Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực của nền kinh tế trong quý III cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm nếu biết tận dụng cơ hội phục hồi và tinh thần “nỗ lực hết mình” của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2024 trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước.
Trong quý III, tổng sản phẩm trong nước tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, góp phần quan trọng vào mức tăng 6,82% GDP của cả nước 9 tháng năm nay.
Các chuyên gia kinh tế nhận định đây là mức tăng “ấn tượng”. Bởi nhìn lại quý I, lần đầu tiên sau nhiều năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Nhìn lại thời điểm đó, nhiều người cảm nhận một không khí ảm đạm, thậm chí là khá bi quan từ giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp khi dự báo về triển vọng của năm.
Thế nhưng, bước sang quý II, rồi quý III, tình hình bắt đầu đảo ngược. Tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động, rời thị trường tăng 14%.
Tỷ lệ doanh nghiệp quay lại thị trường cao gần gấp đôi tỷ lệ rời đi cho thấy niềm tin đã được cải thiện, “sức khỏe” doanh nghiệp đã tốt hơn. Gần một nửa số doanh nghiệp được khảo sát dự báo khối lượng sản xuất trong quý IV năm nay sẽ tăng hơn quý III, khoảng 42% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn khi sức “cầu” thị trường thế giới suy giảm thì xuất khẩu-một trong những động lực tăng trưởng quan trọng, tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch đạt hơn 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đến hết quý III, Việt Nam vẫn duy trì cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 20,8 tỷ USD.
Nhìn lại 9 tháng qua với những chỉ số thống kê kinh tế khả quan, đặc biệt là tăng trưởng GDP 3 quý đã gần chạm ngưỡng 7%, tình hình vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%, chúng ta thấy rõ hiệu quả điều hành quyết liệt của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Những chính sách liên quan đến việc giảm lãi suất, kích thích tổng cầu, chính sách tài khóa như giảm, gia hạn nộp thuế hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, khai thác cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do nước ta tham gia ký kết… đã phát huy tác dụng.
Sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ, bắt tay vào sản xuất kinh doanh đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Chỉ còn 3 tháng cuối cùng để chúng ta có thể kết thúc năm kế hoạch 2024 với mục tiêu tăng trưởng 6,8-7%, tạo đà tăng tốc trong năm 2025, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với mục tiêu kỳ vọng tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP.
Để đạt được mục tiêu đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần “nỗ lực hết mình, quyết tâm cao độ, hành động quyết liệt” trong điều hành, triển khai các nhiệm vụ được nêu trong 2 nghị quyết lớn của Chính phủ đã đề ra trong năm nay, là Nghị quyết số 01 “về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước”, Nghị quyết số 02 “về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Tất cả hướng đến những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão lũ được triển khai kịp thời. Những vướng mắc pháp lý trên thị trường bất động sản được tháo gỡ nhanh chóng khi Luật Đất đai và các luật mới liên quan sớm có hiệu lực, để đất đai trở thành nguồn lực cho phát triển; có giải pháp quyết liệt để đạt kế hoạch giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm nay, để đầu tư công thực sự phát huy vai trò dẫn dắt các nguồn vốn đầu tư của xã hội, kích thích nền kinh tế phát triển, góp phần hoàn thành những mục tiêu lớn, hướng tới hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược của đất nước trong “Kỷ nguyên vươn mình”.