Phóng sự - Ký sự

O Chẩm "dũng sĩ Dốc Miếu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gặp o Chẩm rồi, tôi chợt nhẩm lời bài hát “Tình đất đỏ miền Đông” có đoạn, “trong đấu tranh người miền Đông anh dũng, trong lao động người lại cũng anh hùng”, nếu ghép tên o Chẩm vào đó, thì người dân ở làng Xuân Long nơi o sống chẳng ai phản đối. Bởi trong những năm chiến tranh ác liệt, o 9 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, hòa bình lập lại o trở thành một lương y đức độ, giỏi giang...

9 lần là Dũng sĩ diệt Mỹ

Gặp o Hoàng Thị Chẩm trên đường làng thôn Xuân Long (xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) khi o đang trên đường về nhà trên chiếc xe đạp cũ với một túi to đùng có in hình chữ thập đỏ. O bảo: “Gọi mệ đi, o chi nữa”. Gặp ai o Chẩm cũng nói vậy, nhưng mọi người ở làng Xuân Long này, ai cũng gọi o Chẩm thành quen, chứ chẳng mấy ai gọi mệ, gọi bà. O gắn liền với tên của người phụ nữ 70 tuổi này từ những năm chiến tranh, khi làng Xuân Long trở thành vành đai trắng mang tên McNamara.

 

70 tuổi, bà Chẩm vẫn làm y tế thôn, đi khắp đây đó để thăm khám cho mọi người.
70 tuổi, bà Chẩm vẫn làm y tế thôn, đi khắp đây đó để thăm khám cho mọi người.

O Chẩm theo cách mạng từ năm mới 12 tuổi, thời điểm đó o làm nhiệm vụ đưa thư thay người lớn. Hằng ngày, các mẹ, các chị lận thư ở vành thúng, rồi giao cho o đưa vào Đông Hà (nay là TP.Đông Hà, Quảng Trị). O nhỏ xíu, đen đúa, mang theo chiếc thúng to với mấy đồ lỉnh kỉnh, nên qua mặt hết các chốt kiểm tra của địch và đưa những lá thư đến địa điểm an toàn. Đến năm 1962, lúc đó o Chẩm 15 tuổi vẫn làm giao liên đưa thư vào vùng địch hậu, làm cơ sở cách mạng và nuôi giấu cán bộ.

Năm 1967, quân địch bắt đầu càn quét tại 3 xã vùng phi quân sự là Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn, đốt hết nhà cửa, phá hết ruộng vườn rồi dồn dân vào Tân Tường (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Quê của o lúc đó là vành đai trắng. Ba ngày sau khi bị dồn vào ấp, o Chẩm trốn thoát ra ngoài, rồi tìm đường về quê. Theo chủ trương o được đi sơ tán, nhưng o không nghĩ đến việc đó, mà xin được ở lại rồi gia nhập hàng ngũ du kích, quyết cùng những người còn lại giữ làng.

Vào du kích, o được hướng dẫn làm quen với súng và tập bắn. Không ngờ, o bắn rất chuẩn, từ súng bình thường đến súng hạng nặng. Vì vậy, chẳng bao lâu o được xã đội phân công làm khẩu đội trưởng súng 12,7 ly, hằng ngày trực chiến bắn máy bay và chống càn. O bắn giỏi, o gan dạ và có nhiều ý nghĩ táo bạo trong chiến đấu, nên năm 1969 được điều lên đơn vị tập trung của xã. Những người lính xuất sắc nhất được tuyển chọn, trong đó có o được giao nhiệm vụ vây ép địch ở Dốc Miếu (Gio Linh). Chọn vị trí ở những mỏm cao cách quân địch 1,2km, o và đồng đội đào hầm ếch rồi ngụy trang ở đó, hễ nhắm thấy quân địch ra ngoài do thám là bắn tỉa.

O Chẩm kể, o được giao súng để bắn máy bay và bắn tỉa, nhưng có hôm địch càn quét ngay khu dân cư. Tình thế cấp bách nên o và đồng đội hạ nòng súng, chuyển sang đánh bộ binh. “Trận đó mệ và hai người nữa cùng xung trận, bắn tỉa tài tình. Địch tưởng quân ta ở đâu đông lắm, nên hủy trận càn” - o Chẩm kể, giọng run run, gương mặt ánh lên niềm tự hào.

Từ 1969 đến 1972, 4 năm liền o bám trụ ở chân đồi Dốc Miếu, ngày cơm vắt nước lã, nằm bệt trong hầm ếch, tối đến mới rời xa hầm rồi tìm nơi an toàn nhen lửa nấu ăn cho cả ngày. “Bốn năm đó, đạn cứ rơi trên đầu và cây súng ở trên vai, khó khăn mệ đều vượt qua. Nhưng khó nhất là ở chỗ, cứ 7 ngày nằm trong hầm ếch mới đổi phiên một lần, lúc đổi phiên mới có thời gian đi... tắm” - o Chẩm cười.

Với o Chẩm, ranh giới sống chết trong những năm chiến tranh là rất mong manh. O nhớ có lần bị xe tăng vây hãm tại thôn Cao Xá (xã Trung Hải, Gio Linh): “Ai cũng nghĩ rứa là hết đường sống. Mệ nghĩ, chết thì cũng kéo vài tên chết theo chơ không uổng. Rứa là mệ kẹp khẩu súng K43 rồi chạy, chạy một đoạn lại quay lại bắn, địch chạy theo vào trúng bãi mìn gài sẵn, rứa là hỏa mìn diệt luôn chiếc xe tăng. Mệ và đồng đội vẫn sống, không sứt mẻ chi”.

 

Bà Hoàng Thị Chẩm kể về 9 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và bức ảnh kỷ niệm chụp chân dung lúc ở chiến trường.
Bà Hoàng Thị Chẩm kể về 9 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và bức ảnh kỷ niệm chụp chân dung lúc ở chiến trường.

Lương y của làng

Quê nhà giải phóng, tháng 8-1972 o Chẩm được cử đi học lớp hộ sinh. “Cầm súng miết, nên lúc đó nhớ chi chữ nghĩa. Nhưng hòa bình rồi, phải góp sức xây dựng, kiến thiết đất nước nên phải cố gắng nhiều. Học lúc đó khó hơn... đánh giặc” - o Chẩm, nhớ lại.

Sau khi học xong, o Chẩm được điều về làm ở trạm y tế xã. Ông Bùi Ngọc Quyền, Phó chủ tịch xã Trung Hải nói rằng, thời điểm đó rất khó khăn, từ đường sá đi lại đến các điều kiện kinh tế, xã hội, may mắn o Chẩm rất vững trong chuyên môn và có tâm. “O Chẩm vừa làm y tá và hộ sinh, đa số những người sinh những năm 1973 đến 2000 đều được một tay o bồng bế. Ai đau đẻ là kêu o Chẩm, nửa đêm nửa hôm chi o cũng ôm cái túi đi, không đến được trạm xá thì o tự đến nhà” - ông Quyền, nhớ lại.

Vì vững tay nghề, nên o Chẩm biết ca bệnh nào khó, ca nào xử lý được. Nếu thấy bệnh nhân có biểu hiện nặng, là o gọi thanh niên làm cáng gùi lên tuyến trên. Vì vậy mà cả cuộc đời làm nghề y, tiếp xúc với cả ngàn trường hợp đau ốm, những ca sinh khó và tự tay đỡ đẻ cho cả làng, nhưng chưa từng xảy ra trường hợp đáng tiếc. Thế nên, năm 2012 o về hưu, người dân vẫn níu kéo o làm y tế thôn, và o làm tốt công việc của mình cho đến nay. “Vợ chồng tôi sinh ba đứa con, đứa thì năm 1989, đứa nhỏ nhất là 1993 thì đều một tay o Chẩm đỡ đẻ. Mà không riêng gì gia đình tôi, mà cả làng Xuân Long, cả xã này đều như thế, ai cũng nói o Chẩm có tay, đứa nào được o bồng lúc mới sinh ra đều khỏe mạnh, giỏi giang y như o vậy” - ông Quyền nói.

Bà Bùi Thị Nguyên (SN 1955, trú tại thôn Xuân Long) có bốn người con, từ lúc sinh cô con gái đầu lòng năm 1978 đến đứa út đều có bàn tay hỗ trợ của o Chẩm. Thế rồi, đứa con gái đầu lòng của bà Nguyên lớn lên, lại yêu mến rồi làm con dâu của o Chẩm. “Tôi vẫn thường nói với các con, o Chẩm là người mẹ thứ hai, nói rứa mà chừ thành ra thật” - bà Nguyên, vui vẻ.

 

Được đề nghị nhưng chưa được phong tặng anh hùng

Ông Bùi Ngọc Quyền - Phó Chủ tịch xã Trung Hải - nói rằng, chiến công của bà Hoàng Thị Chẩm thì ai cũng hay biết. Ở địa phương, bà Chẩm được người dân yêu quý vì rất nhiệt tình và làm tốt công tác khám-chữa bệnh. Dù đã được đề nghị phong tặng anh hùng, nhưng đến thời điểm này bà Chẩm vẫn chưa được công nhận.

Đến năm 1972, quân địch bị đánh cho tơi tả, o Chẩm cùng bốn đồng đội vào cắm lá cờ Tổ quốc đầu tiên ở căn cứ Dốc Miếu, đánh dấu mốc giải phóng. Trong bốn năm bám trụ Dốc Miếu, o Chẩm lần lượt “dựt” (giật) các danh hiệu, năm 1969 và 1970 là chiến sĩ thi đua, năm 1971 là chiến sĩ quyết thắng. Cùng với đó là 9 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, trong đó một lần o bắn cháy máy bay, một lần o bắn cháy xe tăng...

O Chẩm được mọi người tin tưởng, quý mến và còn nể phục ở chỗ làm việc mà không nghĩ đến chuyện lãi. Hằng ngày, o cứ “bám” chiếc xe đạp cũ với cái túi đen lớn, bên trong là đủ các loại thuốc trị bệnh thông thường. Hễ ai gọi là đi, thăm khám thấy bệnh nhẹ, cho thuốc được thì kê luôn, còn bệnh nặng thì khuyên nhủ đi bệnh viện. Tiền thuốc o chỉ lấy giá gốc, không tính lời, nếu nhà nào có điều kiện biếu vài đồng để bồi dưỡng thì o nhận lời, không thì vẫn vui vẻ.

70 tuổi, sức khỏe không để lăn lộn như thời trẻ, nhưng muốn cống hiến cho đời nên trong o chẳng có chút mảy may đến chuyện từ chối lời yêu cầu giúp đỡ nào. O Chẩm triết lý: “Trừ lúc mấy đứa con alo về, hỏi mạ đang làm chi thì mệ nói đang đi loanh quanh xóm làng chơi, chứ nếu nói là đang khám bệnh giúp bà con, là rầy lắm. Mấy đứa nó lo chuyện đi lại, rồi chuyện tai biến này kia. Nhưng mệ thì chắc chắn lắm, thấy bệnh nhân không ổn là khuyên đi bệnh viện ngay, chuyện sức khỏe, tính mạng con người chứ không phải như thời chiến, cứ dũng cảm và hết mình là được”.

Lâm Hưng Thơ/laodong

Có thể bạn quan tâm