(GLO)- Tôi biết An Khê từ trước năm 1975, khi tôi còn học trung học. Bấy giờ, nếu đứng ở Đồng Phó (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) nhìn lên cao nguyên phía Tây thấy mây phủ quanh năm.
An Khê đối với tôi là một thế giới kỳ bí đầy hấp dẫn, không chỉ là nơi tụ nghĩa của anh em nhà Tây Sơn mà còn là vùng đất có nhiều thắng cảnh tuyệt vời. Vượt qua ngọn đèo mù sương, thị trấn nhỏ ngày ấy mặc dù có khá nhiều đồn bốt và dây thép gai nhưng cũng rất hữu tình nhờ có dòng sông Ba lượn lờ chảy ngang qua. Con sông bấy giờ trong xanh và luôn đầy ắp nước. Mấy chiếc thuyền câu nho nhỏ buông nhẹ mái chèo như trong bức tranh thủy mặc. Nhà bạn tôi ở bên sông, sáng sáng cha bạn lại ra sông cất vó. Tấm lưới nhỏ nhưng kéo lên đầy cá: cá đá, cá diếc, cá lúi… vẫy vùng làm bắn tung những hạt nước phản chiếu dưới nắng ban mai như những viên kim cương lấp lánh.
Vùng thượng lưu sông Ba. Ảnh: H.D |
Sau ngày giải phóng, tôi lại có dịp đến An Khê công tác. Lúc rảnh rỗi, tôi thong thả đạp xe trên con phố yên bình, thi thoảng nghe tiếng nhạc ngựa xe thổ mộ chạy ngang qua. Hai bên đường là những ngôi nhà nhỏ ba gian mái ngói xanh rêu, mảnh vườn trước nhà nào cũng trồng rau xanh mát mắt. Những hàng dừa, hàng cau cao vút. Phía đồng xa bãi bồi dọc bên sông cũng xanh mướt mía, thuốc lá. Những chiếc cộ bò chở lặc lè nông sản. An Khê như trung hòa giữa hai đô thị: Phố biển Quy Nhơn ồn ào, Phố núi Pleiku huyền hoặc.
Khi được công nhận là thị xã, hòa vào nhịp phát triển kinh tế chung, An Khê đã lột xác, không còn vẻ trầm mặc ngày nào mà trở thành một đô thị năng động với sự xuất hiện của nhiều nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn như: Nhà máy Đường An Khê, Nhà máy Tinh bột sắn, Nhà máy MDF... Đặc biệt, từ khi xây dựng Nhà máy Thủy điện An Khê-Ka Nak thì tại đây nảy sinh một chuyện ngược đời: Nước sau đập đã không hoàn thủy trả về hạ lưu sông Ba mà chảy xuống tỉnh Bình Định. Cư dân vùng hạ du, trong đó có An Khê, lâu nay mưu sinh dựa vào sông Ba trở nên khốn đốn vì dòng sông cạn nước. Con sông trữ tình, thơ mộng ngày nào đã trở nên già cỗi, quằn quại chết vì thiếu nước và bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cảnh vật thay đổi đến không ngờ! Không còn những con thuyền nhỏ gác mái chèo lặng lẽ nấp dưới bóng mát những cây lộc vừng, cừa nước bên sông năm xưa. Chỉ còn những tảng đá giữa lòng sông nổi lên giữa xung quanh bùn đục và cỏ dại mọc um tùm.
Mỗi khi có dịp đi qua cầu sông Ba trong thị xã An Khê, lòng tôi lại tràn ngập một nỗi buồn khó tả: Đâu rồi con sông Ba hiền hòa ăm ắp nước ngày xưa? Trả lại không khí trong lành cho thị xã An Khê và dòng nước trong xanh êm ả trôi xuôi cho sông Ba là yêu cầu cấp thiết không chỉ đối với người dân đô thị cửa ngõ này mà đó còn là một vấn đề quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội nói chung của tỉnh Gia Lai. Với vai trò là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh, An Khê có đầy đủ các yếu tố cần thiết về địa lý, nhân lực, tài nguyên… để phấn đấu trở thành một đô thị năng động trong toàn khu vực Tây Nguyên. Nhìn xa hơn, với lớp trầm tích dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, với quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, chắc chắn nơi đây sẽ thu hút du khách từ mọi miền đến tham quan, nghiên cứu, là một địa chỉ du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Phải chăng nếu để dòng sông Ba quằn quại chết là chúng ta có tội với tiền nhân, những người hơn 200 năm trước đã lên đây dựng ngọn cờ đào?
Thanh Phong