Một trong những thành công nổi bật của các tỉnh Tây Nguyên trong năm 2023 là đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ trang trại, nông hộ, hợp tác xã tiếp cận thông tin, kết nối thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa chủ lực truyền thống của địa phương.
Bên cạnh đó, giá xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, hạt điều... có xu hướng tăng sau chu kỳ dài; một số doanh nghiệp xuất khẩu đã chinh phục thành công những thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, New Zealand. Đây là tiền đề quan trọng để nông nghiệp Tây Nguyên tiếp tục hội nhập, phát triển.
Những kết quả ấn tượng
Với những lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, Tây Nguyên đã phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn của cả nước. Cà phê trở thành cây công nghiệp chủ lực của Tây Nguyên với gần 610.000 ha, chiếm 90% diện tích cà phê cả nước. Tây Nguyên cũng là vùng trồng cao su lớn thứ 2 sau Đông Nam Bộ với hơn 250.000 ha, chiếm 26% diện tích cả nước. Các loại cây trồng khác như: hồ tiêu 90.000 ha (chiếm hơn 60%), điều 83.000 ha (chiếm 28%).
Dù canh tác sau nhưng Tây Nguyên đã nhanh chóng vươn lên dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng với gần 70.000 ha, tăng liên tục từ năm 2010 đến nay. Diện tích trồng các loại dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… cũng đang phát triển nhanh để hình thành các vùng dược liệu tập trung.
Người dân thị trấn Chư Ty thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Năm 2023, sầu riêng là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, chiếm tỷ trọng 51% trong nhóm rau quả của Việt Nam. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, 94% là hàng tươi được xuất đi 8 nước trên thế giới. Trung Quốc là thị trường lớn nhất tiêu thụ sầu riêng Việt Nam với thị phần chiếm 97%, đạt gần 1,9 tỷ USD.
Mặc dù sầu riêng Thái Lan đã chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc trong nhiều năm nhưng năm 2023, quốc gia tỷ dân này đã mở cửa chính ngạch cho các sản phẩm từ Việt Nam. Chính quyền tỉnh Quảng Tây đã xây dựng trung tâm dịch vụ logistics tạo thuận lợi cho quá trình nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Điều này cho thấy nhu cầu của thị trường Trung Quốc với sản phẩm sầu riêng nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung rất triển vọng và thuận lợi. Đây là cơ hội giúp doanh nghiệp và nông dân Tây Nguyên mở rộng sản xuất, ổn định thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Năm 2023, Gia Lai có 48.416 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến. Toàn tỉnh có hơn 255.000 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO, chiếm 43,1% tổng diện tích gieo trồng.
Tỉnh đã được cấp 209 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.281 ha và 33 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói 1.345-1.495 tấn quả tươi/ngày; có 589 nhãn hiệu hàng hóa nông sản đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ; có 311 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hàng nông sản của tỉnh đã xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Mỹ…
Sở Công thương đã xây dựng kịch bản làm clip cho từng sản phẩm chủ lực của tỉnh để giới thiệu, làm việc với tham tán thương mại, doanh nghiệp, các hiệp hội, nhà ga, sân bay, các khu thương mại và tham gia hội thảo về hợp tác phát triển thương mại, logistics với các nước.
Nhiều chủ thể sản xuất các sản phẩm hồ tiêu, cà phê, mật ong, hạt điều, chanh dây, bò khô, rượu đinh lăng… được quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thị trường mới. Đó là thành công rất quan trọng mở ra cơ hội để xuất khẩu.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 680 triệu USD, trong đó, gần 80% là nông sản. Cà phê tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Gia Lai với sản lượng 240.000 tấn, kim ngạch đạt 490 triệu USD (tăng 1,27% về lượng, tăng 4,26% về giá trị so với năm 2022).
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do. Nông sản Việt Nam đã tiếp cận hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu. Trong đó, sầu riêng hiện có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp mã số.
Tin vui trong năm 2023 là Việt Nam đã ký 5 nghị định thư xuất khẩu chính ngạch chanh dây, sầu riêng, măng cụt, tổ yến sào và chuối sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, sau 5 năm đàm phán, ngày 16-11-2023, sản phẩm tổ yến Việt Nam đầu tiên đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sự kiện này mở ra cơ hội cho một trong những sản phẩm có giá trị rất cao của ngành chăn nuôi Việt Nam bước vào thị trường tỷ dân.
Thích ứng để phát triển
Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng thị trường thế giới sẽ tăng tại một số nước khu vực EU. Mỹ là thị trường có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng hàng hóa nhưng năm 2023, Việt Nam cũng đã xuất khẩu sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đạt khoảng 13 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của nước ta ra toàn thế giới.
Tuy nhiên, con số này mới chỉ chiếm khoảng 6,7% giá trị nhập khẩu nông-lâm-thủy sản của Mỹ. Do vậy, cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ còn rất lớn với các mặt hàng như: cà phê, hạt điều, hồ tiêu, rau quả.
Nông dân thu hoạch cà phê. Ảnh: Vũ Thảo |
Bước sang năm 2024, cùng với việc đón nhận cơ hội mới, các tỉnh Tây Nguyên nói riêng cũng phải đối mặt với thách thức mới đang đặt ra. Đó là tình trạng sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ, khả năng liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến vẫn còn hạn chế. Mặt khác, do tư duy chạy theo lợi nhuận đơn thuần nên ẩn chứa và dễ phát sinh nhiều rủi ro, thiếu bền vững và có thể gây nhiều hệ lụy khó lường.
Để tận dụng cơ hội, “biến nguy thành cơ”, Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đang tích cực phối hợp với các địa phương và cơ quan truyền thông truyền tải kịp thời thông tin đến người dân, doanh nghiệp biết. Từ đó, người dân, doanh nghiệp tận dụng cơ hội, phát triển mở rộng sản xuất theo đúng quy hoạch, kế hoạch, khắc phục các tồn tại, hạn chế để tránh rủi ro, tạo uy tín trong sản xuất kinh doanh.
Vấn đề quan trọng là khâu tổ chức thực hiện, cần thành lập các hiệp hội ngành hàng như hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp và trang trại các địa phương, hiệp hội yến sào, cà phê, mắc ca, sầu riêng, chanh dây, sinh vật cảnh, dược liệu… để cùng nhau có tiếng nói chung, kết nối sản xuất với thị trường theo phương châm “Muốn đi xa phải đi cùng nhau”.
Hiệp hội sẽ truyền tải các thông tin đến người dân, cơ sở sản xuất thực hiện tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký cấp mã số vùng trồng, mã định danh… để hàng hóa sản xuất ra và giao thương được thuận lợi, không bị rủi ro, thiệt hại.
Việc duy trì các sản phẩm OCOP với diện tích, sản lượng ổn định, ký kết thực hiện các hợp đồng với số lượng lớn cũng là một giải pháp để các doanh nghiệp Tây Nguyên vươn xa, hội nhập quốc tế, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, góp phần để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo đủ năng lực tài chính, kỹ thuật, quản trị, am hiểu pháp lý để tổ chức kết nối sản xuất, hỗ trợ nông dân sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết, hợp tác đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, có thị trường ổn định.