Thời sự - Bình luận

NÓI THẲNG: Vụ Việt Á - không phải thấy tiền nhiều mới 'dối trên lừa dưới'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi dứt khoát nhận số tiền rất lớn, với tư cách cán bộ trong diện kê khai, chắc chắn trong đầu họ đã tính toán trước việc che giấu phần tài sản dày lên đến bất thường…

Cuối năm 2021, cơn lốc mang tên Việt Á quét vào dư luận những điều rất khó tin khi một số cá nhân từng rổn rảng cam kết sát cánh cùng cộng đồng chống dịch mạnh mẽ hóa ra lại vô cùng tư lợi.

Tháng 8 năm nay, khi sự phẫn nộ chưa lắng thì những đợt sóng mang tên cay đắng và kinh hãi lại bùng lên.

Bị can Nguyễn Thanh Long (trái - được C03 xác định nhận hối lộ hơn 2,2 triệu USD) và Phan Quốc Việt
Bị can Nguyễn Thanh Long (trái - được C03 xác định nhận hối lộ hơn 2,2 triệu USD) và Phan Quốc Việt

Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) chuyển tới VKSND Tối cao phần nào vẽ lên bức tranh của sự xuống cấp trong một bộ phận thẳng thừng chia chác lợi ích, bất chấp những khái niệm đạo đức căn bản nhất.

Theo đó, để phi vụ kit test trôi chảy, Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, đã đưa tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỉ đồng cho một loạt quan chức.

Từ đó, giá kit test cao hơn nhiều lần giá trị thực, tần suất những lần giao dịch bất minh dày đặc, lượng tiền phi pháp được tính bằng triệu đô… là thực tế chua chát không chỉ tạo ra bởi lòng tham mà còn bằng thái độ thiếu liêm sỉ!

Điều này dẫn tới bi kịch trong lúc vùng dịch có những suất cơm 0 đồng thì hàng trăm tỉ đồng liên tục chảy về các địa chỉ dư thừa vật chất mà nghèo nàn trách nhiệm. Trong lúc nhân viên tuyến đầu mệt lả cùng bộ quần áo bảo hộ sũng mồ hôi thì tại một số phòng lạnh nhộn nhịp không khí đi đêm...

Bi kịch về những nghịch lý ấy, đáng tiếc, lại "hợp lý" khi đặt vào nhiều tổng kết trong dân gian: Đục nước béo cò, Thừa nước đục thả câu, Mượn gió bẻ măng...

Đã nhiều ý kiến cho rằng sức mạnh của đồng tiền dễ làm con người tha hóa nhưng nếu đặt ngược vấn đề rằng tha hóa đến trước có lẽ không sai. Bởi khi dứt khoát nhận khơi khơi số tiền rất lớn, với tư cách cán bộ trong diện kê khai, chắc chắn những quan chức ấy đã tính toán việc che giấu phần tài sản dày lên bất thường. Liên hệ với vụ "chuyến bay giải cứu", giả thuyết như vậy càng có cơ sở.

Theo quy trình tố tụng, khi nhận thấy hồ sơ vụ án đã rõ, VKSND truy tố bị can ra trước tòa, tòa xét xử rồi tuyên án. Nghĩa là ngày đền tội của tội phạm đang tới gần và như một thói quen, người dân đã có thể hình dung hình ảnh những mái đầu gục xuống cùng vô số giọt nước mắt rơi tại bục khai báo. Nhưng, sự ăn năn thực sự (nếu có) cũng không thể nào xoa dịu, bù đắp nỗi đau quá lớn từng được những kẻ cơ hội chủ động gây ra cho xã hội.

Chỉ một niềm an ủi dễ nhìn thấy, đó là qua vụ Việt Á, vụ "chuyến bay giải cứu" cùng một loạt các đại án liên quan cán bộ đã, đang và sắp xét xử khác… bộ máy, môi trường làm việc tại nhiều cơ quan, đơn vị chắc chắn "trong" hơn.

Hy vọng là vậy!

Có thể bạn quan tâm