Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại"

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Địa hình đồi núi đã tạo ra những con dốc dài thú vị ở Phố núi. Ảnh: L.P

Địa hình đồi núi đã tạo ra những con dốc dài thú vị ở Phố núi. Ảnh: L.P

Theo các nghiên cứu về địa lý, cao nguyên Pleiku có hình mái vòm, thấp dần từ phía Bắc đến phía Nam, đỉnh cao nhất là núi Hàm Rồng với độ cao 1.028 m. Xung quanh ngọn núi này là những đồi núi có độ cao trung bình 700-800 m so với mực nước biển và thấp dần đến 400 m. Đặc trưng đó đã làm nên địa hình dạng đồi lượn sóng của đô thị Pleiku với độ dốc phổ biến dưới 20 độ. Điều này đặt ra yêu cầu phát triển đô thị theo hướng hiện đại song vẫn giữ được bản sắc trong kiến trúc, quy hoạch.

Bản sắc chính là những đặc tính phân biệt đô thị đó với những đô thị khác. Tuy nhiên, có một thực tế từng được kiến trúc sư danh tiếng người Singapore William Lim chỉ ra: “Ở các nền kinh tế đang phát triển nhanh tại châu Á, nhiều nước đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về bản sắc, không có sự nhận dạng và sự địa phương hóa lãnh thổ”. Trong sự đối sánh đó, có thể nói, Pleiku may mắn được ban tặng những điều kiện lý tưởng về địa hình để xây dựng một đô thị có đường nét riêng biệt, dễ nhận diện và khắc nhớ. Vấn đề còn lại là con người tận dụng lợi thế ấy như thế nào để tạo lập bản sắc trong quá trình đô thị hóa.

Xoay quanh vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà-Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh từng nhận định: Xây dựng một đô thị hiện đại có vẻ dễ dàng hơn nhiều so với xây dựng một đô thị giàu bản sắc, có phong cách địa phương. Pleiku là đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu lý thuyết tầng bậc của châu Âu khá rõ nét. Sự nhấp nhô của địa hình được giữ nguyên khi xây dựng các lớp nhà cao thấp xen kẽ với rất nhiều cây xanh.

“Do vậy, khi quy hoạch và xây dựng TP. Pleiku, chúng ta phải triệt để khai thác và kế thừa các đặc trưng này, không san ủi mặt bằng, hạn chế tối đa việc chặt cây, tạo khuôn viên cảnh quan cho từng công trình, tạo các khoảng xanh thoáng cho từng khu phố, các khu dân cư. Khi xây dựng đường, vỉa hè cần bám theo độ dốc địa hình tự nhiên, nghiên cứu trồng các loại cây xanh trong đô thị phù hợp (ưu tiên nhất vẫn là cây thông) để trả lại đặc trưng vốn có cho Phố núi”-ông Hà đề xuất.

Trước đây, những diện tích đất đồi dốc tại trung tâm TP. Pleiku thường bị “ngó lơ” bởi khó thiết kế, tốn nhiều chi phí san ủi mặt bằng. Tuy nhiên, những năm gần đây, địa hình đồi dốc lại được tận dụng tối đa, trở thành lợi thế lớn của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, du lịch. Điển hình là các quán cà phê, quán ăn, homestay, farmstay mọc lên dày đặc trên các tuyến đường: Bùi Đình Túy, Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Văn Cừ, Lê Thánh Tôn...

Từ cheo leo đồi cao, khách được phóng tầm mắt ra khung cảnh bao la thoáng đãng của thung lũng bên dưới, ngắm trọn cánh đồng và tưởng chừng có thể chạm tới mây sương Phố núi vào sáng sớm. Một chỗ ngồi rất “chill”, đậm đặc chất cao nguyên và có đủ mọi góc để... sống ảo.

Đất đồi dốc nay lại trở thành “đất vàng” trong mắt nhiều nhà đầu tư, nhất là khi không gian đô thị Pleiku đang phát triển mạnh mẽ theo hướng nương vào và tận dụng triệt để địa hình, cảnh quan tự nhiên để phát triển hạ tầng, tạo các tuyến cong tự nhiên chạy theo đồi núi, thung lũng.

Du khách thích thú thả bộ trên con dốc thoai thoải dẫn xuống thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên

Du khách thích thú thả bộ trên con dốc thoai thoải dẫn xuống thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên

Mới đây nhất, khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 27-2-2024 về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Pleiku đến năm 2045 thì bản sắc của đô thị cao nguyên càng có cơ hội định hình rõ nét. Theo đó, quyết định trên hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu TP. Pleiku là “Thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe”; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển kinh tế-xã hội-môi trường bền vững.

Đặc biệt, trong nhiệm vụ lập quy hoạch, mục tiêu lâu dài là phát triển đô thị Pleiku bền vững, hiện đại, mang bản sắc địa phương; lấy chất lượng sống của cộng đồng dân cư làm nền tảng, hướng đến xây dựng TP. Pleiku trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Gia Lai và vùng Tây Nguyên. Trong tương lai không xa, Pleiku sẽ có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và có ảnh hưởng trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.

Dù Pleiku có phát triển đến đâu, người ta vẫn nhớ mãi hình ảnh “anh khách lạ đi lên đi xuống” nơi “phố núi cao, phố núi đầy sương” như trong bài thơ của cố thi sĩ Vũ Hữu Định. Không quá lời khi có ý kiến cho rằng Vũ Hữu Định là người đã “đội vương miện cho TP. Pleiku”. Giữ bản sắc đô thị cao nguyên cũng chính là giữ gìn chiếc “vương miện” quý giá ấy.

Có thể bạn quan tâm