(GLO)- Có những cuộc chia ly không bao giờ trở về, bởi các anh đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Những giọt máu cuối cùng của tuổi 20 đã cùng nhau hòa chung trong mạch ngầm đất mẹ. Những con người ấy- những trái tim ấy đã trở thành bất tử.
Ký ức đêm 5-5-1972
Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah (Gia Lai)- nơi 20 liệt sĩ đang nằm lại dưới ngôi mộ chung vào những ngày cuối tháng 7 rất đỗi ấm áp, thiêng liêng. Nghi ngút những khói nhang tri ân cho anh linh các anh hùng đã hi sinh vì Tổ Quốc. Đến đây, ký ức về trận chiến hào hùng của một đêm tháng 5-1972 lại ùa về…
Các anh nằm lại cùng nhau dưới sao vàng năm cánh. Ảnh: Trần Dung |
Tại nơi các anh đang nằm lại, xưa kia là cứ điểm 42 Biển Hồ của quân đoàn 2 Ngụy quân Sài Gòn (nay là thôn 8, xã Nghĩa Hưng, Chư Pah). Nhằm làm thất bại âm mưu chiến lược của địch, Trung ương chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Mặt trận Tây Nguyên tiêu diệt cứ điểm 42 Biển Hồ. Theo kế hoạch từ Bộ chỉ huy Quân khu, tiểu đoàn 20, bộ đội đặc công thuộc B3 đã anh dũng tập kích tiêu diệt cứ điểm 42 của Mỹ- Ngụy.
Đêm ngày 5 và rạng sáng ngày 6-5-1972, Tiểu đoàn 20 phối hợp với nhân dân và bộ đội địa phương đã chia làm 3 mũi tấn công: hai mũi thọc sâu đánh vào Sở chỉ huy trung đoàn 45, mũi còn lại diệt khí tài của địch. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, bộ đội ta đã san bằng cứ điểm 42- một trong những cứ điểm quan trọng của địch. Địch thiệt hại nặng nề: 1 Sở chỉ huy trung đoàn 45, 1 đại đội lính dù, 1 đại đội thám kích, 1 đại đội bảo an, 1 tiểu đoàn pháo 10 khẩu, 21 xe bọc thép, diệt 400 tên , bắt sống 12 tên địch. Tuy nhiên, do kho đạn của địch bị nổ, một số chiến sĩ đặc công thuộc tiểu đoàn 20 hy sinh không tìm lại được thi thể. Ngay hôm đó, bọn Mỹ ngụy đã dã man dùng xe ủi lấp thi thể các chiến sĩ đặc công hy sinh xuống chiến hào (nay là ngôi mộ chung xã Nghĩa Hưng).
Ông Nguyễn Văn Xuân và ông Nguyễn Văn Rạng nhớ về đêm 5-5-1972. Ảnh: Trần Dung |
Hình ảnh đau thương ấy vẫn còn in đậm trong tâm khảm ông Nguyễn Văn Rạng (72 tuổi, thôn 4- xã Nghĩa Hưng). Ngày ấy ông đang làm công nhân cơ khí cho nhà máy chè. Giọng ông run run khi kể lại những gì ông tận mắt chứng kiến trong trận chiến ác liệt ấy. Một đêm kinh hoàng với tiếng nổ chát chúa, tiếng trực thăng đảo liên hồi và rồi đồn địch bốc cháy ngút trời. Ông ngẹn ngào: “Hồi ấy nơi đây chỉ toàn rừng núi, là đồn, bốt của địch. Đêm ấy, tôi cảm thấy như đất trời rung chuyển. Sáng hôm sau, tôi cùng một số bà con chạy lên chỗ có tiếng nổ đêm qua thì chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng, thi thể bộ đội ta bị bọn giặc dùng xe ủi lấp xuống một chiến hào to và rộng. Các anh không ai còn nguyên vẹn, một màu đen và co quắp. Tôi không thể đếm được có bao nhiêu thi thể như thế. Các anh đã nằm chung với nhau ở chiến hào đó”.
Cúi đầu trước anh linh 20 liệt sĩ, ông Nguyễn Văn Xuân (Tổ 9, phường Yên Thế, TP. Pleiku) trước đây là lính không quân Ngụy, đóng quân tại cầu 14 (nay thuộc thôn 9, xã Nghĩa Hưng) ngậm ngùi nhớ lại: “Các đơn vị của Mỹ- Ngụy đóng ở đây rất đông và đủ các loại binh chủng. Đêm 5-5-1972, khi quân chi viện của địch vừa đổ quân xuống Cứ điểm 42 thì bị các chiến sĩ cách mạng phục kích. Trận đánh đêm ấy lớn lắm”. Ông Xuân run run chỉ tay về phía ngôi mộ: “Sau trận ấy, bộ đội đặc công hi sinh nhiều lắm. Thi thể các anh bị kéo về sắp thành dãy và tuôn tất cả xuống cái hố đã đào sẵn rồi sau đó lấp đất lên. Còn lính Ngụy thì chết nhiều khôn kể”.
Nằm lại cùng nhau dưới sao vàng năm cánh
Thắp lên những nén nhang tri ân. Ảnh: Trần Dung |
Hai mươi liệt sĩ- mỗi người cái tên, một ký ức và một quê hương khác nhau nhưng các anh đã cùng ngã xuống trong đêm oanh liệt ấy. Và rồi họ lại cùng nhau nằm trong ngôi mộ chung trên vùng đất họ đã chiến đấu. Tuổi trẻ và xương máu của các anh đã hòa làm một. Hai mươi trái tim “xanh” đã hòa chung nhịp đập với Tổ Quốc.
Sau chiến tranh, các anh vẫn nằm đấy, trong ngôi mộ cỏ vô danh và những liệt sĩ vô danh. Để tưởng nhớ, người dân nơi đây đã lấy ngày 10-3 làm ngày giỗ cho các anh. Nhân dân vẫn thắp nhang thờ cúng mỗi dịp lễ tết. Ông Nguyễn Văn Khương (thôn 4- xã Nghĩa Hưng) cho biết: “Mặc dù không biết các anh là ai nhưng người dân chúng tôi vẫn luôn tâm niệm rằng họ là những người đã hi sinh cho đất nước, cho chúng tôi và thế hệ con cháu mai sau. Chúng tôi luôn dành những nghĩa cử cao đẹp nhất cho họ”.
Sau khi tìm lại tư liệu do Cục quân đoàn 3 cung cấp thì các anh mới được lấy lại tên cho mình. Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Nghĩa Hưng đã được khởi công xây dựng và khánh thành vào ngày 16-12-2011 trên diện tích 480 m2, gồm hai hạng mục chính là Đền tưởng niệm và ngôi mộ chung có hình sao vàng năm cánh.
Cũng từ đó, có rất nhiều gia đình đã tìm được các liệt sĩ sau bao nhiêu năm tìm kiếm. Gia đình ông Đỗ Khắc Khiêm (60 tuổi), em trai của liệt sĩ Đỗ Khắc Chuyên đã lặn lội từ xã An Đồng- huyện An Dương- TP. Hải Phòng vào Gia Lai để tìm lại thi thể người anh trai. Sau lá thư cuối cùng mà liệt sĩ Đỗ Khắc Chuyên gửi về cho gia đình vào đầu năm 1972 có nói rằng đang hoạt động tại chiến trường Gia Lai- Kon Tum, thì về sau không có hồi âm gì nữa. Những năm hòa bình lập lại, gia đình vẫn luôn đau đáu ước mong tìm lại người anh.
Tháng 5-2011, ông Khiêm tìm vào Gia Lai và được biết về ngôi mộ chung. Tìm lại được anh trai nhưng không thể đưa anh về quê hương vì anh đã nằm lại cùng đồng đội. Ông Khiêm tâm sự: “Dù không đưa được anh về quê hương nhưng như vậy chúng tôi cũng vui mừng lắm rồi. Có lẽ anh nằm lại cùng đồng đội sẽ thấy ấm áp hơn. Dù ở xa nhưng chúng tôi rất yên tâm vì có các cấp chính quyền nhiệt tình chăm nom phần mộ của anh”.
Trong hàng ngàn người con ra đi để bảo vệ Tổ Quốc, có những người đã may mắn trở về, cũng có những người như các anh mãi mãi ra đi không trở lại. Họ đã chiến đấu và nằm lại nơi chiến trường đau thương, họ đã hiến dâng cho quê hương, đất nước cả nhịp đập con tim và hơi thở cuối cùng. Dưới ngôi mộ sao vàng năm cánh, trái tim các anh đã trở thành bất tử.
Trần Dung