Nỗi niềm nhân viên y tế cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghe cán bộ Trạm Y tế xã Ia Din (huyện Đức Cơ, Gia Lai) thông báo có đoàn bác sĩ về khám da liễu, cấp thuốc cho người dân làng Nẻh 1, chị Rơ Mah Sao-nhân viên y tế làng vui mừng. Nhận xấp tài liệu tuyên truyền về các bệnh da liễu, đặc biệt là dấu hiệu nhận biết bệnh phong, chị lặn lội đến từng hộ dân để thông báo và cấp phát cẩn thận.

Nhờ vậy, sáng 5-7, nhiều người dân làng Nẻh 1 đã có mặt để được khám bệnh. Nhẩm tính thấy vẫn chưa đủ số lượng đăng ký như ban đầu, chị Rơ Mah Sao lại vội vã đến từng nhà nhắc nhở. Nhờ sự nhiệt tình của chị Sao, bà con đã có mặt đông đủ và buổi khám bệnh diễn ra thuận lợi.

 

Nhân viên y tế thôn làng tích cực tuyên truyền người dân phòng-chống dịch bệnh. Ảnh: N.N

Thay cha làm y tế thôn từ tháng 5-2018, chị Rơ Mah Sao đã phần nào hình dung công việc mà mình đảm nhận. Chị tâm sự: “Trước kia, do không biết đi xe máy nên cha mình phải đi bộ rất vất vả. Một lần ông bị xe máy tông, sức khỏe giảm sút không thể đảm đương công việc nên mình nhận làm thay cha. Công việc của mình là tuyên truyền phòng bệnh; vận động người dân đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em; theo dõi, báo cáo sinh-tử; phát hiện dịch bệnh ở trong làng để báo cáo kịp thời về Trạm Y tế xã để có hướng xử lý kịp thời, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Công việc nghe thì đơn giản nhưng lại tốn nhiều công sức bởi phải cất công đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền”.

Làng Nẻh 1 có 127 hộ với 657 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân đa phần còn khó khăn về kinh tế nên ít quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe. Phụ cấp ít ỏi, chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng không đủ tiền xăng xe, lại tốn kém thời gian nhưng chị Sao vẫn vui vẻ, nhiệt tình với công việc vì nó có ý nghĩa thiết thực, giúp ích người dân trong làng.

Gần 20 năm làm y tế thôn Brếp (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang), ông Đinh Vốt cũng luôn hài lòng với công việc hiện tại của mình. Thôn Brếp có 128 hộ với 535 nhân khẩu. Làm công tác này đã lâu nên ông Vốt thông thuộc từng con đường, góc núi, hộ dân, tình hình sức khỏe từng người. Mỗi lần có chiến dịch tuyên truyền về sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng-chống dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét… ông đều dành thời gian, tâm huyết đi vận động, tuyên truyền và cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bà con trong thôn. Nhờ có ông Vốt mà người dân đã nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe và phòng-chống dịch… Trong thôn, ai cũng đều quý mến và đó là lý do mà ông Vốt gắn bó với công việc, dẫu mức trợ cấp mỗi tháng cho nhân viên y tế thôn làng không nhiều.

Kể về những khó khăn khi tuyên truyền, vận động kế hoạch hóa gia đình, chị A Phan-nhân viên y tế làng Ea Lũh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah), từng là một tuyên truyền viên tích cực, chia sẻ: “Đi tuyên truyền nhiều lúc vất vả lắm. Mình nói thì người vợ ưng cái bụng nhưng về nhà chồng không đồng ý rồi vợ chồng cự cãi, có hôm họ còn đến thẳng nhà mình mắng, thậm chí đòi đánh. Có người đặt vòng rồi nhưng vì chồng không đồng ý lại phải tháo ra… Mình ý thức việc sinh nhiều con là khổ, nhiều gia đình đông con nên thiếu ăn, thiếu mặc. Vì vậy, mình mong muốn chị em, các gia đình trong làng biết kế hoạch, sinh ít con để bớt khổ. Tuy nhiên, buồn là vì có người không hiểu, nói này nói kia khiến mình khổ tâm lắm”.

Vai trò của nhân viên y tế thôn làng vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Họ được ví là cánh tay nối dài của ngành Y tế, là nhân tố then chốt trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp người dân ở các thôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được chăm sóc y tế. Ông Siu Tin-Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Din-cho biết: “Xã Ia Din có 12 thôn làng và đều có nhân viên y tế. Nhờ có đội ngũ này mà công việc của chúng tôi thuận lợi hơn rất nhiều. Nhân viên y tế thôn làng nhiệt tình với công việc, tuyên truyền, vận động người dân phòng-chống dịch bệnh… Đặc biệt, họ nắm cơ sở rất sát, kịp thời thông báo tình hình dịch bệnh ở địa phương, giúp Trạm triển khai công việc khi cần, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan. Công việc nhiều lúc vất vả nhưng mức thù lao cho y tế thôn làng hiện nay chưa tương xứng, vì vậy theo tôi, vấn đề này cần được quan tâm hơn nữa”.

Toàn tỉnh có 2.082 nhân viên y tế thôn, làng. Theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ, mức phụ cấp hàng tháng mà nhân viên y tế thôn, làng được hưởng trong thời gian công tác bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung. Mức 0,5 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, làng tại các xã vùng khó khăn; mức 0,3 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, làng tại các xã còn lại. Như vậy, so với mức lương cơ bản là 1.390.000 đồng hiện nay, nhân viên y tế thôn làng vùng khó khăn nhận được 695.000 đồng/tháng; các thôn làng còn lại là 417.000 đồng/tháng.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm