(GLO)- 13 năm trước, khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (từ năm 2008 chuyển thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), không chỉ những chủ nhân của di sản này mà nhân dân cả nước đều vô cùng tự hào. Nhưng đi kèm với niềm tự hào ấy là mối lo ngại về tình trạng “chảy máu” cồng chiêng đang diễn ra ở khắp các buôn làng Tây Nguyên; về nguy cơ phá vỡ không gian văn hóa cồng chiêng dưới tác động của quá trình phát triển kinh tế-xã hội; về sự đứt đoạn dòng chảy văn hóa cồng chiêng trong thế hệ trẻ các dân tộc bản địa Tây Nguyên trước sự thâm nhập của các làn sóng văn hóa hiện đại… Và đi kèm với niềm tự hào ấy còn là những trăn trở về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng trong đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong phát triển du lịch.
Ảnh: Đức Thụy |
Những lo ngại, trăn trở đó cho đến nay vẫn còn và chắc chắn sẽ còn là mối quan tâm trong thời gian tới của không chỉ cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên mà cả với lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chúng ta có thể nhìn thấy sự lo ngại, trăn trở đó tại cuộc hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” do Viện Văn hóa-Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu uy tín. Chúng ta cũng nhìn thấy sự lo ngại, trăn trở đó trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khai mạc Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018.
Nhưng nhìn vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thời gian qua và trong chặng đường sắp tới, bên cạnh những lo ngại cần thiết, chúng ta có rất nhiều cơ sở để đặt niềm tin. Niềm tin ấy đến từ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với di sản này mà sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương trong lễ khai mạc Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 là một minh chứng. Không chỉ đến dự, Thủ tướng Chính phủ còn có bài phát biểu hết sức quan trọng, có tính chất định hướng cho các tỉnh Tây Nguyên trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng.
Niềm tin ấy cũng đến từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu uy tín tham gia hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Nhiều đại biểu dự hội thảo khẳng định, thời gian công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng đã nhận được sự quan tâm của chính quyền các tỉnh Tây Nguyên bằng nhiều giải pháp. Nhờ đó, di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được gìn giữ, phát huy giá trị trong đời sống văn hóa ở cơ sở. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đề xuất nhiều giải pháp cả về vĩ mô lẫn cụ thể để giúp các tỉnh Tây Nguyên khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trong thời gian tới.
Niềm tin vào giá trị di sản cồng chiêng Tây Nguyên còn thể hiện qua sức hấp dẫn của nó đối với du khách. Trong 3 ngày diễn ra Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, hàng vạn du khách gần xa đã tụ hội về TP. Pleiku để được hòa mình vào âm thanh vang vọng cuốn hút của cồng chiêng hay những lễ hội đặc trưng của các dân tộc bản địa. Điều này gián tiếp nói lên rằng, nếu các tỉnh Tây Nguyên làm tốt hơn nữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng thì Tây Nguyên hoàn toàn có thể trở thành “một biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại của di sản châu Á thế kỷ XXI” như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 đã khép lại với rất nhiều ấn tượng đẹp trong lòng những nghệ nhân tham gia cũng như hàng vạn du khách trong và ngoài nước. Festival không chỉ thêm một lần nữa tôn vinh giá trị di sản văn hóa cồng chiêng mà còn thể hiện sự đoàn kết, hòa hợp của các dân tộc bản địa Tây Nguyên; là dịp để cấp ủy, chính quyền các tỉnh trong khu vực nhìn nhận lại một cách thấu đáo kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản này trong thời gian qua; tìm ra hướng đi thích hợp trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Quan trọng hơn, Festival là cơ hội để tỉnh Gia Lai nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung xúc tiến phát triển du lịch thông qua việc khai thác giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, biến di sản phi vật thể này thành tiềm năng thu hút khách du lịch đến với vùng đất đậm chất sử thi, huyền thoại.
Vĩnh Phúc