Văn hóa

Ông Kpuih Jol-“Cầu nối” văn hóa truyền thống của làng Hle Ngol

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Già làng Kpuih Jol được nhiều thế hệ người làng Hle Ngol (xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) yêu mến bởi ông như “cầu nối” mạch nguồn văn hóa truyền thống của người Jrai. GJol không ngừng nỗ lực gìn giữ, bảo tồn để các giá trị truyền thống ngày càng phong phú, sinh động.
Ngoài đan lát, già Jol còn nổi tiếng là người đánh cồng chiêng giỏi và là “nhà điêu khắc” mặt nạ gỗ tài ba của làng. Ảnh: Mai Ka
Ngoài đan lát, già Jol còn nổi tiếng là người đánh cồng chiêng giỏi và là “nhà điêu khắc” mặt nạ gỗ tài ba của làng. Ảnh: Mai Ka

Già Kpuih Jol kể, ngay từ nhỏ ông đã theo cha và ông nội lên rừng lấy tre, nứa, lồ ô về làm gùi, rổ, rá... phục vụ trong gia đình. Hơn 60 mùa rẫy, già vẫn đam mê đan lát để thỏa niềm đam mê nghề và cũng để níu kéo, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Ngoài đan lát, già Jol còn nổi tiếng là người đánh cồng chiêng giỏi và là “nhà điêu khắc” mặt nạ gỗ tài ba của làng.

Trong một lễ hội của làng mới đây, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những chiếc mặt nạ gỗ do chính tay già Jol chế tác. Say sưa kể về những chiếc mặt nạ trong lễ hội của người Jrai, già Jol hào hứng bảo: “Mặt nạ hóa trang trong lễ hội của người Jrai có nhiều sắc thái khác nhau, lưu truyền hồn cốt, bản sắc văn hóa từ xa xưa.

Hồi nhỏ, trong các lễ hội của làng, tôi bị thu hút và mê hoặc bởi những gương mặt có hình thú kỳ dị, khác lạ. Tôi tò mò tìm hiểu và được ông nội chỉ dạy. Tôi kiên trì, miệt mài học và mãi đến 40 tuổi, tôi mới biết cách làm mặt nạ cho các pơtual (người làm trò trong đội cồng chiêng tham gia lễ hội-NV) một cách chuẩn xác nhất. Sau này, người già công nhận và sử dụng mặt nạ do tôi làm ra tại các lễ hội của làng”.

Già Jol giải thích thêm, với người Jrai, mặt nạ là vật gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, thể hiện sức mạnh huyền bí, có thể xua đuổi tà ma, đem lại sự bình yên cho dân làng. Xưa kia, mặt nạ là vật không thể thiếu trong các lễ hội như: bỏ mả, mừng nhà rông, mừng lúa mới…

“Chính vì ý nghĩa đó mà tôi mong muốn thế hệ cháu con sau này tiếp nối được nét đẹp văn hóa này. Tôi động viên và hướng dẫn bọn trẻ trong làng biết yêu và học cách làm mặt nạ gỗ để không bị mai một theo thời gian”-già Jol bày tỏ.

Già Jol (ở giữa) động viên và hướng dẫn mọi người trong làng biết yêu và học cách làm mặt nạ gỗ để nét văn hóa truyền thống để không bị mai một theo thời gian. Ảnh: Mai Ka

Già Jol (ở giữa) động viên và hướng dẫn mọi người trong làng biết yêu và học cách làm mặt nạ gỗ để nét văn hóa truyền thống để không bị mai một theo thời gian. Ảnh: Mai Ka

Già làng Kpuih Jol ngày ngày âm thầm đóng góp cho việc gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. Làng Hle Ngol có đến 100 hộ dân tộc thiểu số người Jrai. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, ngoài tuyên truyền, vận động để bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm thì già làng còn chung tay với cán bộ, đảng viên của làng vận động bà con gìn giữ và bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng.

Vốn là người đánh chiêng giỏi, già Jol đã vận động nhiều thế hệ trong làng tham gia đội cồng chiêng, tập luyện và biểu diễn trong các lễ hội dưới sự hướng dẫn của già. Hiện nay, đội cồng chiêng của làng Hle Ngol có gần 20 thành viên, trong đó có nhiều người đánh chiêng giỏi.

“Thế hệ trẻ chúng tôi rất thán phục tài nghệ của già làng Kpuih Jol. Già là người khơi dậy niềm tự hào văn hóa truyền thống trong chúng tôi. Theo lời già, những chàng trai, cô gái của làng sẽ không ngừng nỗ lực để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai như đánh chiêng, múa xoang, dệt vải, đan lát, tạc tượng…”-anh Kpăh Piên (làng Hle Ngol) tâm sự.

Nói về những đóng góp của ông Kpuih Jol, nghệ nhân Rơ Châm Luih (xã Ia Tôr) cho rằng: Ông Jol là già làng uy tín có nhiều đóng góp tích cực trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của người Jrai ở làng Hle Ngol. Ông là người đánh chiêng giỏi, điêu khắc gỗ đẹp và đan lát rất tài ba.

Những năm trước đây, ông Jol từng là thành viên xuất sắc của đội cồng chiêng làng Hle Ngol. Vài năm gần đây, ông không đứng ra tập hợp thành lập đội để tập luyện, tham dự các sự kiện văn hóa do địa phương tổ chức. Nhờ có già Jol mà mạch nguồn văn hóa truyền thống ở làng Hle Ngol ngày càng phát triển.

Già Jol cùng mọi người tập luyện để chuẩn bị cho lễ hội của làng. Ảnh: Mai Ka

Già Jol cùng mọi người tập luyện để chuẩn bị cho lễ hội của làng. Ảnh: Mai Ka

Già Kpuih Jol chia sẻ, chính niềm đam mê văn hóa dân tộc đã giúp ông trở thành một già làng luôn đau đáu trong việc trao truyền những gì thuộc về văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai cho thế hệ tương lai.

“Mình cố gắng làm sao để kết nối được hồn cốt truyền thống của cha ông với nhịp sống hiện đại ngày hôm nay. Để thế hệ trẻ biết yêu, biết gìn giữ và phát huy nét đẹp của văn hóa dân tộc thì những thế hệ đi trước như chúng tôi cần biết cách trao truyền một cách hấp dẫn, không gò ép”-già Jol bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm