Kinh tế

Nuôi vịt trời kết hợp nuôi các lóc thương phẩm ở Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trạm khuyến nông huyện Chư Sê vừa tổ chức cho nông dân các xã thị trấn đi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình trình diễn “nuôi vịt trời kết hợp với nuôi cá lóc thương phẩm”, tại hộ nuôi trình diễn ở thị trấn Chư Sê.

Tham dự có lãnh đạo, kỹ thuật Trạm khuyến nông huyện và Chi hội trưởng Hội nông dân các xã, thị trấn huyện Chư Sê.
 

Mô hình nuôi vịt trời hộ ông Võ Tấn Thành thôn Mỹ Thạch 3, thị trấn Chư Sê. Ảnh: H.V

Đến thăm các mô hình trình diễn nuôi vịt trời kết hợp cá lóc thương phẩm các hội viên nông dân được cán bộ trạm khuyến nông huyện Chư Sê phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh cho đàn vịt và cách thay nước cho cá lóc, kết hợp với tận dụng nguồn thức ăn sẵn có đảm bảo tiết kiệm và đạt hiệu quả cao nhất. Tại đây các hội viên cũng được nghe các hộ đang thực hiện thí điểm mô hình trình diễn nuôi vịt trời kết hợp cá lóc thương phẩm chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi thực hiện mô hình và cách làm chuồng trại. Ông Võ Tấn Thành thôn Mỹ Thạch 3, thị trấn Chư Sê cho biết: “gia đình tôi đang làm mô hình cá lóc , vịt trời của trạm khuyến nông đến nay được 3 tháng,  số lượng 100 con, còn 85 con.  Do ban đầu vịt còn nhỏ công tác ủ ấm cho vịt thiếu sót nên số lượng hao hụt mất 15 con, đến nay được 3 tháng vịt trời  nuôi phát triển được từ 1,2 kg  đến 1,3 kg.

Qua mô hình này gia đình tôi đã tận dụng được nguồn thức ăn cây chuối, cây rau và tận dụng được thời gian rảnh rỗi buổi sáng, buồi chiều để chăm cá lóc vịt trời. Qua mô hình này rất mong trạm khuyến nông, UBND huyện khuyến khích bà con nông dân làm theo vì thấy mô hình này đạt hiệu quả cao”. Được biết đây là mô hình chuyển giao KHCN trong chăn nuôi kết hợp vịt trời và cá lóc tăng hiệu quả sử dụng thức ăn thừa, sản phẩm thải ra từ vịt làm nguồn thức ăn cho cá lóc nhằm tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Kết thúc chuyến thăm các mô hình Trạm khuyến nông huyện đã tổ chức Hội nghị đầu bờ nhằm tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện mô hình của các hộ nông dân. Tại hội nghị các hội viên đã tham gia thảo luận nêu lên những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong khâu chăn nuôi và hiệu quả mang lại từ mô hình. Theo tính toán ban đầu, hiệu quả mang lại từ mô hình với vốn ban đầu với giá bán 150.000 đồng/kg vịt trời và 44.000 đồng/kg cá lóc Tổng giá trị thu được hơn 89 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư con giống, thức ăn chuồng trại còn lãi 48 triệu đồng.

Thay mặt Trạm khuyến nông đơn vị đứng ra tổ chức thực hiện mô hình, chị Nguyễn Thị Uyên Ny-Phó trưởng trạm phụ trách đã chia sẻ và chúc mừng thành công ban đầu của các mô hình, đồng thời thông báo kế hoạch phát triển, nhân rộng mô hình ra toàn huyện. Chị cho biết: “Thực hiện đề án ứng dụng KHCN năm 2017 Trạm khuyến nông đã xây dựng 9 mô hình trên 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chư Sê, sau 4 tháng thực hiện thì mô hình này đã cho kết quả khả quan. Vịt trời nuôi tại đây trung bình trọng lượng mỗi con 1,2 kg trở lên. Theo đánh giá của kỹ thuật và các hộ tham gia mô hình, thì mô hình này có thể nhân rộng trong thời gian tới.”.

Để các mô hình này được nhân rộng và phát triển bền vững đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ngoài việc đầu tư giống vốn, tập huấn kỹ thuật thì các cơ quan chuyên môn cũng cần định hướng phát triển và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân tránh tình trạng cung vượt cầu làm thiệt hại kinh tế của nhân dân.

Hoàng Viên

Có thể bạn quan tâm