(GLO)- Dưới cái nắng oi bức nơi “chảo lửa” Krông Pa, từ trung tâm xã Ia Rsai theo con đường bê tông chạy về hướng Bắc khoảng 12 km là đến làng tái định cư Thông Rong. Hình ảnh đầu tiên hiện lên của làng tái định cư này là những ngôi nhà lụp xụp, thưa thớt bóng người. Vào lúc trưa, trong làng chỉ có vài người già và trẻ con. Không khí trong làng khá yên tĩnh. Anh cán bộ lâm nghiệp thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai đi cùng tôi nói rằng: Cuộc sống của bà con làng tái định cư này nheo nhóc lắm. Không có đất sản xuất, nắng hạn khô kiệt nên người dân hiện tại chỉ đi làm thuê hoặc vào rừng kiếm sống qua ngày.
Nhiều hộ dân ở buôn Hlang sống ở vùng sạt lở của lưu vực sông Ba đã phải di dời đến làng tái định cư. |
Làng tái định cư này được thành lập theo chủ trương của huyện Krông Pa, di dời 85 hộ dân buôn Hlang, xã Chư Rcăm sống ở vùng sạt lở của lưu vực sông Ba để tránh thiệt hại về người và tài sản khi mùa mưa đến. Nhưng trong 2 năm 2014 và 2015 chỉ có 40 hộ dân chịu chuyển đến làng tái định cư này làm nhà sinh sống. Ông Nguyễn Thanh Sơn-Bí thư Đảng ủy xã Chư Rcăm cho biết: Trên thực tế chỉ có 26 hộ dân sinh sống tại làng tái định cư. Số hộ còn lại vẫn chưa chịu di dời. Anh Quý-người dân chuyển đến làng tái định cư này nói: Chuyển đến làng tái định cư sinh sống đã 2 năm nhưng chúng tôi vẫn chưa được các cấp chính quyền địa phương cấp đất sản xuất. Nắng hạn kéo dài khốc liệt, không có đất sản xuất, không có thu nhập, kinh tế gia đình khó khăn, hàng ngày tôi phải tìm kiếm công việc làm thuê để nuôi sống gia đình.
Ngoài thiếu đất sản xuất, mùa hạn này cả làng cũng không có nước sinh hoạt; chỉ vài ba gia đình kéo được điện sinh hoạt còn phần lớn hộ dân ở đây không có điện chiếu sáng. Nhìn chung, cuộc sống của người dân khu tái định cư này khá khó khăn. Thực tế thì đất sản xuất của dân tái định cư không thiếu nhưng chính sách hỗ trợ cho người dân vùng tái định cư không có; điện, nước thiếu thốn, trường học xa làng tái định cư nên trẻ em đi học khó khăn. Một số hộ đã làm nhà nhưng không chuyển đến sinh sống.
Chủ trương di dời dân vùng sạt lở đến nơi định cư an toàn là hoàn toàn đúng. Nhưng sau 2 năm, 26 hộ dân di chuyển đến khu tái định cư vẫn đang sinh sống trong những ngôi nhà gỗ cất tạm để che mưa, che nắng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân rất khó khăn. Không có đất sản xuất, người dân lén lút vào rừng khai thác gỗ lậu để mưu sinh đã gây áp lực khá lớn trong công tác quản lý bảo vệ rừng khu vực xã Chư Rcăm và xã Ia Rsai. Mặt khác, không có tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, đã xảy ra tình trạng một số hộ dân vay mượn tiền của đại lý thu mua nông sản để sản xuất và chi phí cho sinh hoạt hàng ngày. Đến mùa thu hoạch mì, năng suất thấp, mất giá... do hạn nên không đủ tiền trả nợ cho các đại lý thu mua nông sản. Vài ba năm, số tiền vay mượn ngày càng tăng, người dân không có khả năng trả nợ đành viết giấy bán rẫy. Dân mất đất sản xuất lại đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Cuộc sống nghèo khó vẫn đang bám đuổi người dân nơi này.
Anh Khoa