(GLO)- Thế là chồi biếc đã bắt đầu thay cho lá khô, báo hiệu mùa xuân vừa chạm ngõ. Thiên nhiên cứ lặng lẽ trở mình như vậy càng khiến lòng người thêm tha thiết. Mùa đông đã tròn giấc mà tiết trời lành lạnh vẫn còn vương vấn. Có phải vì thế mà mùa xuân vừa tưng bừng vừa có chút gì se sắt? Lắng nghe xuân về, tôi cũng thấy bao ngập ngừng đón đợi trong trái tim mình.
Tôi sinh ra vào một đêm mùa xuân, chỉ mười mấy năm sau ngày đất nước thống nhất. Tuổi thơ gắn với xóm nghèo, mà xóm nghèo thì Tết đơn sơ… Nhưng hồi ấy, bọn trẻ chúng tôi mê Tết vô cùng, dù có thể chưa hiểu rõ ý niệm về bốn mùa xuân-hạ-thu-đông trong vần xoay trời đất. “Sắp đến Tết rồi”, chỉ cần biết như thế là lòng dạ khấp khởi không yên. Sự ngây ngô thường làm cho người ta khó giữ được bình tĩnh trước những ngóng đợi. Ngay đến một miếng dưa hấu “xanh vỏ đỏ lòng” hay chiếc khay bánh vỏn vẹn vài lát mứt gừng, dăm ba viên kẹo lạc thế mà cũng dấy lên niềm háo hức mong chờ. Những mùa xuân đầu tiên trong cuộc đời tôi tuy có chút thiếu thốn nhưng lại rộn ràng. Bây giờ, nhiều người cứ thắc mắc sao xuân này không còn vui như xưa. Cũng phải thôi, thứ quý giá mà chúng ta đã mất đi ấy-nói như Lưu Quang Vũ-là “tuổi thơ nghèo chẳng thể nào mua được”. Mỗi mùa xuân qua sẽ vun đầy kỷ niệm. Mà kỷ niệm thì cứ sống và làm ấm lòng ta mãi.
Nếu ví mùa xuân của tuổi thơ là cột mốc đáng nhớ đầu tiên thì mùa xuân của tuổi trẻ có thể là những khúc quanh. Tuổi mười tám, đôi mươi thường mộng tưởng điều to lớn. Trái tim tôi ở thời khắc đó cứ như một cánh đồng ươm mầm những khát vọng vậy, luôn nghĩ rất nhiều về sự bao la của mặt đất và rực rỡ của ngàn hoa. Mỗi độ Tết đến, xuân về, tôi lại tự đặt ra cho mình hàng tá câu hỏi. Mình là ai? Mình đang sống vì điều gì? Mình đã có những gì trong cuộc đời này? Cái ý nghĩ thanh xuân ngắn ngủi thôi thúc người trẻ vẫy vùng, sôi nổi nhưng cũng đem đến cho họ muôn vàn áp lực. Càng áp lực càng thấy chông chênh. Như chính tuổi xuân của tôi, buộc phải trưởng thành, buộc phải nếm trải. Tết của người trẻ cũng hối hả hơn, có khi chưa kịp cảm nhận được gì thì đã trôi qua. Còn nhớ, trong một chiều tháng Chạp lưng lửng gió, tôi trở về sau một năm học xa nhà, nằm thiếp đi trong lòng mẹ, mơ thấy miếng dưa hấu đỏ lựng của ngày xưa. Choàng dậy mới kịp nghe hơi thở mùa xuân đang ấm trên môi. Đến tận bây giờ, tôi vẫn cho rằng mùa xuân của tuổi trẻ là những khúc quanh. Mà như nhà văn Đỗ Bích Thúy từng nói: “Bao giờ sau mỗi khúc quanh cũng có một điều gì đó đang chờ”…
Mùa xuân của tuổi thơ là cột mốc đáng nhớ đầu tiên. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Thiên tai, dịch bệnh và muôn vàn bất trắc khác của cuộc sống làm cho những mùa xuân gần đây có phần lặng lẽ. Khi phận số trở nên mỏng manh hơn, người ta không còn muốn mơ đến những điều quá xa vời nữa. Dường như, chẳng có một thứ quyền lực nào đủ mạnh để chống lại sự đổi thay bất ngờ của tạo vật. Có những cuốn sách dày cả ngàn trang, lại có cuốn sách chỉ vài trang. Cuộc đời của một con người cũng vậy! Mãi sau này, tôi mới nhận ra, mình không cần phải sở hữu tất cả những thứ lớn lao, mơ hồ mà chỉ cần những điều nhỏ bé, chân thật. Tôi không dám hình dung bao nhiêu gia đình đã chịu cảnh ngộ mất mát, chia ly trong đại dịch vừa qua. Mùa xuân là Tết đoàn viên. Nhắc đến lại ngậm ngùi! Thế đấy, chúng ta cần gì hơn một mùa xuân nho nhỏ, ấm cúng và hiền hòa? Chúng ta cần gì hơn là được sống giữa dương gian, nhìn thấy người thân còn hiện hữu quanh mình? Tôi cũng mong chờ một mùa xuân nắng ghé vào hiên nhà, đóa hoa ngũ sắc khoe màu trên đường thôn ngõ xóm. Nhà ai đó chộn rộn đem rèm màn ra phơi giữa trời loang nắng. Mùi vôi vữa dậy lên nơi cổng rào mới sơn. Cả mùi khói bếp cũng dậy lên, quyện với vị hăng nồng của củ kiệu, củ hành. Nếp nhà ở đó!
“Người già cần ký ức như người trẻ cần tương lai”. Ai trong chúng ta cũng cần một mùa xuân để nhớ nhung và hy vọng. Dẫu niềm mong đợi trong mỗi người, mỗi thời đều mang dấu ấn riêng. Điểm lại những gì quá vãng, thấy tất cả mùa xuân như gối lên nhau thành một điệp khúc bâng khuâng. Cuộc đời vốn là phép cộng của những mùa đến, mùa đi. Chỉ cần trái tim ta còn thổn thức thì mùa xuân nào cũng trong trẻo như mối tình đầu.
LỮ HỒNG