Vài ngày qua, dư luận vô cùng phẫn nộ trước thông tin một cán bộ Thanh tra Chính phủ đã nhận 400 triệu đồng của gia đình liệt sĩ để lo giải quyết vụ khiếu kiện về đất đai ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thông tin này được đăng tải trên các báo chính thống và được xác nhận bởi chính đại diện Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, ông Hoàng Đức Cần, cán bộ Phòng Hành chính quản trị - Văn phòng Thanh tra Chính phủ, đã nhận của cụ Lê Thị Tích - mẹ liệt sĩ, trú tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc- số tiền 400 triệu đồng để "giải quyết" vụ việc tranh chấp đất đai. Thông tin này không còn là sự đồn đoán mà là sự thật. Một sự thật đến mức tàn nhẫn.
Lâu nay, chuyện người đi khiếu kiện phải chung chi chỗ nọ, chỗ kia vốn râm ran trong xã hội nhưng ít có bằng chứng xác thực. Người đưa thì "tiền mất tật mang", người nhận thì "chối bay chối biến" nên muốn xử lý cũng rất khó.
Lần này thì chứng cứ rõ ràng, có lẽ vị cán bộ nêu trên khó mà thoát được sự trừng phạt của pháp luật. Cán bộ nhận tiền của người khiếu kiện là hành vi phạm pháp, nhận tiền của mẹ liệt sĩ lại càng đáng lên án hơn. Tôi cho đó là hành vi còn hơn cả tội ác. Bởi lẽ, hành vi này đã đi ngược lại chủ trương của Đảng và nhà nước, chà đạp lên pháp luật.
Những năm qua, nhà nước ban hành nhiều chính sách chăm lo cho gia đình liệt sĩ nói riêng, gia đình có công nói chung, mục đích là nhằm bù đắp những hy sinh, mất mát mà người thân của họ đã bỏ xương máu, tính mạng để giành lại độc lập cho dân tộc. Trong lĩnh vực pháp luật, Luật Trợ giúp pháp lý đã quy định gia đình có công là đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí khi họ có việc phải nhờ đến pháp luật can thiệp.
Thanh tra Chính phủ và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng từng có chương trình phối hợp, cử luật sư tư vấn miễn phí cho người dân khiếu kiện tại trụ sở tiếp công dân ở Hà Nội và TP HCM. Lẽ ra, ông Cần là cán bộ Thanh tra Chính phủ thì phải gương mẫu, đứng ra giúp đỡ cụ Tích đòi lại công bằng, công lý; đằng này lại lợi dụng tình trạng khó khăn của cụ để nhận tiền. Rõ ràng, hành vi của ông Cần vừa làm mất uy tín, thanh danh của Thanh tra Chính phủ vừa vi phạm pháp luật. Loại bỏ ông ta ra khỏi ngành và bị xử lý hình sự là việc làm cần thiết và thỏa đáng.
Ở góc độ xã hội, việc người dân phải "chung chi" khi đi tìm công lý là một sự bất ổn, làm đảo lộn các giá trị đạo đức công vụ. Cán bộ nhà nước phải có trách nhiệm thực thi pháp luật đúng đắn, bảo đảm sự công bằng cho người dân đúng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phụng công thủ pháp, chí công vô tư". Thế nhưng, những người như ông Cần lại lợi dụng pháp luật để trục lợi.
Có lẽ không có nỗi đau nào của người dân lớn bằng nỗi đau đi đòi công lý mà phải "lót tay" cho cán bộ. Dân đau, chính quyền mất uy tín. Đó là một sự sĩ nhục vào đạo đức công vụ và sự liêm chính của bộ máy nhà nước. Nhưng có lẽ tình trạng này không phải là duy nhất và cá biệt. Nhiều gia đình phải đổ nợ vì gặp phải loại cán bộ bất lương, trục lợi trên nỗi đau của người dân.
Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm khiết. Điều đó đã được kiểm chứng trong thực tiễn thời gian qua. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những cán bộ vì lòng tham của mình mà làm mất lòng tin của người dân vào chính quyền. Chính loại cán bộ này là những kẻ làm suy yếu chính quyền.
Dư luận rất mong chờ Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ vụ việc nêu trên sang cơ quan công an để xử lý theo pháp luật, làm gương cho những kẻ trục lợi.
Lâm Hoàng (NLĐ)