Kinh tế

Nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản: Do chênh lệch giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 4 ngày triển khai giám sát tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước (tính đến thời điểm tháng 12-2013) tại: An Khê, Đak Đoa, Chư Pưh và Sở Kế hoạch và Đầu tư, đã xác định được nguyên nhân tình trạng nợ đọng tại hầu hết các địa phương. Tuy số tiền nợ đọng không nhiều nhưng hầu hết nguyên nhân đều giống nhau tại thời điểm kiểm tra.

Đơn vị nào cũng nợ...

 

Ảnh: Hà Duy
Ảnh: Hà Duy

Theo báo cáo của các địa phương tại buổi giám sát, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư luôn ưu tiên thanh toán nợ các công trình hoàn thành, phần vốn còn lại phân bổ cho các công trình chuyển tiếp rồi mới bố trí đến các công trình khởi công mới, đồng thời bố trí nguồn vốn sao cho đảm bảo hoàn thành các dự án nhóm C không quá 3 năm. Tuy nhiên, từ nhiều lý do mà đến cuối năm 2013, vẫn có một số công trình xây dựng bị nợ đọng.

Theo báo cáo của UBND huyện Đak Đoa, tổng số công trình được phân bổ vốn xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn trong năm 2013 là 64 công trình với tổng mức đầu tư trên 70 tỷ đồng. Khối lượng đã thực hiện trong năm 2013 là 61,53 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch; giải ngân 52,3 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch. Đến cuối năm 2013, còn 2 dự án chưa bố trí đủ vốn là đường từ xã Đak Sơ Mei đi xã Hà Đông (các đoạn xung yếu) và trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Tổng mức đầu tư phê duyệt cho 2 công trình này gần 16 tỷ đồng, số vốn đã được bố trí là 14,51 tỷ đồng (đã giải ngân 100%), số nợ đọng là 933 triệu đồng. Trong số 3 huyện, thị xã chịu sự giám sát trực tiếp đợt này thì Chư Pưh là địa phương có số công trình và số tiền nợ đọng nhiều nhất. Tính đến cuối năm 2013, tổng số tiền nợ đọng XDCB của huyện là 7,48 tỷ đồng với 11 công trình, trong đó có 9 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với số tiền nợ đọng là 5,349 tỷ đồng, 2 công trình còn dở dang do tạm ngừng thi công với số nợ đọng là 2,134 tỷ đồng.

Riêng thị xã An Khê, tính đến tháng 12-2013, số nợ đọng vốn đầu tư các dự án xây dựng cơ bản của địa phương là 1,77 tỷ đồng với 5 dự án là: công trình đường vào UBND phường Ngô Mây (nợ gần 142 triệu đồng); kè chống sạt lở sông Ba (nợ trên 615 triệu đồng); nút giao thông đường Quang Trung-Hoàng Văn Thụ-Hoàng Hoa Thám (nợ 126 triệu đồng); công trình hoa viên, hạng mục sửa chữa tượng đài Quang Trung, kè đá, san nền… (nợ 674 triệu đồng)... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (đầu tháng 6-2014), tất cả các dự án đầu tư này đã trả nợ xong, nguồn vốn lấy từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương năm 2012 và ngân sách của thị xã.

Do giá biến động

 

Ảnh: Đức thụy
Ảnh: Đức Thụy

Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, hều hết các công trình đang trong tình trạng dở dang hoặc hoàn thành (đã đưa vào sử dụng) mà bị nợ đọng là do trượt giá nhân công, máy móc và vật liệu xây dựng. Như công trình trụ sở HĐND-UBND huyện Chư Pưh, được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư với tổng mức đầu tư trên 9,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ thời điểm đấu thầu đến khi thi công gần 2 năm nên có sự chênh lệch khá lớn về giá nhân công, máy móc thiết bị. Huyện đã lập thủ tục xin phép điều chỉnh giá và đã được tỉnh cho phép, chuyển nguồn sang năm 2012. Tuy nhiên, hiện các bộ ngành trung ương chưa chấp nhận, theo đó Kho bạc không thực hiện thanh toán đã dẫn đến nợ đọng 333 triệu đồng.

Ngoài nguyên nhân giá tăng thì việc gây ra tình trạng nợ đọng là do bố trí vốn đầu tư không theo tổng mức đầu tư (đã dự phòng), nên khi dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư do biến động giá vật liệu xây dựng đã không đủ vốn thanh toán cho công trình. Ông Lê Viết Phẩm-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa kiến nghị: “Trong quá trình phân bổ vốn đầu tư các dự án công trình cần phải dự phòng những biến động có thể xảy ra để có kế hoạch bố trí vốn cho phù hợp. Đối với các công trình thiếu vốn, cần xem xét bổ sung vốn để thanh toán”. Còn Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê-ông Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng: “Nguyên nhân nợ là do điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng không cân đối bổ sung được nguồn vốn đầu tư; nhu cầu vốn đầu tư lớn số được cấp còn hạn chế, không đủ để đầu tư cho công trình cũng như thanh toán nợ cho các công trình đã hoàn thành. Do vậy, nên chăng, đối với các dự án sử dụng nguồn vốn phân cấp, nguồn thu tiền sử dụng đất và các nguồn vốn hợp pháp khác do địa phương quản lý, cần giao cho địa phương tự tổ chức thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để đảm bảo bố trí đủ cho các dự án thuộc nhóm B; không trừ chi phí dự phòng để đảm bảo đủ vốn thực hiện khi có khối lượng phát sinh hoặc khi có thay đổi chính sách tiền lương, biến động giá vật liệu xây dựng”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm