Trước năm 2021, gia đình bà Hồ Thị Tuyết Trinh (thôn Tư Lương, xã Tân An) thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống của gia đình nhờ vào mấy sào rau nhưng canh tác theo lối truyền thống, năng suất thấp, giá cả bấp bênh.
Năm 2021, gia đình bà được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã tạo điều kiện làm hồ sơ vay 40 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Có vốn, lại được cán bộ Hội Nông dân và Hội LHPN xã hướng dẫn kỹ thuật, gia đình bà trồng 4 sào ớt theo quy chuẩn VietGAP. Nhờ sản phẩm được gắn nhãn hiệu sản xuất an toàn nên bán ra với giá ổn định. Hàng tháng, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình bà thu về hơn 12 triệu đồng. Cuối năm 2022, gia đình bà được công nhận thoát nghèo.
Được Hội Liên hiệp phụ nữ xã giúp đỡ, gia đình bà Hồ Thị Tuyết Trinh (thôn Tư Lương, xã Tân An) trồng ớt theo tiêu chuẩn VietGap cho thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: H.P |
Trong niềm vui thoát nghèo, bà Nguyễn Thị Lành (thôn 2, thị trấn Đak Pơ) càng thấm thía cái nghĩa, cái tình mà cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh dành cho gia đình mình. Kể về những năm tháng khó khăn, bà Lành không quên những lúc 2 vợ chồng phải quần quật làm thuê để nuôi 3 người con, trong đó có 1 người bị khuyết tật. Vì không có đất sản xuất, con cái lại thường xuyên ốm đau nên cuộc sống gia đình bà vô cùng khó khăn.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình bà Lành, năm 2019, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh hỗ trợ 1 con bò sinh sản trị giá gần 13 triệu đồng để làm sinh kế. Đến nay, gia đình bà sở hữu đàn bò gồm 4 con. Bà Lành phấn khởi nói: “Ai đã từng trải qua những cơ cực, thiếu thốn như tôi mới cảm nhận niềm vui khi thoát nghèo”.
Trao đổi với P.V, bà Bùi Thị Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho hay: Năm 2022, toàn huyện có 281 hộ thoát nghèo. Để đạt được kết quả này, trước hết phải kể đến những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong những năm qua. Kinh tế phát triển là tiền đề, điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện; sự năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn cũng như ý chí, nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên của người dân.
Huyện Đak Pơ chú trọng hỗ trợ sinh kế giúp hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: H.P |
Trong thời gian qua, ngoài việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo theo quy định của Trung ương, của tỉnh, huyện Đak Pơ còn triển khai thực hiện một số chính sách riêng phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương để hỗ trợ hộ nghèo như: Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với 8 xã, thị trấn thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tại 7 xã, thị trấn (trừ xã Cư An). Đặc biệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục triển khai hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; phát động phong trào chăm lo cho người nghèo; đẩy mạnh xã hội hóa trong giúp đỡ hộ nghèo; vận động các doanh nghiệp, ngân hàng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế...
Nhờ đó, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 1,87% (đạt 103,8% so với kế hoạch). Điều đáng nói là số hộ nghèo giảm nhanh nhưng địa phương không tăng tỷ lệ hộ cận nghèo và gần như không có hộ tái nghèo.
“Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp về giảm nghèo; huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cuối năm 2023, huyện sẽ đạt kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo đã đề ra”-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ nhấn mạnh.