Xã hội

Gia đình

Nước mắt phân ly

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những giọt nước mắt trong trẻo, thơ ngây của 2 đứa con cũng không thể cứu vãn xung đột của cha mẹ mình.
Vừa bước vào cổng tòa án, nhiều người ái ngại khi trông thấy hai đứa trẻ ngồi thu lu trên ghế đá. Bé trai (3 tuổi) rấm rứt khóc, nằng nặc đòi vào phòng xử án ở gần đó với ba mẹ. Bé gái (12 tuổi) cuống quýt dỗ dành em.
Trong phòng xử, phiên tòa sơ thẩm vụ ly hôn giữa cha mẹ chúng vừa mới bắt đầu.
Hai đứa trẻ trong sân tòa
Sân tòa vắng tanh. Ánh nắng gay gắt chiếu xuống khiến không gian càng thêm ngột ngạt. Hai chị em ngồi đó, mồ hôi nhễ nhại. Do còn quá nhỏ nên bé trai chưa thể hiểu chuyện gì đang diễn ra. Chỉ là ngồi ngoài nóng nực nên nó khóc ngằn ngặt, nhất quyết đòi vào chơi với ba mẹ. Con chị không biết làm thế nào dỗ em, đành khóc theo.
"Con nghe bà nội nói nếu ba mẹ không ở với nhau nữa thì một đứa sống với ba, một đứa theo mẹ. Mỗi tháng, 2 chị em sẽ gặp nhau một lần thôi. Con không muốn xa em, không muốn chuyển đi chỗ khác. Con lo quá!" - bé gái nói trong tiếng khóc.
Em trai tưởng mình không nghe lời khiến chị buồn nên nín khóc. Ánh nhìn trong trẻo vương đầy nước mắt của 2 đứa trẻ khiến những người qua lại ái ngại, xót xa.
Theo lời bé gái, gia đình em ở trọ trong một KCN tại TP HCM. Cha mẹ em đều là công nhân. Ngày xưa, dù gia đình không khá giả nhưng rất đầm ấm. Cuối tuần, ba mẹ hay đưa bé đi chơi công viên hoặc siêu thị. Từ khi mẹ sinh em trai, ba và ông bà nội thêm vui vẻ. Vậy mà, cách đây không lâu, dù ba mẹ không nói nhưng bé cảm nhận rõ gia đình không như xưa nữa. Số lần đi công viên, siêu thị ngày càng ít. Ba ân cần, chiều chuộng 2 con nhưng hời hợt với mẹ. Ba thường đi sớm, về trễ. Nhiều lần đi học về, bé nghe thấy tiếng ba mẹ cãi vã.
Đến lúc ngồi đợi ba mẹ trong sân tòa, 2 đứa trẻ vẫn chưa hiểu rõ vì sao gia đình tan vỡ…
Minh họa: KHỀU
Minh họa: KHỀU
Con thơ chịu cảnh chia ly
Tại phòng xử, đôi vợ chồng này đang tranh cãi kịch liệt. Họ quên là mình cần vì con nhưng đều muốn giành quyền nuôi nấng 2 đứa. Người chồng đâm đơn ly hôn với lý do vợ chồng phát sinh nhiều bất đồng trong cuộc sống. Tại tòa, anh giữ nguyên yêu cầu ly hôn và đề nghị tòa án chấp thuận việc mình nuôi dưỡng 2 con.
"Là lao động chính trong gia đình, tôi bận rộn kiếm tiền nuôi con. Từ khi sinh con thứ 2, cô ấy thay đổi hẳn. Mỗi lần tôi tăng ca hay đi làm thêm về khuya là cô ấy ngờ vực, nói xa nói gần tôi chê cô ấy già nên không muốn về nhà. Nay, con trai tròn 3 tuổi mà cô ấy không thay đổi. Tôi không muốn con lớn lên với người suy nghĩ cực đoan như thế" - người chồng quả quyết.
Người vợ phủ nhận những chỉ trích mà chồng mình vừa nói. Chị cho rằng mình nghi ngờ có căn cứ. Bởi trong thời gian nghỉ thai sản, chị nghe mọi người trong khu trọ xầm xì, bàn tán anh có "phòng nhì". Theo chị, người chồng nói làm thêm việc để lo cho con nhưng tiền hằng tháng anh đưa không hơn lúc trước là bao. Chị chấp nhận ly hôn vì cảm thấy vợ chồng hết tình cảm. Song, chị đề nghị tòa án giao 2 con cho mình chăm sóc và yêu cầu anh cấp dưỡng 6 triệu đồng/tháng.
Chủ tọa phiên tòa nhiều lần khuyên nhủ 2 người suy xét thấu đáo để con trẻ không thiệt thòi. Ông nói: "Anh chị như thế thì 2 đứa bé sẽ khổ. Dù sao, chúng tôi mong anh chị hãy làm những việc tốt nhất cho con mình".
Tuy vậy, 2 bên vẫn không ngừng đưa ra nhiều lý do bảo vệ ý định. Những nghi kỵ của người vợ không vì lời khuyên của chủ tọa mà giảm bớt. Ý chồng chê trách vợ càng gay gắt hơn trong không gian lạnh lẽo của tòa. Hai đương sự khăng khăng là mâu thuẫn gia đình không thể vãn hồi, mong tòa đồng ý đề nghị ly hôn.
Cơ quan xét xử thuận tình. HĐXX giao người cha chăm sóc con gái, người mẹ nuôi con trai.
Ra khỏi phòng xử, hai đương sự cho biết họ sẽ tiếp tục giành quyền nuôi đứa con còn lại.
Nghe tin 2 chị em sẽ không sống cùng nhau nữa, bé gái khóc lớn. Nếu người lớn không ngăn, cô bé đã chạy vào bên trong van xin thẩm phán giúp gia đình mình. Tới lúc theo cha ra xe về nhà, cô bé vẫn không ngừng rơi nước mắt. Những giọt nước mắt giàn giụa đó rồi cũng nhanh chóng mất đi sau mấy cái lau quẹt vội của cô bé khi chiếc xe lao đi. Chỉ có niềm đau âm ỉ vẫn theo em suốt quãng đường dài...
HĐXX nhận thấy người chồng có khả năng kinh tế nuôi nấng 2 con hơn người vợ. Tuy nhiên, bé trai còn quá nhỏ nên cần mẹ chăm sóc. Vì vậy, HĐXX phán quyết mỗi người nuôi 1 con. Ngoài ra, người cha đồng ý cấp dưỡng 3 triệu đồng/tháng cho con trai.
DI LÂM (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm