Nghệ nhân Ưu tú... đan gùi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi vừa về làng Biă Bre (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) thăm nghệ nhân Pơnh. Ông từng là người hát kể sử thi Bahnar nổi tiếng khắp vùng này.

Ông Pơnh là một người khá đặc biệt. Trước nhất là tuổi. Theo các loại giấy tờ mà ông hiện có và được chính quyền thừa nhận, ông sinh năm 1926. Tức là năm nay, ông tròn 95 tuổi. Tôi bảo: Không cao thế đâu, vì chỉ thêm 5 tuổi nữa là đầy 100 thì… già quá. Ông thủng thẳng: Từ ngày xưa, người ta đã khai cho mình như vậy mà.

Ông Pơnh nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2016. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông Pơnh nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2019. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Sau nữa là tài diễn xướng dân gian. Hát kể sử thi nổi tiếng, đi đâu cũng có người biết tên, ông Pơnh đã 2 lần được phong tặng các danh hiệu cao quý. Lần thứ nhất, năm 2006, ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Kỷ niệm chương đồng thời được công nhận là Nghệ nhân dân gian.

Năm 2019, vinh dự lớn nhất trong đời đến với ông khi được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đây là một niềm tự hào không chỉ của riêng ông Pơnh và gia đình, mà là của cả làng, cả huyện. Bởi, toàn tỉnh Gia Lai, sau 2 đợt lập hồ sơ đề nghị, chỉ mới có 23 người Bahnar, Jrai có được vinh dự này.

Ông Pơnh kể: Mỗi lần được công nhận danh hiệu, mình đều có tiền. Lần đầu được gần 1 triệu đồng, anh em bà con góp thêm vào rồi cùng làm một bữa liên hoan với nhau. Ai nấy đều chúc mừng và vui cho mình. Lần sau, Nhà nước cho hơn 10 triệu đồng, con trai thấy nhiều quá nên giữ giúp, khi nào mình cần mua gì thì lại đến bảo nó đưa cho một ít. Nhưng mà, tiền cũng hết lâu rồi…

Nghệ nhân Ưu tú Pơnh từng là người đã hát kể hàng chục sử thi Bahnar và truyện thơ. Trong đó, có nhiều câu chuyện đã được sưu tầm, biên soạn và xuất bản, được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông chính là người đã có những đóng góp lớn cho kho tàng văn hóa dân gian của huyện Đak Đoa và tỉnh Gia Lai.

Vợ chồng ông Pơnh có 7 người con, tất cả đều đã có gia đình riêng. “Hai người già 3 chân” là cách ông diễn đạt về cái chân bị gãy cách đây mấy năm của vợ mình. Sức yếu không còn làm được việc nặng, ông bà chỉ quanh quẩn trong làng.

Ông bảo, hơn chục năm, thỉnh thoảng có hát kể sử thi chơi. Khi ấy, nhiều nhà báo và cả đài truyền hình nữa đều đến hỏi thăm, quay phim, chụp ảnh. Từ ngày mất giọng, yếu sức, ông đành bỏ hẳn công việc mà mình yêu thích mấy chục năm. Khách đến nhà cũng từ đó giảm dần.

Nghệ nhân Pơnh đan gùi bán, tự lo cho cuộc sống của mình. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Nghệ nhân Pơnh đan gùi bán, tự lo cho cuộc sống của mình. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Gia cảnh của Nghệ nhân Ưu tú Pơnh nhiều năm nay rất khó khăn. Trong nhà ông, ngoài quần áo cũ, không có tài sản gì đáng kể. Căn nhà ông đang ở có được là do chính quyền dựng giúp, cùng với sự đóng góp của con cái.

Để giảm bớt sự giúp đỡ thường xuyên của con cái, mấy năm gần đây, ông cặm cụi vót nan đan gùi. Bình quân mỗi tuần, ông làm được 1 cái gùi. Gùi nhỏ nhất giá 100 ngàn đồng, gùi lớn nhất 250 ngàn đồng, có người đến tận nhà mua mang đi bán lại. Chi li mà nói thì mức thu nhập ấy chả đáng là bao đối với 2 người già, lại bệnh tật. Nhưng ông rất vui.

“Tự làm ra tiền, vợ chồng mình không mắc cỡ với con cái, dân làng. Cùng với tiền từ việc đan gùi, mỗi tháng, mình có thêm khoản trợ cấp cố định 270 ngàn đồng nhận từ UBND xã nên cuộc sống cũng coi như đắp đổi qua ngày”-ông Pơnh chia sẻ.

Làm thế nào để cuộc sống hàng ngày của một nghệ nhân thực thụ như ông Pơnh bớt khó khăn? Trao đổi với người viết bài này, anh Lê Văn Bài-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Pết-cho biết: Chính quyền địa phương từ lâu đã biết hoàn cảnh của Nghệ nhân Ưu tú Pơnh. Chúng tôi đã hoàn thành hồ sơ đề nghị trợ cấp thường xuyên cho ông. Theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nếu được duyệt, mỗi tháng, Nghệ nhân Ưu tú Pơnh sẽ nhận được 700 ngàn đồng.

NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm