Câu chuyện hoàn toàn không mới. Câu chuyện thể hiện một trong những “khâu yếu” của công tác cán bộ hiện nay, nhất là trước thềm Đại hội Đảng các cấp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: Phải “nhốt” quyền lực trong cái “lồng” luật pháp.
ảnh minh họa
Không phải tự nhiên, trước “thềm” Đại hội Đảng, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”. Quy định nêu rõ 6 hành vi “chạy chức, chạy quyền” và 8 hành vi bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền”.
Nói thực ra, “kiểm soát quyền lực” là vấn đề khó nhất của mọi vấn đề khó. Không có kỳ Đại hội Đảng nào từ cấp cơ sở đến Trung ương, trong diễn văn bế mạc không có câu “đã chọn ra được những cán bộ có tài, có đức, tiêu biểu cho trí tuệ và phẩm chất của Đảng”, tuy nhiên câu chuyện sau Đại hội luôn khác.
Chúng ta có “quy trình” chặt chẽ về công tác cán bộ, “quy trình” chặt chẽ về công tác nhân sự, nhưng thất bại đau đớn cũng chính từ “quy trình”. Có “quy trình” tốt nhưng vấn đề là ai làm chủ “quy trình”?
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 đến nay, hơn 53.107 cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Không ai yêu chế độ này, đất nước này không đau lòng vì điều này. Không ai không hoài nghi về “quy trình” và hoài nghi về những người được giao trọng trách “làm chủ” quy trình.
Lần này, trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ 13, Trung ương nhấn mạnh đến việc bảo vệ và khen thưởng kịp thời những cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo đúng các hành vi “chạy chức, chạy quyền”, bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền” (tất nhiên phải đồng thời, xử lý nghiêm những người tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng uy tín người khác).
Trung ương cũng đặt vấn đề Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử nếu phát hiện hành vi “chạy chức, chạy quyền”, bao che, tiếp tay “chạy chức, chạy quyền” thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định.
Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi “chạy chức, chạy quyền”, bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền”... nhưng có ai biết nghe nhân dân theo quy định không lại là câu chuyện khác.
Trước thực tế đau xót về công tác cán bộ của nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ 12, chúng ta lại nhớ tới lời dạy của Bác Hồ “cán bộ là cái gốc của công việc”.
Từ Tâm (PLVN)