Ông tôi là bác sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ai đó đã nói rất đúng rằng, nghề y cần có một trí tuệ sáng suốt, một trái tim nhân hậu cùng với đôi bàn tay khéo léo. Tôi nghiệm được điều ấy từ người ông của mình. Ông tôi là bác sĩ. Ông đã dành cả đời để làm nghề chữa bệnh cứu người. Và tôi luôn tự hào về điều đó! Còn bà tôi, bà vẫn thường nói với anh em tôi: “Ông các cháu giàu lắm. Chẳng phải vì giàu của cải vật chất mà là tình cảm, sự biết ơn chân thành của mọi người dành cho”.
Là một người lính bước ra từ chiến trường bom đạn ác liệt thời chống Mỹ, ông tôi tiếp tục học đại học và tốt nghiệp ngành y với tấm bằng loại giỏi. Mặc dù được nhiều lời mời gọi cũng như có nhiều cơ hội lựa chọn làm việc ở các thành phố lớn nhưng ông vẫn quyết định về phục vụ cho quê hương. Ông bảo, muốn đem những kiến thức mình học được về giúp người dân quê mình hãy còn nghèo khổ, khó khăn. Với ông, sức khỏe của người dân là trên hết. Bà tôi kể lại, cũng vì tận tâm, tận tụy, hơn 30 năm trong nghề, ít có ngày nào ông được nghỉ ngơi trọn vẹn. Ngay cả trong ngày cưới của ông bà, có bệnh nhân cần gấp, ông cũng xách hộp đồ nghề của mình đi ngay.
Ở tuổi gần 70, khi đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp, nay về nghỉ hưu ông vẫn không cho phép mình nghỉ tay hay vô ưu vô lo trước sức khỏe người dân. Cuộc sống thường ngày được ông sắp xếp rất khoa học. Sáng, ông dậy sớm tập thể dục, ăn sáng rồi xách hộp đồ nghề đi khắp làng. Hôm thì thăm khám cho người già, trẻ con; hôm đến thăm, trò chuyện với họ. Cũng có hôm, đang ăn cơm trưa, thậm chí lúc nửa đêm, có người đến gọi, thế là ông lại tất bật tiếp tục công việc của mình.
Bà nói, ông có tuổi rồi, nên nghỉ khám-chữa bệnh để có thì giờ nghỉ ngơi, ông cười: “Chừng nào tôi còn sức khỏe, người dân mình còn cần thì tôi còn đi. Quen nghề là một phần. Quan trọng là yêu nghề lắm. Không bỏ được”. Nhiều người không biết, gặp ông, thường bảo: “Nghề bác sĩ hái ra tiền. Ông làm việc mấy mươi năm nay, tiền bạc để đâu cho hết”. Nghe vậy ông chỉ cười xòa. Tính ông ít muốn giải thích khi ai đó hiểu chưa đúng về mình. Ông vẫn thường bảo, trong cuộc đời này, mình cứ sống đúng với lương tâm và nghề nghiệp của mình là được.
Trong những lần trò chuyện với con cháu, ông thường dạy: “Làm nghề y, ai nghĩ rằng lấy bệnh nhân làm giàu thì trước sau gì cũng sẽ thất bại. Đã xác định gắn bó với nghề cần phải có một trái tim nhân hậu và công tâm. Người bệnh dù giàu hay nghèo đều phải gần gũi, phải phục vụ như nhau, vượt qua rào cản vật chất. Là bác sĩ thì phải làm thế nào đó để được dân yêu, dân tin tưởng, an tâm khi đến, vui vẻ khi về...”.
Mấy hôm trước, trên đường đi khám bệnh ở làng bên về, chẳng may ông bị ngã. Mắt cá chân sưng tấy, ông phải nằm một chỗ. Người dân làng trên xóm dưới biết vậy, nhiều người đã rủ nhau đến thăm ông. Người nải chuối, người chục trứng gà, ký cam… Ai nấy đều lo cho sức khỏe của ông. Bà con còn gọi ông là bác sĩ của dân làng, là vị bác sĩ nhiệt tình trong công việc, thoải mái và gần gũi nhất mà họ được gặp. Họ xem ông là tấm gương y đức mẫu mực để giáo dục con cái noi theo.
Mấy đứa trẻ con trong xóm mỗi khi thấy ông ở nhà đều rủ nhau sang chơi. Chúng líu ríu nói cười và gọi ông tôi là “Ông bác sĩ”. Đứa nào cũng tranh nhau nói: “Ông bác sĩ đã chữa khỏi bệnh ho cho tớ!”, “Mình bị nóng sốt, chính ông cũng đã chữa khỏi cho mình”, “Cho mình nữa”, “Mình nữa”… Chúng cứ thế quấn quýt bên ông chẳng rời.
Tôi năm nay đã học năm cuối bậc THPT. Từ lâu, tôi đã ấp ủ ước mơ thi vào trường y. Vì đơn giản tôi muốn được như ông, một lương y như từ mẫu, luôn được mọi người tin tưởng, yêu mến.
THU ĐÌNH

Có thể bạn quan tâm