Phóng sự - Ký sự

Nữ quân nhân Tây Nguyên 4 lần vinh dự gặp Đại tướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ở tuổi 103, những người con của đất nước Việt Nam không ai là không tỏ lòng thương tiếc dù biết rằng thế nào rồi cũng đến ngày này. Bà Rơ Châm H’Yéo (63 tuổi)- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai cũng như vậy, bà bần thần như vừa mất đi một cái gì đó rất quý báu.

Nước mắt chực tràn khi bà H’Yéo nhớ lại những kỷ niệm trong những lần được gặp Đại tướng. Ảnh: Ngọc Linh
Nước mắt chực tràn khi bà H’Yéo nhớ lại những kỷ niệm trong những lần được gặp Đại tướng. Ảnh: Ngọc Linh

Bà H’Yéo nói rằng, cuộc đời bà rất vinh dự khi được đến 4 lần gặp, trò chuyện cùng người đã đánh bại 10 Đại tướng của Pháp, 4 Đại tướng của Mỹ, được cả thế giới vinh danh. Những lời dặn của Đại tướng lúc này như hiện về rõ mồn một, bà H’Yéo nói rằng bà hầu như không quên lời nào.

“Do bận việc nên vào ngày 5-10, tôi có nghe phong thanh rằng Đại tướng đã ra đi, song tôi không tin bởi Đại tướng luôn được chăm sóc chu đáo nhất và mới đây thôi tôi còn thấy người trên truyền hình mà. Dù không tin nhưng đêm hôm đó người tôi cứ có cảm giác là lạ như vừa mất đi thứ gì đó quý báu, không thể ngủ được. Sáng hôm sau, cầm một tờ báo, tay chân tôi chợt bủn rủn, Đại tướng đã đi thật rồi”- bà cựu chiến binh bồi hồi nhớ lại giây phút ấy.

Tình cảm đặc biệt dạt dào của bà H’Yéo đối với Đại tướng cũng như bao người con đất Việt khác, song ngoài ra còn là tình đồng chí giữa người lính đối với thượng cấp, bởi vì bà từng là chiến sĩ tham gia kháng chiến chống giặc dưới sự tổng chỉ huy của người. Trong chiến tranh, gia đình bà có đến 12 người bị giặc giết do đó từ nhỏ máu căm thù giặc trong bà đã sôi sục, bà tham gia cách mạng từ năm 1967.

Sau khi đất nước thống nhất, bà vẫn tiếp tục công tác trong quân ngũ với hàm sĩ quan. Đến năm 1977, bà nhận quyết định tăng cường về làm công tác dân vận ở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai-Kon Tum lúc bấy giờ. Lần đầu tiên bà có vinh dự gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vào năm 1980, lúc này Người cùng Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thăm Tây Nguyên. “Lúc đó tôi được bắt tay Đại tướng đấy, một bàn tay rất ấm áp, chan chứa tình cảm. Lúc tháp tùng Đại tướng đi thăm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai-Kon Tum, người đã dặn dò cán bộ chiến sĩ ở đây rằng: “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi làng là một pháo đài. Chúng ta muốn bảo vệ tốt thì phải trồng cây để che tầm ngắm của quân thù, để ngụy trang xe, ngụy trang quân chủ lực… Những lời dặn của Đại tướng, là người lính, suốt đời tôi không thể nào quên”- bà H’Yéo xúc động nhớ lại.

 

Đại tướng thăm Trường dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai.
Đại tướng thăm Trường dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai.

Lần thứ 2 bà H’Yéo gặp Đại tướng nhân dịp ra Hà Nội dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ V với tư cách là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Lần thứ 3 là vào năm 1989, lúc này Đại tướng trực tiếp đến tận Cửa khẩu Lệ Thanh (nay là Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) để đón các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trở về nước sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia chống lại kẻ thù diệt chủng Pôn Pốt. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum, Đại tướng đã tâm huyết dặn dò: “Tây Nguyên phải phát huy truyền thống quê hương Anh hùng Núp là bất khuất, kiên cường. Ta đã đánh thắng giặc Pháp, thắng Mỹ, đánh thắng biên giới phía Bắc, biên giới phía Nam, tất cả đều nhờ vào tinh thần đoàn kết. Do đó, dân tộc ta phải thực hiện theo như thư của Bác Hồ gửi đồng bào Tây Nguyên, đó là phải đoàn kết Kinh- Thượng, đoàn kết lương-giáo…”.

Lần thứ tư bà H’Yéo được gặp người là vào năm 1998 tại Hà Nội, đấy là dịp kỷ niệm 30 năm chiến dịch Mậu Thân (1968-1998), lần này vô cùng ý nghĩa bởi bà được trò chuyện cùng đại tướng. Người đã bước nhẹ đến bên, vỗ vai tôi hỏi một câu hết sức giản dị: Đồng chí quê ở đâu? Tôi kính cẩn đáp rằng: dạ tôi quê ở Gia Lai ạ! Đại tướng ồ lên: Gia Lai-Kon Tum hả, tôi đến đó rồi.

Trước đây đồng chí làm gì? Tôi tiếp tục trả lời: Thưa, tôi làm bộ đội địa phương, từng tham gia chiến dịch Mậu Thân. Sau một hồi hỏi han chuyện quê nhà, gia đình, Đại tướng căn dặn: Tham gia chiến dịch này nữ quân nhân thì nhiều, nhưng nữ quân nhân là người dân tộc thiểu số như cô rất ít. Cô cố gắng làm thật nhiều việc có ích cho đồng bào mình, cố giải thích cho đồng bào hiểu về chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng. Cố gắng cổ vũ người phụ nữ để họ làm ra nhiều lúa gạo, nhiều cà phê, tiêu… làm sao cho đồng bào mình bớt khó khăn hơn, con em người dân tộc thiểu số phải biết cái chữ để biết thế giới như thế nào…

Đồng bào Tây Nguyên lúc bấy giờ rất ít người biết chữ, biết tiếng Việt. Giờ đây, đã có nhiều người đỗ đạt thành tài đang cống hiến cho quê hương song những lời của Đại tướng như đã khắc sâu trong tâm khảm người cựu nữ quân nhân. Bà luôn thầm cảm phục bởi dù thời gian có trôi qua thật nhanh song Người vẫn luôn quan tâm đến đồng bào Tây Nguyên, vẫn luôn đau đáu về mảnh đất mà thầy của Người (Bác Hồ) vẫn chưa từng một lần đặt chân đến và vẫn luôn áy náy cho đến lúc đi xa.

Chính vì vẫn đau đáu về lời dặn dò của Người mà cho đến nay, dù đã bước sang cái tuổi mà ông bà ta bảo là hưởng thọ, song cái chân của bà H’Yéo vẫn còn thoăn thoắt đi về các buôn làng xa xôi hẻo lánh vận động bà con tăng gia sản xuất, nuôi con em học hành để hiểu biết thế giới, bà coi đó như là di nguyện. “Cây Kơ-nia rồi cũng đến lúc phải khô rồi chết, phải chấp nhận điều này bởi nó là quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, tinh thần, ý chí, sự quan tâm, tình cảm bao la của Đại tướng thì vẫn mãi sống trong lòng người dân Tây Nguyên, trong đó có tôi”- bà H’Yéo bộc bạch.

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm