Nỗi lo mang tên… Quốc lộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hạ tầng giao thông xuống cấp trầm trọng, đường vừa làm mới đã hỏng… đó là thực trạng của 4 tuyến quốc lộ chạy qua địa phận tỉnh Gia Lai. Nên thời gian qua, các tuyến đường này trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người tham gia giao thông…

Toàn tỉnh Gia Lai hiện nay có 4 tuyến quốc lộ chạy qua với tổng chiều dài 505 km. Trong đó, quốc lộ 14 chạy theo hướng Bắc-Nam (dài 113 km), nối với tỉnh Kon Tum và Đak Lak; quốc lộ 19 chạy theo hướng Đông-Tây (dài 168 km), nối với các tỉnh Bình Định và nước bạn Campuchia. Hai tuyến quốc lộ này chạy xuyên tâm và giao nhau tại TP. Pleiku. Còn quốc lộ 25 (dài 112 km), nối với tỉnh Phú Yên và quốc lộ 14C (dài 112 km), chạy dọc biên giới phía Tây của tỉnh. Đây là những tuyến đường huyết mạch, tạo lợi thế lớn cho Gia Lai thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh.
 

Ảnh: Lê Anh

Tuy nhiên, hầu hết các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh được thi công từ khá lâu, nên chất lượng đã không còn phù hợp với nhu cầu thực tế. Hiện nay lưu lượng xe ô tô quy đổi lưu thông trên tuyến quốc lộ 14 là hơn 10.000 xe/ngày đêm, trên quốc lộ 19 lưu lượng xe lưu thông gần 8.000 xe/ngày đêm, quốc lộ 25 lưu lượng xe lưu thông hơn 2.000 xe/ngày đêm… Theo thiết kế, tuyến quốc lộ 14 chạy qua địa bàn tỉnh đạt cấp IV, quốc lộ 19 đạt cấp III, quốc lộ 25 chỉ đạt cấp IV, V. Đối chiếu với Nghị định 209/2004/NĐ-CP, ngày 16-12-2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng thì với mật độ phương tiện tham gia giao thông như trên thì quốc lộ 14 phải đạt cấp I, quốc lộ 19 phải đạt cấp II và quốc lộ 25 phải đạt cấp III… Chính vì vậy, hầu hết các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đã bị xuống cấp trầm trọng.

Dù những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các tuyến quốc lộ được làm mới và thường xuyên duy tu bảo dưỡng. Nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp, công tác bảo trì gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trịnh Văn Thọ-Trưởng phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng Giao thông, Sở Giao thông-Vận tải cho biết: “Hiện nay, nguồn kinh phí bảo trì các tuyến quốc lộ chưa đáp ứng được nhu cầu, nên nhiều tuyến đường nhanh xuống cấp. Như năm 2013, nguồn kinh phí để bảo trì cho tuyến quốc lộ 14C và quốc lộ 25 chỉ là 30 tỷ đồng, mới đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu thực tế…”. Việc xuống cấp của các tuyến quốc lộ là điều tất yếu dưới sự tác động của các yếu tố khách quan như: địa hình, địa chất  và thời tiết của tỉnh khá phức tạp, cùng với lưu lượng xe tăng nhanh gây tác động xấu đến hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận là việc nhiều tuyến quốc lộ vừa mới được làm mới, nhưng chất lượng kém đã bị hư hỏng nặng nề. Trong số đó, quốc lộ 14 là tuyến gây bức xúc nhiều nhất. Với gần 35 km đoạn từ Gia Lai đến Kon Tum  đầu tư nâng cấp, mở rộng, do Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2014, do cho nhiều đơn vị thi công khác nhau. Chính vì thiếu năng lực thi công, nên nhiều đoạn đường nhanh chóng xuống cấp, với chằng chịt “ổ voi, ổ gà”, trong đó nghiêm trọng nhất là đoạn từ ngã tư Biển hồ đến hết phường Yên thế (TP. Pleiku) và đoạn qua xã Hòa Phú (huyện Chư Pah).

 

Ảnh: Lê Anh

Động thái tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc điều hành dự án đường Hồ Chí Minh đối với ông Nguyễn Minh Hải và cách chức kỹ sư thường trú tại Gia Lai và 3 kỹ sư tư vấn giám sát cho thấy những bất cập trong việc thi công tuyến đường này. Sau động thái “mạnh tay” đó, tuyến đường này vẫn phải nằm chờ, vì vậy nhiều đoạn tiếp tục xuống cấp ngày càng trầm trọng hơn. Cũng chung số phận, trên quốc 14 đoạn qua thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê), vừa được bàn giao vào năm 2011 đến nay cũng bị cày xới, trở thành nỗi khốn khổ của người tham gia giao thông khi qua đây. Còn đoạn từ Pleiku (km 1610) đến Cầu 110 (km 1667+570) dưới hình thức hợp đồng BOT do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư, dù đã khởi công “rầm rộ” từ ngày 9-6, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay chưa thực hiện. Chính vì vậy, khi tham gia giao thông qua tuyến đường này có thể nhận thấy các phương tiện chọn đi vào… đường đất của rừng cao su.

Cũng đang xuống cấp trầm trọng còn có quốc lộ 19 đoạn qua đèo Mang Yang, gần đèo An Khê hay quốc lộ 25 đoạn qua đèo Tô Na và từ Krông Pa đến Phú Yên… Còn quốc lộ 14C thì mới được thi công giai đoạn I, chủ yếu mặt đường cấp phối, nên sau mỗi mùa mưa lại hư hỏng nặng. Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, đến thời điểm này trên các tuyến quốc lộ xảy ra 86 vụ tai nạn (chiếm 44,56%), làm chết hơn 100 người. Trong số này, cũng có nguyên nhân không nhỏ từ việc xuống cấp của hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ.

Kết cấu hệ thống giao thông đa dạng là lợi thế để Gia Lai thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, nhưng với những bất cập như hiện nay, quốc lộ lại đang trở thành nỗi lo.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm