Nỗi đau từ những vụ tai nạn lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tai nạn lao động thường cướp đi tính mạng hoặc chí ít cũng làm giảm khả năng lao động của những người từng là trụ cột trong gia đình. Nó trở thành nỗi đau dai dẳng và là gánh nặng của mỗi gia đình.

Nỗi đau để lại

Cách đây 18 năm, khi mới 22 tuổi, anh Nguyễn Trường Sơn (trú tại 21A đường 17-3, phường Đống Đa, TP. Pleiku) bị tai nạn lao động. Thời điểm ấy, anh Sơn đang công tác tại Đại đội Thông tin (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Trong một lần làm nhiệm vụ, anh bị cột điện đè lên người làm bể bàng quang, đứt ruột, gãy xương chậu. Sau 4 tháng nằm viện, anh Sơn trở thành người tàn phế. Dù được trợ cấp xã hội 1,3 triệu đồng/tháng nhưng cuộc sống, sinh hoạt của anh hiện rất khó khăn. Ông Nguyễn Tấn Quỳnh (bố anh Sơn) chua chát: “Vợ tôi thấy con bị vậy, suy nghĩ nhiều, đổ bệnh rồi qua đời. Người vợ mới cưới của Sơn cũng bỏ đi. Suốt từ đó đến nay, bao nhiêu khó khăn đổ hết lên vai tôi. Bây giờ, căn bệnh của Sơn di căn sang thận (suy thận độ 4-P.V), mỗi lần chạy thận tốn hàng triệu đồng. Cuộc sống gia đình quá khó khăn, nhiều lúc tôi nghĩ quẩn nhưng thấy con bệnh tật lại cố gắng vượt qua”.  

 

Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thăm và tặng quà công nhân bị tai nạn lao động. Ảnh. Đ.Y

Tai nạn lao động cũng khiến cho cuộc sống của anh Nguyễn Viết Hải  (SN 1978, ở hẻm 42/37 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) gặp rất nhiều khó khăn. Chuyện xảy ra cách đây 9 năm, khi anh Hải đang là công nhân của  Công ty cổ phần In Gia Lai. “Để vận hành dây chuyền sản xuất thường phải có 2 người nhưng hôm ấy một công nhân nghỉ việc, dây chuyền thì dài nên mình tôi cứ phải chạy qua chạy lại. Do sơ suất nên tôi ngã dúi người, tay phải văng vào dây chuyền và bị cắt đứt. Từ một người lành lặn, là trụ cột của gia đình, bỗng chốc tôi trở thành người mất sức lao động và gánh chịu nỗi đau vĩnh viễn”-anh Hải rơm rớm nước mắt kể lại.

Mặc dù nhận trợ cấp xã hội 1,1 triệu đồng/tháng nhưng do không còn khả năng lao động nên cuộc sống của gia đình anh Hải ngày càng túng thiếu. Anh tâm sự: “9 năm nay, nỗi đau từ vụ tai nạn lao động luôn ám ảnh tôi. Giá như tôi còn khỏe mạnh thì vợ con, bố mẹ tôi bây giờ chắc không khổ thế này”.

Ngoài ra, còn rất nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm khác như trường hợp của anh Nguyễn Duy Chánh (SN 1967, ở tổ 15, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) mất đi gần 70% sức khỏe; các trường hợp tử vong do tai nạn lao động như anh Trần Văn Hùng (SN 1985, ở thị xã An Khê)... đã để lại nỗi đau khôn xiết cho gia đình.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn lao động

Ngồi với chúng tôi, anh Hải tâm sự: “Giá như tôi cẩn thận, giá như hôm đó công nhân kia đừng nghỉ việc thì tôi không bị tai nạn lao động”. Còn ông Nguyễn Duy Chánh chia sẻ: “Do tôi bất cẩn trong việc vận hành máy cưa gỗ nên để máy cưa cuốn phăng nửa cánh tay trái. Tôi cảm thấy rất hối hận vì một phút bất cẩn mà để lại hậu quả cả đời. Vì thế, tôi mong mỗi công nhân đang làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp hãy tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn lao động”.

 

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ tai nạn lao động làm 6 người chết và 6 người bị thương. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn phần lớn là do người lao động chưa được huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc.

Năm 2017 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động, diễn ra từ ngày 1 đến 31-5, với chủ đề  “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. Đây được xem là tháng cao điểm để các cấp, các ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác ATVSLĐ. “Sau khi phát động hưởng ứng, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời có sự phối hợp tích cực giữa các sở, ban, ngành địa phương trong việc tổ chức các hoạt động cao điểm của tháng. Cụ thể, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động nhằm nâng cao chất lượng công tác đảm bảo ATVSLĐ; tăng cường thanh-kiểm tra đối với ngành, nghề có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức thăm hỏi, động viên những cá nhân bị tai nạn lao động... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và người lao động về ATVSLĐ”-bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm