Kinh tế

Nông nghiệp

Nuôi gia cầm an toàn theo chuỗi, nông dân bớt rủi ro, tăng lợi nhuận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong 10 năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai 28 dự án và nhiệm vụ khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm với 11.431 hộ tham gia. Thông qua đó, nông dân được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, nhờ đó tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 15% so với chăn nuôi đại trà.

Đó là thông tin tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: "Giải pháp chăn nuôi gia cầm an toàn theo chuỗi giá trị", do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Bình Phước tổ chức mới đây.

Chăn nuôi gia cầm có bước phát triển "nhảy vọt"

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), những năm qua, chăn nuôi gia cầm đã có những bước phát triển mạnh cả về quy mô và sản lượng, gần đây có thể coi là một bước nhảy vọt từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, tự phát chuyển thành chăn nuôi tập trung với quy mô lớn hơn.

Năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, cho lợi nhuận ngày càng nhiều. Về mặt xã hội, chăn nuôi gia cầm đã có vị thế mới, góp phần làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu các ngành sản xuất trong nông nghiệp và xoá đói giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân Việt Nam.


 

Mô hình nuôi gà an toàn sinh học ứng dụng công nghệ chuống lạnh khép kín tại trang trại gà Thuỳ Thảo thuộc Tập đoàn Hùng Nhơn (tỉnh Bình Phước). Ảnh: Tư liệu
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác nuôi gà gia công giữa ông Lê Đình Công - Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Bình Phước và đại diện nông dân nuôi gà Bình Phước.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 1/1/2020 đàn gia cầm cả nước là 481 triệu con, trong đó có 382 triệu con gà, chiếm 79,5% và 98 triệu con thủy cầm, chiếm 20,5%. Trong tổng đàn gà thì gà thịt chiếm 79,9%, gà đẻ chiếm 21,1%.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng đàn gia cầm có tốc độ tăng trưởng 10,10%/năm; đàn gà tăng trưởng 11,53%, trong đó gà thịt tăng 12,90%, gà đẻ tăng 6,77%; đàn thủy cầm tăng 5,25%, trong đó thủy cầm thịt tăng 4,65%, thủy cầm đẻ trứng tăng 6,94%.

Thời gian qua, trước những bất lợi về biến động giá cả, dịch bệnh xảy ra thường xuyên và phức tạp, các trang trại chăn nuôi đã liên kết nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất như: Hỗ trợ vốn sản xuất; mua vật tư đầu vào khối lượng lớn và giá rẻ; gắn chăn nuôi với giết mổ, chế biến và tiêu thụ, hình thành chuỗi sản phẩm, qua đó giảm giá thành chăn nuôi, tăng lợi nhuận so với làm ăn riêng lẻ.

Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi, quá trình phát triển chăn nuôi theo chuỗi hiện nay đang bộc lộ nhiều tồn tại, các chế tài ràng buộc sự liên kết còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, mới dừng ở mức độ mô hình là chính. Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi - đây là lý do khiến cho mối liên kết thiếu tính bền vững.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ vẫn rất bấp bênh, phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá bán sản phẩm bị đẩy lên cao, nhất là người chăn nuôi nhỏ thường bị "cò" môi giới, tư thương ép giá. Việc khai thác thị trường xuất khẩu còn yếu do chưa xây dựng được các vùng chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới…

Theo TS Nguyễn Văn Bắc - Phó Trưởng Văn phòng thường trực khu vực Nam Bộ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, để khắc phục những tồn tại này, một trong những giải pháp căn cơ là phải đẩy mạnh chăn nuôi theo chuỗi liên kết, gồm liên kết ngang và liên kết dọc.

 


"Trung tâm Khuyến nông quốc gia cam kết tiếp tục phối hợp với các trung tâm khuyến nông địa phương xây dựng và tổ chức diễn đàn, lớp tập huấn, dự án về chăn nuôi gia cầm".

TS Hạ Thúy Hạnh

Trong đó, chuỗi liên kết dọc có cấp độ cao hơn, là sự liên kết của các tác nhân tham gia vào các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm, bao gồm từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm mà doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, quyết định sự thành công của chuỗi liên kết.

Liên kết dọc do nhiều chủ thể (doanh nghiệp, HTX, hộ...) hiện khá phổ biến, vừa đáp ứng được mục đích kinh tế vừa đạt mục tiêu xã hội, nhất là sinh kế của người chăn nuôi nông hộ.

Liên kết với doanh nghiệp, người nuôi bớt rủi ro

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện có một số chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đang phát huy hiệu quả cao, như chuỗi liên kết của Công ty CP Việt Nam. Trong đó, CP Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật của hộ gia công; thu hồi sản phẩm và thanh toán tiền nuôi gia công theo kết quả chăn nuôi của hộ gia công.

Trong chuỗi chăn nuôi này, bà con nông dân được cấp vốn đầu tư chuồng trại, được cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Đặc biệt, người nuôi không phải chịu rủi ro về giá cả nên có thể duy trì sản xuất ngay cả khi thị trường bất lợi.

Hay như chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm an toàn của Tập đoàn De Heus với nông dân một số địa phương, điển hình là trang trại Hoành Văn Linh ở xã Tân Quan, huyện Hớn Quản (Bình Phước), với quy mô 30.000 con gà thịt.

Trang trại có 2 dãy chuồng (2.000m2/dãy), công nghệ chuồng lạnh, khép kín và được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh (với bệnh Newcastle và cúm gia cầm). Đặc biệt, giữa trang trại và công ty đã ký kết hợp đồng thỏa thuận bao tiêu với giá cố định (đảm bảo trang trại không bị lỗ kể cả khi giá thị trường giảm).

Phát biểu tổng kết diễn đàn, TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia kiến nghị Cục Chăn nuôi tiếp tục phối hợp với trung tâm để tài liệu hóa các yêu cầu điều kiện chăn nuôi theo các thông tư, nghị định, Luật Chăn nuôi; đề nghị Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam và các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương tổ chức đào tạo tập huấn về công tác chăn nuôi và an toàn dịch bệnh, nhân rộng các chuỗi liên kết để nhiều hộ nông dân, trang trại, gia trại được tham gia.

Trong đó lưu ý Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bình Phước và các tỉnh tăng cường tư vấn dịch vụ về chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, quy trình chăn nuôi gia cầm theo VietGAP…



https://danviet.vn/nuoi-gia-cam-an-toan-theo-chuoi-nong-dan-bot-rui-ro-tang-loi-nhuan-20201127161714217.htm

Theo THIÊN NGÂN (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm