Điểm đến Gia Lai

Nông dân Ia Tô liên kết trồng cây ăn quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đầu năm 2018, 30 hộ dân trồng cây ăn quả tại thôn 6 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã cùng nhau thành lập tổ liên kết trồng cây ăn quả. Từ đây, các hộ đã chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự phát sang tổ chức sản xuất theo quy hoạch nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả ổn định, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Huyện Ia Grai hiện có khoảng 40 ha cây ăn quả. Trong số này, riêng thôn 6 (xã Ia Tô) đã chiếm đến hơn 20 ha gồm các loại: chôm chôm, sầu riêng, bơ, mít... trồng chuyên canh hoặc xen canh trong vườn cà phê. Được trồng trên vùng đất bazan màu mỡ, cây ăn quả nơi đây cho năng suất cao, chất lượng tốt. Tuy nhiên, quá trình sản xuất và tiêu thụ còn thiếu sự liên kết nên sản phẩm làm ra có chất lượng không đồng đều, giá cả không ổn định và hay bị thương lái ép giá. 
 Các thành viên Tổ liên kết sản xuất cây ăn quả xã Ia Tô trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây chôm chôm. Ảnh: G.H
Các thành viên Tổ liên kết sản xuất cây ăn quả xã Ia Tô trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây chôm chôm. Ảnh: G.H
Ông Phạm Quốc Trưởng-Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất cây ăn quả xã Ia Tô-cho biết: Trước thực tế đó, đầu năm 2018, tôi cùng các hộ dân đã thành lập Tổ liên kết sản xuất cây ăn quả của xã. Mục đích là tập trung các hộ dân lại, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm trái cây, tiến tới xây dựng thương hiệu trái cây chất lượng của địa phương.
Sau hơn 1 năm thành lập, đến nay, Tổ liên kết sản xuất cây ăn quả xã Ia Tô đã có 30 thành viên. Các thành viên trong tổ đều nhiệt tình tham gia các hoạt động như: tham quan các vườn cây ăn quả đạt hiệu quả; tập huấn kỹ thuật chăm sóc vườn cây; tìm kiếm sự hỗ trợ kinh phí từ địa phương. Đây cũng là nơi các hộ nông dân chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây trồng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lê Văn Thu (thôn 6, xã Ia Tô) đã trồng cây chôm chôm được 16 năm. Theo ông Thu, so với các loại cây như cà phê, hồ tiêu thì chôm chôm dễ chăm sóc hơn, tiết kiệm công lao động và chi phí đầu tư, lại cho thu hoạch đều đặn. Tuy nhiên, trước đây, việc tìm đầu ra sản phẩm chôm chôm luôn khiến ông lo lắng. Từ khi tham gia Tổ liên kết sản xuất cây ăn quả của xã, ông Thu đã có thể yên tâm sản xuất. “Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, vườn chôm chôm của gia đình tôi cho năng suất cao, chất lượng quả ngon, ngọt, giòn, không dính hạt. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được 8-10 tấn chôm chôm, thu nhập khoảng 150 triệu đồng”-ông Thu cho hay.
Việc xây dựng, nhân rộng mô hình tổ liên kết sản xuất cây ăn quả đang được các cơ quan chức năng của huyện Ia Grai quan tâm. Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: Tổ liên kết sản xuất cây ăn quả xã Ia Tô là mô hình điển hình của huyện để liên kết các hộ nông dân trồng cây ăn quả thành vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu trái cây của huyện. Bước đầu, huyện đăng ký với Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT II (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về tập huấn chuyển giao kỹ thuật giúp tổ liên kết sản xuất hoạt động mạnh hơn. Huyện cũng đang có kế hoạch trích 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp trong chương trình xây dựng và phát triển cây ăn quả để tập trung hỗ trợ Tổ liên kết sản xuất cây ăn quả xã Ia Tô. Đồng thời, khi có nguồn kinh phí 400 triệu đồng từ Hội Nông dân tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ cho các thành viên trong tổ vay vốn, chuyển giao kỹ thuật, mở rộng mô hình phát triển cây ăn quả, đảm bảo người dân sản xuất ra các sản phẩm xanh, sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường.
GIA HÂN

Có thể bạn quan tâm