Xã hội

Gia đình

Nỗi niềm... con không giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Con trai tôi học lớp 7. Cháu không đến nỗi tối dạ nhưng lười. Vào lớp không tập trung nghe giảng. Bài vở về nhà xử lý qua quít lấy có.
Tiếng học sinh THCS mà thời gian học bài ở nhà của cu cậu không bao giờ vượt quá 1,5-2 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Toàn bộ thời gian còn lại cháu dành để chơi hay làm các việc linh tinh. Học hành như vậy đương nhiên kết quả học tập không khả quan. Vợ tôi là giáo viên nên rất bức xúc. Vậy là đè ra kèm cặp thêm ngoài giờ học chính khóa. Bị “dí roi vào mông” nên cháu cũng buộc phải học. Tuy nhiên thái độ vô cùng miễn cưỡng, “bất hợp tác”. Cái thái độ ấy khiến bà xã tôi nhiều phen nổi đóa, đánh mắng thiếu kiềm chế. Hậu quả: Sau một lần bị đánh mắng hơi “nặng tay”, cháu đã phản ứng mạnh bằng cách… bỏ nhà đi khiến vợ chồng tôi tá hỏa!
Tìm được cháu về, sau khi bình tĩnh xét suy đủ mọi nhẽ, vợ chồng tôi thống nhất quyết định từ nay không ép con nữa, cứ để con trai tự học “tùy duyên”. Môn nào con muốn học thêm thì cho học, mặc dù nhiều khi thừa biết, con ham tụ bạ với bạn bè cho vui chứ hiệu quả học tập chẳng là bao. Nhiều lần tôi nói với vợ, thôi vậy cũng được, dù sao có đám “bạn lành” để cháu chơi chung dù gì cũng đỡ hơn chuyện để cháu kết giao cùng bạn xấu hay tìm đến những thú vui tiêu cực trên mạng xã hội hoặc ngoài đường.
Đương nhiên là vợ tôi rất buồn. Tiếng làm giáo viên, đem tri thức, chữ nghĩa truyền đạt cho con người khác mà con mình lại lực bất tòng tâm, chưa kể chuyện phần lớn con cái các đồng nghiệp đều học hành tử tế. Mỗi bận tổng kết học kỳ, tổng kết cuối năm trò chuyện cùng nhau, ai cũng hớn hở đem khoe thành tích con mình đạt được. Những lần như vậy, thể nào vợ tôi cũng về nhà với gương mặt tối sầm, nặng hơn đeo đá. Biết ý, tôi lựa lời khuyên: “Mỗi nhà mỗi cảnh, không ai giống ai, em đừng quá nặng lòng về kết quả học tập của con. Không phải lỗi nơi em khi em đã làm hết sức. Giáo dục phải nương vào căn cơ, tố chất. Trời sinh căn cơ nó chỉ tới mức ấy thì đành phải chấp nhận, không thể cưỡng cầu”. Lần nào nghe xong, vợ tôi cũng trở nên lặng lẽ mất mấy ngày. 
Mới hôm rồi tổng kết cuối năm, lớp con trai tôi 39 đứa thì hết 37 đạt loại giỏi. Con tôi với thằng bạn chí cốt được xếp loại khá! “Con được lên lớp rồi mẹ ơi”-chú chàng vừa ôm giấy khen nhảy chân sáo vô nhà vừa gào lên, giọng đầy hoan hỉ. Cầm tờ giấy khen “học sinh tiên tiến” của ông quý tử trên tay, vợ tôi cười như mếu. Tôi pha trò: “Không sao đâu em, lớp vẫn còn một đứa “tiên tiến” kia mà, đâu phải riêng mình nó! Thôi mình cứ mong sao con học năm nào lên lớp năm đó, đạo đức tác phong đàng hoàng là tốt rồi”.
Khuyên vợ thì khuyên, nhưng đêm nằm vắt tay lên trán, thú thật tôi cũng hơi buồn. Nỗi buồn khi thấy cái “duyên chữ nghĩa” hạn chế của con khiến cháu khó lòng có cơ may nối nghiệp mẹ cha để “làm thầy”. Vậy nhưng suy đi nghĩ lại một hồi chợt nhận ra: Không thầy thì làm thợ cũng tốt, có sao đâu? Cuộc sống nếu ai cũng đòi làm thầy thì lấy ai làm thợ? Nếu con không đủ khả năng thành thầy thì hãy định hướng đào luyện để chúng thành người thợ tốt. Một người thợ có kỹ năng chuyên môn tốt, sống đúng đạo làm người chắc chắn vạn lần tốt hơn những “ông thầy” vì tiền đi mua bán điểm hoặc vì dục vọng đi làm chuyện đồi bại với học trò.
 Y NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm