Thời sự - Bình luận

NÓI THẲNG: Sao lại khoe mẽ trên nỗi đau đồng bào!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau khi cơ quan chức năng công bố sao kê hơn 12.000 danh mục đóng góp giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc, bất ngờ lộ ra không ít người khoe khoang để đánh bóng tên tuổi

Đóng góp giúp đỡ người khác dù là một đồng cũng quý. Và thật tùy tâm, nếu không đóng góp cũng không ai nói gì vì đây là hành động tự nguyện.

Thế nhưng, thật vô cảm và nhẫn tâm khi có người chẳng đóng góp gì nhưng vẫn mạo danh và giả mạo cả những xác nhận của cơ quan chức năng về việc mình đóng góp từ thiện. Nhiều người khác có đóng góp một ít tiền nhưng lại phóng đại lên rất nhiều lần để khoe mẽ trên mạng.

Thật bất ngờ, có người đóng góp 50.000 đồng nhưng lại khoe rằng đã ủng hộ đến 500 triệu đồng. Quá đáng hơn, một người "nổ" rằng mình đóng góp đến 30 tỉ đồng, nhưng hỡi ơi, khi so với tên trên bảng sao kê thì chỉ có… 30.000 đồng.

Nếu những gì trên bảng sao kê là chính xác – mà sao kê chính thức của cơ quan chức năng khó mà sai lệch – thì đây quả là lần lật mặt những kẻ nông cạn chuyên đánh bóng tên tuổi của mình, vốn luôn háo danh trên mạng xã hội.

Thói háo danh hão trên mạng xã hội theo cách này rõ ràng là căn bệnh khó chữa. Nó đang làm lệch hướng dư luận và làm ảnh hưởng những người có tấm lòng chân chính đang cố gắng giúp đỡ những người dân khó khăn vùng lũ.

Họ dửng dưng với hành trình tốt đẹp của bao con người đang thấp thỏm lo âu, tìm kiếm từng món hàng để gửi đến vùng bị thiên tai, dẫu khó khăn cũng không chùn bước. Thói háo danh này nó đã lây lan nhiều và chúng ta không khó gặp trên các nền tảng mạng xã hội.

Tôi vẫn nhớ rõ trong những ngày qua bao con người đang hướng về miền Bắc với lòng lo lắng chân thành. Có thể đó là một vị doanh nhân đóng góp hàng trăm tỉ đồng, một nghệ sĩ gửi đến vùng cao cả tỉ đồng, hoặc một người dùng tiền tiết kiệm bao năm gửi đến cơ quan chức năng nhờ chuyển đến đồng bào nhưng xin được giấu tên. Và một hình ảnh không thể nào quên là một chàng trai khuyết tật bán vé số lẳng lặng đến điểm kêu gọi từ thiện xin được gửi 200.000 đồng. Mưu sinh đối với anh rất khó khăn nhưng anh đã sẵn sàng nhường một phần bữa cơm của mình cho người khác lúc gian nan.

Những tấm lòng nhân ái này đáng quý biết bao và không ai so sánh số tiền đóng góp của từng người nhiều hay ít. Bởi việc làm trên là vượt qua chính bản thân để đưa tay ra với những người đang khốn khó.

Những tật xấu khoe mẽ không phải bây giờ mới có. Trong những đợt từ thiện trước đây đã từng diễn ra và cũng từng bị bốc phốt. Đáng buồn là nó không bị triệt tiêu mà ngày càng thô thiển.

Việc khoe khoang bản thân thì pháp luật không cấm. Nhưng làm một người sống trong xã hội văn minh phải có giới hạn với những giá trị xã hội hiện hữu. Lợi dụng hoàn cảnh của bao người đang đối diện với thiên tai giữa lằn ranh sinh tử để đánh bóng tên tuổi cá nhân là điều không thể chấp nhận.

Mạng xã hội tuy ảo nhưng những tác động đối với xã hội lại rất thật. Những hành vi làm ảnh hưởng đến văn hóa và xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của người dân phải bị loại trừ.

Theo Hiếu Nghi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm