Bạn đọc

"Nốt trầm" trong nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Số vụ và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) đã được kéo giảm, nhưng số người chết lại tăng lên. Đó là vấn đề rất đáng quan ngại của tỉnh Gia Lai trong thời gian qua.

Ẩn họa tai nạn giao thông trên quốc lộ

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 6 tuyến quốc lộ gồm: 14, 14C, 19, 19D, 25 và đường Trường Sơn Đông với tổng chiều dài trên 765 km. Trong những năm qua, hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư để làm mới, nâng cấp và mở rộng các tuyến quốc lộ, góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trái ngược với sự hoàn thiện của hạ tầng giao thông thì trong 9 tháng của năm 2017, tình hình TNGT trên các tuyến quốc lộ diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiềm chế, kéo giảm TNGT của tỉnh.

 

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Chư Sê ngày 7-5-2017. Ảnh: L.A
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Chư Sê ngày 7-5-2017.

Theo đó, 9 tháng qua, trên các tuyến quốc lộ đã xảy ra hơn 150 vụ TNGT, chiếm hơn 50% số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh; làm chết 102 người, chiếm hơn 58% số người chết; làm bị thương 198 người, chiếm gần 54% số người bị thương do TNGT. Trong số đó, nhiều đoạn, tuyến có số vụ, số người chết và bị thương tăng vọt. Cụ thể, đoạn TP. Pleiku-Chư Sê (quốc lộ 14) xảy ra 15 vụ TNGT, làm chết 22 người và bị thương 40 người; so với cùng kỳ năm 2016 tăng 15,38% số vụ, tăng 266,67% số người chết và tăng 135,29% số người bị thương. Đoạn TP. Pleiku-Mang Yang (quốc lộ 19) xảy ra 17 vụ, làm chết 14 người và bị thương 37 người; so với cùng kỳ năm 2016 giảm 10,53% số vụ nhưng tăng 55,56% số người chết và tăng 105,56% số người bị thương.

Đường Trường Sơn Đông xảy ra 16 vụ, làm chết 8 người và bị thương 23 người; so với cùng kỳ năm 2016 tăng 14,29% số vụ, tăng 14,29% số người chết và tăng 21,05% số người bị thương... Trong 8 địa phương có số người chết do TNGT tăng thì đều có tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn gồm: Mang Yang tăng 11 người, Chư Sê tăng 17 người, Chư Prông tăng 10 người, Đak Đoa tăng 5 người, An Khê tăng 2 người, Ia Pa tăng 2 người, Krông Pa tăng 1 người và TP. Pleiku tăng 1 người.

Ngoài ra, trong 10 vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng và 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng có đến 90% xảy ra trên các tuyến quốc lộ. Điển hình như vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ 14, đoạn qua địa phận huyện Chư Sê vào ngày 7-5 làm 13 người chết, 32 người bị thương. Vụ tai nạn giao thông vào ngày 18-3 trên quốc lộ 19, đoạn qua huyện Mang Yang, làm 3 người chết, 16 người bị thương.

Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai, cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến TNGT là do tài xế điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường, lấn đường; không chú ý quan sát; tránh vượt sai quy định; vi phạm tốc độ; sử dụng rượu, bia; phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật… Các vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đa phần liên quan đến ô tô, đặc biệt là xe tải và xe khách. Chính vì vậy, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát của cơ quan chức năng thì cần có giải pháp đầu tư công nghệ quản lý chặt chẽ hơn đối với người điều khiển phương tiện”.

Tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số ở mức cao

Theo đánh giá của Ban An toàn Giao thông tỉnh, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ trọng lớn. Tình trạng người DTTS sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật còn phổ biến. Ngoài ra, một bộ phận người DTTS thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ. Trong 9 tháng qua, TNGT liên quan đến người DTTS là 114 vụ, chiếm hơn 38% số vụ TNGT; làm chết 57 người, chiếm hơn 32% số người chết; làm bị thương 107 người, chiếm gần 29% số người bị thương. Ngoài ra, trong 14 vụ TNGT liên quan đến xe công nông thì có đến hơn 70% liên quan đến người DTTS.

Theo Ban An toàn Giao thông tỉnh, TNGT liên quan đến người DTTS chiếm tỷ trọng lớn còn do một số nguyên nhân khác như: cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra; chưa triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp kéo giảm TNGT bền vững; chưa quan tâm chỉ đạo Công an xã và lực lượng tự quản ATGT tổ chức hoạt động giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở địa bàn cơ sở. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn mang tính hình thức. Cùng với đó, công tác quản lý máy kéo nhỏ, xe máy phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp còn bất cập, lúng túng. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng có thời điểm còn thiếu quyết liệt, chưa khép kín địa bàn; chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng thanh-thiếu niên càn quấy chạy xe mô tô tốc độ cao, lạng lách, đánh võng.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm