Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân phá mía để trồng mì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Niên vụ 2017-2018, nhiều nông dân trồng mía thất thu, trong khi đa số người trồng mì lại trúng đậm nhờ giá mì lên cao. Vì thế gần đây, ở vùng Đông Nam tỉnh, hàng trăm hộ nông dân đã phá mía để trồng mì.

Phá mía, trồng mì

Ông Phạm Văn Ba (buôn Sô Ma Rương, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) vừa phá bỏ 28 ha mía để trồng mì. Đây là diện tích mía không ký hợp đồng nhận đầu tư và bán cho Nhà máy Đường Ayun Pa nên vụ thu hoạch này, Nhà máy từ chối mua mía của ông. “Xót của, tôi chạy vạy ngược xuôi tìm mối bán nhưng cũng chỉ bán cho tư thương được một ít. Giá bán chỉ có 350.000 đồng/tấn mía cây, trong khi công chặt đã mất 250.000 đồng/tấn, trừ chi phí tiền giống, phân bón, công cày đất, làm cỏ… thì lỗ khoảng hơn 10 triệu đồng/ha. Hiện tại, ở vùng Phú Yên và Đông Nam Gia Lai đã bước sang đầu mùa mưa, người dân đang vào vụ trồng mì nên công chặt mía cao và khan hiếm. Vì thế, tôi đành cho người dân tự chặt khoảng 6-7 ha, phần còn lại chặt đốt bỏ để trồng mì”-ông Ba cho hay.

 

Diện tích mì ở vùng Đông Nam tỉnh tăng mạnh. Ảnh: Đ.P
Diện tích mì ở vùng Đông Nam tỉnh tăng mạnh. Ảnh: Đ.P

Theo ông Đỗ Hồng Sơn-Chủ tịch UBND xã Ia Peng, trên địa bàn xã có khoảng 40-50 ha mía không ký hợp đồng nhận đầu tư và bán cho Nhà máy Đường Ayun Pa. Vừa qua, có một số hộ đã tự đốt bỏ diện tích mía của mình, một số bán cho nhà máy khác với giá thấp vớt vát tiền đầu tư, nhưng vì công chặt mía cao và khan hiếm nên nhiều bà con trồng mía chịu lỗ nặng. Nhiều hộ trồng mía có hợp đồng đầu tư thu mua với Nhà máy Đường Ayun Pa nhưng đến nay vẫn chưa được lệnh chặt nên họ rất băn khoăn, lo lắng vì mía đã già, khô trổ cờ làm giảm chữ đường, dẫn đến giảm lợi nhuận. “Vì thế, nhiều hộ trồng mía, nhất là hộ có mía năm 3, năm 4 đang băn khoăn cân nhắc việc phá mía để trồng mì”-ông Sơn cho hay.

Nguy cơ vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng

Niên vụ mía 2017-2018, huyện Phú Thiện có khoảng 1.500 ha mía không có hợp đồng đầu tư, thu mua với Nhà máy Đường Ayun Pa (thuộc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai). Vì thế, Nhà máy không thu mua. Điều này buộc hàng trăm nông dân đắng lòng chấp nhận phá bỏ mía để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, cho hay, nhiều nông dân chấp nhận phá mía để chuyển sang trồng mì vì trồng mía thua lỗ nặng mà trồng mì lại được mùa, được giá. Hiện tại, giá mì tươi dao động ở mức 3.500 đồng/kg, mì khô là 5.000 đồng/kg. Vụ thu hoạch vừa qua, toàn huyện Phú Thiện có 1.200 ha mì. Nhiều hộ trồng mì trúng đậm từ 25 triệu đồng đến 35 triệu đồng/ha. Hiện tại, dù chưa thống kê được con số cụ thể, tuy nhiên, khả năng mở rộng diện tích mì của địa phương là rất lớn. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các xã, thị trấn vận động người dân thận trọng không phá mía để trồng mì. “Thế nhưng, vì giá cả đầu ra của nông sản bấp bênh, chúng ta không có chính sách căn cơ hỗ trợ nông dân nên rất khó ràng buộc người dân không phá mía để chuyển sang trồng mì”-ông Quý nói

Tương tự, tại huyện Ia Pa, ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho hay, vụ thu hoạch vừa qua, huyện có 7.000 ha mì. Hiện tại, bà con đang xuống giống mì vụ tới. Ước tính, khả năng diện tích mì của huyện sẽ tăng lên khoảng 8.500 ha. Trong đó, chủ yếu là diện tích người dân tự chuyển đổi cây trồng, phá rẫy mía để trồng mì (mía ngoài hợp đồng với nhà máy và mía năm 4 kém hiệu quả, mía bị trắng lá trên 60% diện tích…).

“Không ai dám chắc là sang năm mì vẫn giữ được giá cao như năm nay, hay nông dân lại bị cuốn vào vòng xoáy được mùa mất giá, được giá  mất mùa... Vì thế, Huyện ủy, UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã vận động người dân không phá mía để trồng mì và không tăng diện tích mì hiện có bởi trồng mì sẽ gây thoái hóa, làm đất bạc màu; đồng thời ngăn chặn nguy cơ phá rừng, phát rẫy lấy đất trồng mì, tránh phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng”-ông Hùng nói.

Trước thực tế giá mía xuống thấp cùng với dự báo kém sáng sủa của ngành mía đường trong tương lai, trong khi giá mì tăng cao đã khiến người nông dân sẵn sàng chấp nhận phiêu lưu phá mía để trồng mì. Về mặt quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, điều này cho thấy, chính quyền và ngành chuyên môn vẫn chưa có chính sách căn cơ, dài hơi để giúp nông dân ổn định sản xuất, ổn định đầu ra cho nông sản nhằm hướng đến một nền sản xuất bền vững.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm