Nỗi niềm sinh viên sư phạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chưa có số liệu cụ thể nào xác định được mỗi năm có bao nhiêu sinh viên sư phạm ra trường được đi dạy đúng nghề, nhưng chắc chắn con số ấy chẳng đáng bao nhiêu so với số sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm.
Có một thực tế là số ngành sư phạm đào tạo thì nhiều trong khi biên chế mỗi năm của các địa phương chỉ đếm trên đầu ngón tay vì vậy, việc sinh viên ra trường xin được đi dạy đúng chuyên ngành với nhiều người là rất khó.
Ảnh minh họa
Chúng ta thử làm một phép tính đơn giản, năm 2010 ngành giáo dục công dân ở tỉnh Nghệ An tuyển 0 chỉ tiêu, Hà Tĩnh là 0 chỉ tiêu, Quảng Bình là 0 chỉ tiêu, Quảng Trị là 4 chỉ tiêu, Thừa Thiên- Huế 0 chỉ tiêu, Đà Nẵng 0 chỉ tiêu, Gia Lai 4 chỉ tiêu, Đak Lak 4 chỉ tiêu, Ninh Thuận 2 chỉ tiêu…
Trong khi đó, Đại học Vinh, Đại học Quảng Bình, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quy Nhơn, Đại học Đà Lạt… mỗi trường bình quân đào tạo 50 sinh viên chuyên ngành này, chưa kể các sinh viên học hệ cử nhân Triết, cử nhân Chính trị mà các trường đào tạo chỉ cần có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cũng có thể trở thành giáo viên giáo dục công dân, cũng đã lên tới con số hàng trăm.
Vậy sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc sẽ đi đâu? Làm gì? Nếu may mắn thì có thể là công chức một cơ quan nhà nước nào đó hoặc làm nhân viên kinh doanh, tiếp thị ở các doanh nghiệp tư nhân, làm gia sư hoặc “Nam tiến” vào các khu công nghiệp xin làm công nhân…
Tình cờ trong một lần mua hàng, tôi được Mai- bán hàng tạp hóa ở phường Tây Sơn (TP. Pleiku, Gia Lai) nghẹn ngào tâm sự: “Để thực hiện ước mơ của mình, em đã cố gắng rất nhiều, thi mãi lần thứ 3 mới đỗ vào Trường Đại học Sư phạm (Khoa Lịch sử). Gia đình em nghèo lắm, suốt 4 năm đại học ba mẹ em đã phải hy sinh rất nhiều, ai cũng hy vọng em ra trường sẽ đi làm có lương giúp gia đình. Nay ra trường được 3 năm rồi mà chưa một lần nào được đứng lớp, trong khi khoản nợ sinh viên ngày một lớn không biết đến khi nào mới trả xong. Theo bạn bè, em vào Gia Lai bán hàng thuê mỗi tháng cũng tiết kiệm được một ít đỡ đần phần nào cho gia đình. Nhiều lúc đến ngày 20-11 em lại thường khóc một mình!”.
Còn với Hùng- người đã có thâm niên 5 năm làm công nhân trong một khu công nghiệp thì bảo: “Mình sẽ gắn bó với công việc ở đây ít ra còn có đồng ra đồng vào chứ “vác” hồ sơ đi nộp chẳng có nơi nào nhận, mà có nhận cũng chỉ dạy hợp đồng một vài năm rồi lại đi tìm trường khác tiền quà cáp, tiền chạy việc cũng vừa bằng tiền lương”.
May mắn hơn là trường hợp của Nga. Ra trường 2 năm sau, cô xin được đi dạy hợp đồng. Cô học Đại học Sư phạm Ngữ văn nhưng suốt 8 năm qua chỉ dạy hợp đồng ở các trường tiểu học. Nga tâm sự: “8 năm em đã dạy hợp đồng 3 trường, cứ hết hợp đồng nhà trường không ký tiếp thì lại đi tìm trường khác, em chẳng bao giờ dám mơ được vào biên chế”.
Lâu nay, sự nghiệp Giáo dục- Đào tạo luôn được Đảng, Nhà nước xem là quốc sách hàng đầu… Vì vậy, chúng ta cần có chiến lược đào tạo hợp lý, tránh tình trạng thừa “đầu ra” như hiện nay.
Hoàng Thanh

Có thể bạn quan tâm