóc, đếm ngày đã là may; nhà thằng Hùng bạn tôi còn không mua nổi cuốn lịch, muốn biết ngày tháng bao nhiêu toàn đi coi ké nữa kìa…
3. Thấy block lịch mỏng dần đi, ô tháng hiện ra dòng chữ “tháng mười hai” là rộn ràng trong bụng. Sắp hết năm rồi. Hết năm đồng nghĩa cùng… sắp Tết. Tết ư, đương nhiên với con nít đó là chuyện “sung sướng đỉnh cao”, mỗi năm mới có một lần, hứa hẹn đủ trò vui song hành cùng chuyện mặc đẹp, ăn ngon. Khác với bây giờ, những ngày tháng mười hai của tuổi thơ tôi thấy nó đi sao mà quá chậm! Chằm chằm mong đỏ mắt, bóc được tờ lịch nào hân hoan tờ lịch đó. Niềm vui tăng dần và sẽ vỡ òa thành tiếng reo náo nức khi tờ lịch cuối cùng của tháng mười hai ra đi. Mẹ kêu lên: “Còn hơn tháng nữa mới tới Tết, làm gì mừng dữ bây?”. Kệ đi, với tôi, thấy cái block lịch mẹ mới tậu về được “lên khuôn” là xem như thấy Tết. Từ đây, đứa trẻ tôi sẽ dùng “đồng hồ đếm ngược” trừ dần đi từng ngày một. Phải, Tết đã đến gần, gần lắm. Tháng Chạp rồi…
Y Nguyên

Có thể bạn quan tâm