Thời sự - Bình luận

Phải nhìn thẳng thắn về hiện tượng công chức, viên chức nghỉ việc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong 6 tháng đầu năm 2022, TPHCM có 676 cán bộ, công chức và 5.501 viên chức nghỉ việc theo nguyện vọng.
 
Áp lực vì công việc quá tải dẫn đến cán bộ, công chức nghỉ việc ở TPHCM. Ảnh: Phương Ngân
Áp lực vì công việc quá tải dẫn đến cán bộ, công chức nghỉ việc ở TPHCM. Ảnh: Phương Ngân
Trước hiện tượng bất thường, cứ mỗi tháng có 1.000 công chức, viên chức nghỉ việc, lãnh đạo TPHCM đã có văn bản khẩn về hướng giải pháp, đề xuất, kiến nghị tới Bộ Nội vụ.
Theo đánh giá của UBND TPHCM, có 3 nguyên nhân chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, gồm: Chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ; Cơ hội thăng tiến; Áp lực công việc.
Cần phải bàn về 3 nguyên nhân trên, xem có đúng như vậy không.
Còn nhớ tại cuộc gặp với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ngày 5.8, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết bật khóc khi nói về thu nhập, điều mà trí thức rất tự trọng muốn nói ra.
Nhưng bác sĩ Diễm Tuyết không phải khóc cho riêng mình, mà cho đồng nghiệp, cho những người làm việc trong hệ thống nhà nước. Với đồng lương  5 - 7 triệu đồng/tháng, nuôi mình còn chưa tử tế, đừng nói đến chuyện lo cho cha mẹ hay vợ con.
Với chừng đó tiền, không ai có thể tận tâm, yên tâm với công việc suốt đời. Cần phải đặt câu hỏi một cách thẳng thắn rằng:
Đồng lương không đủ sống, nhưng nếu vẫn cứ bám vào cái ghế nhà nước để làm, thì thử hỏi người ta sống bằng cái gì, không lương thì có bổng hay không lương thì có lậu. Bởi vì, họ phải sống bằng lương thực, không thể bằng không khí và những lý thuyết phục vụ suông.
Đồng lương không đủ sống, thế thì nhiều người chỉ "sáng vác ô đi tối vác về", kiếm "cái chân" nhà nước nhưng tay làm việc riêng. 
Đồng lương không đủ sống, không đủ để dưỡng liêm, cho nên lật báo là đọc tin cán bộ, quan chức bị khởi tố, tạm giam, ra tòa.
Đúng, đồng lương thấp là nguyên nhân căn bản nhất.
Nguyên nhân thứ hai là "cơ hội thăng tiến", nói thẳng là chưa có sự công bằng. Người có năng lực nhưng không có quan hệ, không phải hậu duệ, không có tiền tệ thì "mãi mãi là người đến sau". Vậy thì tốt nhất là họ đi tìm nơi tôn trọng tài năng để cống hiến.
Hoặc, người ta không thể thăng tiến bằng tài năng khi trong một môi trường "xếp hàng", "trật tự", " sống lâu lên lão làng".
Đúng, đề bạt, bổ nhiệm người không công bằng là nguyên nhân.
Còn áp lực công việc thì đúng là tại một số cơ quan, nhất là một số xã phường có đông dân cư thì công việc quá tải trong khi quá ít nhân lực .
Tuy vậy cũng phải thẳng thắn rằng, vẫn còn không ít người "vác ô" hoặc "vác cặp" đi họp, cả đời đi họp. 
Vẫn còn quá nhiều cơ quan không khai thác công nghệ trong quản lý điều hành, vẫn làm bằng thủ công, cho nên hiệu quả rất thấp. Do năng lực kém, không phải do việc nhiều.
Vẫn còn nhiều cán bộ quan liêu, hoạnh họe, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp, chẳng làm được gì, chẳng động não để tạo ra giá trị gì.  Vậy thì không có gì là áp lực.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)
 
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/phai-nhin-thang-than-ve-hien-tuong-cong-chuc-vien-chuc-nghi-viec-1080460.ldo

Có thể bạn quan tâm