Thời sự - Bình luận

NÓI THẲNG: Tài sản "khủng" của cựu chủ tịch TP Hạ Long ở đâu ra?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với một cán bộ công chức làm công ăn lương, phấn đấu có được căn nhà khang trang là điều không dễ, trong khi cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà có khối tài sản lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Việc cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà bị cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Ninh bắt giam gây chú ý dư luận không phải vì quan chức này rơi vào vòng lao lý mà vì khối tài sản quá lớn.

Theo đó, cựu chủ tịch này ngoài căn biệt thự đang ở được ước đoán có giá gần trăm tỉ đồng cùng dàn cây cảnh độc, lạ và 4 chiếc ô tô đắt tiền, gồm: 1 chiếc SUV hiệu Lexus LX570 có giá từ 8 - 10 tỉ đồng tùy phiên bản; 1 chiếc Lexus ES 250 giá từ 2,6 tỉ đồng; 1 chiếc SUV hiệu Vinfast Lux SA 2.0 giá từ 1,2 tỉ đồng; 1 chiếc Mercedes E 300 giá từ gần 2,9 tỉ đồng.


 

Công an khám xét nhà ông Hà hôm 14-5
Công an khám xét nhà ông Hà hôm 14-5


Việc một quan chức đứng đầu đơn vị hành chính cấp huyện nhưng có khối tài sản trăm tỉ là chuyện động trời. Bởi lẽ, với một cán bộ công chức làm công ăn lương, phấn đấu có được một căn nhà khang trang là điều không dễ, chứ nói gì đến những chiếc xe sang vài tỉ đồng.

Vì vậy, cơ quan chức năng ngoài việc xử lý hành vi của cựu chủ tịch này theo tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” thì cần làm rõ khối tài sản này từ đâu mà có. Nếu tài sản có được một cách chân chính, hợp pháp thì cần thông tin công khai cho công luận được biết. Ngược lại, nếu nó có được từ các nguồn thu nhập không hợp pháp, từ tham nhũng thì cần xử lý nghiêm, tịch thu sung công quỹ theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và các quy định pháp luật liên quan.

Liên quan đến tài sản cán bộ, công chức, khoản 1 điều 33 Luật phòng chống tham nhũng đã quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong việc kê khai tài sản của mình và của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên. Điều 35 Luật phòng chống tham nhũng quy định về các loại tài sản bắt buộc phải kê khai, gồm: quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.

Vậy với khối tài sản khổng lồ này, ông Hà có kê khai hay không? Kê khai thời điểm nào? Các cơ quan quản lý ông Hà có nắm được không? Cơ quan có chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập ở địa phương là Thanh tra cấp tỉnh có kiểm soát được khối tài sản này của ông Hà không? Bởi lẽ theo khoản 2 điều 30 Luật phòng chống tham nhũng 2018, trách nhiệm này của của Thanh tra cấp tỉnh.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần xác minh làm rõ, ngoài khối tài sản này, ông Hà và gia đình còn có những tài sản nào? Nguồn gốc hình thành có hợp pháp hay không, có được kê khai theo quy định?

Từ vụ của ông Hà, nói rộng ra là hiện nay, trên cả nước còn những trường hợp nào tương tự như ông Hà mà chưa bị phát hiện? Cơ quan có thẩm quyền cần làm trong sạch bộ máy. Bởi lẽ, sức hút của đồng tiền bất chính đã làm hư hỏng không ít cán bộ, trong đó có những người giữ những chức vụ cao trong các cơ quan nhà nước.

Thời gian qua, các cơ quan tố tụng đã mạnh tay xử lý nhiều vụ việc nhưng tình trạng cán bộ, công chức tham nhũng vẫn chưa giảm. Mới đây, Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, đã cho chủ trương về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí cấp tỉnh. Đây là một quyết định rất quan trọng trong việc đấu tranh với tình trạng tham nhũng hiện nay.

Vì vậy, để kịp thời phát hiện cán bộ tham nhũng, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của trung ương, thì các cơ quan có chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và những đối tượng thuộc trường hợp bắt buộc phải kê khai tài sản theo Luật phòng chống tham nhũng.

Bài: Lâm Hoàng; Đồ họa: Nguyên Lâm
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm